Khó khăn dạy học tích hợp dần được tháo gỡ

GD&TĐ - Hiện phần lớn địa phương chưa có giáo viên được đào tạo chuyên ngành về dạy học tích hợp theo Chương trình GDPT 2018, nhất là với cấp THCS.

Giờ học của học sinh Trường THCS An Lạc.
Giờ học của học sinh Trường THCS An Lạc.

Tuy nhiên trong thời gian qua, nhiều trường học đã từng bước tháo gỡ khó khăn, bước đầu đáp ứng yêu cầu về chuyên môn.

Nỗ lực gỡ khó

Đối với THCS, cái khó khi dạy những môn học tích hợp là giáo viên phải học thêm kiến thức của những môn khác. Theo chia sẻ của ông Lê Văn Công, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Gia Mập (Bình Phước), dạy chương trình tích hợp môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, địa phương đã chỉ đạo nhà trường tùy vào thực tế, hiệu trưởng sẽ phân công giáo viên dạy các nội dung của chương trình hoặc chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn. Tuy nhiên do trước đây trường sư phạm chỉ đào tạo đơn môn nên hiện các trường chưa có nhiều giáo viên đủ trình độ, kiến thức dạy cả 3 môn Vật lý, Hoá học, Sinh học hoặc 2 môn Lịch sử, Địa lý.

“Trong điều kiện đội ngũ hầu hết chỉ được đào tạo đơn môn nên việc triển khai dạy các môn tích hợp gây khó khăn cho chính giáo viên. Rất ít thầy cô có thể dạy cùng lúc môn Sử - Địa hay Hoá - Sinh. Tuy nhiên, với yêu cầu nhiệm vụ, đội ngũ giáo viên và các trường đã nỗ lực khắc phục khó khăn. Nhiều nhà giáo đã và đang làm quen với việc chủ động tìm ra sự thống nhất của các môn học, nghiên cứu cách kết nối đơn vị kiến thức còn rời rạc thành hệ thống có tính liên kết, xây dựng thành chủ đề dạy học”, ông Công cho hay.

Tại Trường Tiểu học - THCS Phước Thiện (Bù Đốp, tỉnh Bình Phước), ngoài chuyên môn giảng dạy, giáo viên chưa được tập huấn các môn tích hợp nên khi thực hiện còn bỡ ngỡ. Vì vậy, dạy Chương trình GDPT 2018 cũng gặp không ít khó khăn, nhất là vấn đề phân công chuyên môn đối với giáo viên. Với khối 6, chương trình nhẹ, thầy, cô có thể đảm đương được. Nhưng khối 7, một giáo viên đảm đương 2 môn Sử - Địa thuộc khối Khoa học xã hội hay 3 môn Vật lý, Hoá học, Sinh học thuộc khối Khoa học tự nhiên lại gặp không ít trở ngại, nhất là những môn không thuộc chuyên môn trước đây của mình.

“Chỉ có môn Giáo dục địa phương và hoạt động trải nghiệm, giáo viên đã được tập huấn. Còn đối với môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, ngoài các môn chính đang dạy, thầy cô chủ yếu tự bồi dưỡng môn phụ qua hình thức trực tuyến. Thực tế nhiều giáo viên lo lắng, trình độ lớp 6, lớp 7 có thể tự tìm hiểu kiến thức và dạy học sinh nhưng lên đến lớp 8, lớp 9 thì khó đáp ứng được yêu cầu”, cô Nguyễn Thị Đức Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Phước Thiện thông tin.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Thầy cô chủ động

Cũng theo chia sẻ của cô Hiền, trước khi bắt đầu năm học 2022 - 2023, Phòng GD&ĐT huyện Bù Đốp thành lập tổ bộ môn Khoa học tự nhiên tập hợp giáo viên dạy Vật lý, Hoá học, Sinh học thuộc của các trường THCS trên địa bàn huyện. Các thầy cô đã ngồi lại với nhau bàn bạc, góp ý xây dựng bài giảng để dạy học sinh đạt hiệu quả.

“Tại Trường Tiểu học - THCS Phước Thiện, nhóm giáo viên Khoa học tự nhiên tăng cường thời gian sinh hoạt chuyên môn, xây dựng kế hoạch giảng dạy, bổ sung kiến thức và kỹ năng truyền đạt cho nhau, khai thác triệt để công cụ hỗ trợ như các phần mềm dạy học thông minh phù hợp với bộ môn. Giáo viên còn học hỏi từ đồng nghiệp trường khác, tham khảo tiết dạy trên truyền hình và một số website học tập… từ đó lựa chọn hình thức, phương pháp dạy học phù hợp”, cô Hiền cho hay.

Còn theo chia sẻ của thầy Phùng Minh Vương, Hiệu trưởng Trường THCS An Lạc (TPHCM), thực hiện chủ trương đi đầu của TPHCM, từ năm 2020, giáo viên trong trường được bồi dưỡng tại Trường Đại học Sài Gòn 6 tháng về Chương trình GDPT 2018. Nhờ đó, năm học 2022 - 2023, với môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, giáo viên có thể phụ trách luôn chứ không chia thời khoá biểu thành từng thời điểm để dạy. Ngoài ra, nhà trường đã ghép 3 tổ Lý, Hoá, Sinh lại thành tổ Khoa học tự nhiên. Tổ Lịch sử, Địa lý cũng thành tổ Khoa học xã hội.

Cũng theo chia sẻ của thầy Vương, giáo viên thuộc tổ Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội của nhà trường mỗi tháng sinh hoạt tối thiểu 2 lần. Thầy cô sẽ ngồi lại và trao đổi về kế hoạch bài dạy của cá nhân, xem có phần nào gặp khó khăn trong quá trình giảng dạy. Chẳng hạn, thầy cô có chuyên môn Vật lý sẽ hỗ trợ đồng nghiệp chuyên về môn Hoá học, Sinh học và ngược lại...

“Nhà trường mong muốn Sở GD&ĐT TPHCM có kế hoạch bồi dưỡng thêm về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho thầy cô yên tâm hơn trong công tác giảng dạy. Thời gian bồi dưỡng cần thực hiện vào hè. Bởi trước đây, thầy cô được bồi dưỡng khi chưa tiếp cận nhiều sách giáo khoa, vì thế sau thời gian giảng dạy có nhiều băn khoăn cần trao đổi để đầu tư cho tiết dạy”, thầy Vương đề xuất.

Thầy Hồ Đình Triệu, giáo viên Trường THCS Đắc Ơ (huyện Bù Gia Mập) chia sẻ: “Xác định những thay đổi của sách giáo khoa mới, ngay từ đầu năm học, tôi luôn chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy. Do được đào tạo chuyên ngành Hóa - Sinh, vì vậy việc giảng dạy 2 môn với khối 7, bản thân không gặp phải khó khăn gì đáng kể. Tuy nhiên đối với môn Vật lý do chưa được tập huấn nên tôi chưa thể giảng dạy. Tôi cũng như các thầy cô trong trường đều mong muốn sớm có lớp tập huấn để cập nhật kiến thức có thể dạy được cả 3 môn Vật lý, Hoá học, Sinh học”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ