“Kho báu gene” trong 21 giống lúa ma ở Việt Nam

GD&TĐ - Giống lúa dại bản địa của Việt Nam hay còn gọi là lúa trời, lúa ma… dù mọc hoang, không được quy hoạch vùng trồng bài bản, nhưng chứa rất nhiều gene quý hiếm không tìm thấy ở các giống lúa khác.

“Kho báu gene” trong 21 giống lúa ma ở Việt Nam

Ngày nay, muốn nhân giống lúa lai với các đặc tính chống biến đổi khí hậu, các nhà khoa học buộc phải lấy gene từ cấy lúa dại này.

Mọc hoang nhưng quý hơn vàng

Về Tràm Chim mùa nước nổi, du khách không chỉ được thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thanh bình, mà còn được tham quan, trải nghiệm thu hoạch lúa trời - loại thực vật đã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam. Vườn Quốc gia Tràm Chim nằm cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 160 km.

Mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch (khoảng tháng 9 – 12 dương lịch) là mùa du lịch Vườn Quốc gia Tràm Chim. Khung cảnh ngập nước, xanh tốt, điểm xuyến sắc hồng của hoa sen, hoa súng bừng nở... 

Thiên nhiên đã ban phát cho vùng Đồng Tháp Mười nhiều sản vật và nguồn lợi tôm, cá khá dồi dào, đặc biệt là sản vật lúa trời. Quần xã lúa trời hay còn gọi là “lúa ma” (có tên khoa học là Oryza rufipogon) hiện phát triển khá nhiều tại Vườn Tràm Chim với diện tích hơn 800 ha.

Vào khoảng tháng 4 dương lịch hàng năm, lúc trời bắt đầu sa mưa, hạt lúa bắt đầu nảy mầm và mọc cao lên, thân lúa cứng, lá to bản; rễ lúa ma có khả năng khử các chất gây chua và hút lấy dinh dưỡng, nước trong đất để tăng trưởng…

Từ tháng 8 đến tháng 12, cây lúa vươn dài, ngoi lên khỏi mặt nước, lúa trời trổ đòng, đơm bông… Bông lúa ma to, dài và thẳng hơn lúa thường, hạt lúa trên bông rất thưa, nhỏ…

Dù chỉ là loài lúa mọc hoang, song giá trị của cây lúa trời lại vô cùng lớn trong ngành khoa học nghiên cứu lúa gạo ở Việt Nam. Thông tin từ Vườn Quốc gia Tràm Chim, diện tích lúa ma phát triển nhiều nhất là tháng mùa nước năm 2018 (có diện tích hơn 1.700 ha) và thấp nhất vào năm 2015 (với diện tích hơn 546 ha) vào mùa khô và mùa nước.

Nói về đặc điểm và giá trị của giống lúa trời, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa cho biết, sở dĩ dân gian gọi là lúa ma vì hạt lúa có đuôi rất dài, lặn ngụp hầu như ở khắp nơi.

Chúng sẵn sàng vươn lên khỏi mặt nước, nước dâng tới đâu, lúa cao tới đó. Sức sống của loại lúa này cũng rất mãnh liệt. Hạt lúa vừa chín sẽ tự rụng khi có ánh nắng. Khi rụng, hạt sẽ trôi khắp nơi, bám vào đâu là mọc thành cây ở đó.

Lúa ma chín chỉ một lần trong năm, là giống lúa có nguồn gene kháng rầy nâu và rầy lưng trắng khá tốt. Lúa ma trổ bông vào tháng 10 và bắt đầu chín vào tháng 11 - 12, bông lúa ma chín với vỏ trấu màu vàng đen, có chiếc đuôi dài.

Giống lúa này mỗi lần chín chỉ vài hạt chứ không chín rộ cả bông như những giống lúa được trồng như hiện nay. Nếu không thu hoạch trước khi Mặt trời mọc, khi gặp ánh sáng hạt lúa chín sẽ tự rụng.

Lúa ma chín vào mùa nước nổi nên muốn thu hoạch phải dùng thuyền và chỉ rung cây để đập cho hạt rơi vào thuyền. Đây là loại lúa chịu phèn, vượt nước rất tốt, có thể vượt mực nước có độ sâu từ 3 - 5 mét. Giống lúa này còn có thể tồn tại được trên dòng nước lũ.

TS Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, đối với lớp nước mặt rất chua (pH<3), hạt của các loài thực vật khác không thể nảy mầm nhưng hạt lúa ma vẫn nảy mầm và rễ phát triển sâu vào trong đất.

Lúa ma tự động rụng vào đất, chờ đến mùa mưa năm sau lại nảy mầm và tiếp tục một vòng đời mới. Trong khi các giống lúa hiện đại cho năng suất hàng chục tấn/ha thì giống lúa ma chỉ cho năng suất 30 - 40kg/ha. Dù vậy, nó vẫn là nguồn tài nguyên thực vật vô cùng quý giá, có thể nói quý hơn vàng.

Nguyên liệu để lai tạo các giống lúa mới

Giống lúa trời bản địa ngày xưa sống ở khắp nơi kể cả ở Đồng bằng Bắc Bộ, nơi nào có đầm lầy, vùng ngập nước là nơi đó có cây lúa ma. Tuy nhiên sau này diện tích đầm lầy bị thu hẹp dần, giống lúa này cũng dần biến mất ở miền Bắc và chỉ còn tồn tại ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Vì đây là nguồn tài nguyên gene cực kỳ quý giá nên theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cần tính đến quy hoạch vùng trồng bảo tồn trong điều kiện tự nhiên tốt nhất. Tránh tình trạng diện tích lúa bị thu hẹp dần theo thời gian do sinh trưởng tự phát.

Trong nghiên cứu các giống lúa mới ngày nay, để chọn ra các gene như giống lúa có khả năng chịu hạn, chua, phèn, mặn hay ngập úng… các nhà khoa học đều phải lấy nguồn gene từ cây lúa ma.

Lý do là các đặc tính này ở cây lúa ma là chọn lọc tự nhiên hàng nghìn năm rồi nên rất bền vững, kiểu gene cũng rất ổn định, gần như không bị thay đổi tính trạng khi lai tạo.

Trong khi đó, các giống lúa lai tạo do con người không có được đặc tính này. Điều đặc biệt là các đặc tính như chịu phèn, chịu hạn, vượt nước, chín nhanh và hạt giữ được sức nảy mầm lâu đều không có ở các giống lúa cao sản đang canh tác hiện nay.

Đây chính là ngân hàng gene vô tận quý giá của các nhà khoa học. Bởi tương lai chúng ta sẽ phải sản xuất ra nhiều giống lúa khác nhau có khả năng ứng phó với thời tiết khắc nghiệt. Việc bảo tồn lúa ma chính là nền tảng để có thể nhân ra các giống lúa đặc biệt này.

Giống lúa ma có phải là một loại đặc sản thơm ngon hiếm có? PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết, giống lúa này cho hạt nhỏ, hạt gạo gãy và nát, chất lượng không dẻo thơm như lúa lai.

Khi kinh tế còn khó khăn, người dân thường sử dụng loại gạo này để nấu cháo chống đói rất phù hợp do gạo rất nhanh nát. Hiện ở Việt Nam có tới 21 loài lúa ma khác nhau.

Đây là nguồn gene thực vật không quốc gia nào có được, dù chỉ là loại lúa mọc hoang như cỏ dại. Hiện ở một số viện nghiên cứu về lúa cũng trồng loại lúa này để phục vụ cho công tác nghiên cứu là chủ yếu. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ