Kho báu bằng đồng ở Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hơn 200 năm qua, một gia đình Nhật Bản đã tạo ra những tác phẩm bằng đồng với niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật và xuất khẩu ra khắp thế giới.

Những chiếc ấm quý giá từ xưởng Gyokusendo. Ảnh: Thomas Nicolon
Những chiếc ấm quý giá từ xưởng Gyokusendo. Ảnh: Thomas Nicolon

Thích nghi để tồn tại

Gần 300 năm trước, một kỹ thuật luyện đồng công phu ra đời và trở thành nét đặc sắc của khu vực giàu có kim loại đồng này (thành phố Tsubame). Đó là vào năm 1768, Toshichi, một thợ thủ công từ vùng khác đến định cư ở Tsubame. Ông đã dạy cho người dân địa phương kỹ thuật tsuiki, tạo hình những chiếc bình bằng đồng.

Vài thập kỷ sau, năm 1816, một người học việc tên Kakubei Tamagawa đã thành lập xưởng của riêng mình, gọi là Gyokusendo. Dần dần, từ những lời truyền miệng với các sản phẩm tinh tế, công phu, xưởng của Kakubei đã trở thành một trong những xưởng thủ công nổi tiếng nhất nước. Những chiếc nồi, chảo và chậu đồng của xưởng được khách mua như những món đồ chứa đựng tính cách và tâm hồn.

Đến nay, hơn 200 năm sau khi Gyokusendo được thành lập, hậu duệ của Kakubei vẫn duy trì, điều hành xưởng. Thế hệ thứ bảy của gia đình Tamagawa vẫn là người đứng đầu xưởng Gayokusendo và nghề thủ công lâu đời này đang đứng trước thách thức của thời gian và những thay đổi của xã hội hiện đại.

Khi trò chuyện bên chiếc chabudai (bàn cà phê kiểu Nhật), Hiroki Tamagawa, trưởng xưởng Gyokusendo chia sẻ rằng công việc này là một phần không thể thiếu trong cuộc đời ông: “Cha dạy tôi mọi thứ. Tôi có mối duyên khó diễn đạt với môn nghệ thuật này, nhưng chắc chắn rằng trong cả cuộc đời tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ công việc này để tìm công việc dễ dàng hơn”.

Bằng niềm đam mê bền bỉ của những người thợ thủ công, xưởng Gyokusendo đã trải qua nhiều thời kỳ khó khăn vì chiến tranh và khủng hoảng tài chính. “Nhiều lần chúng tôi suýt sụp đổ”, Hiroki nói, “chúng tôi đã phải thay đổi phong cách làm việc. Chúng tôi luôn phải biết cách thích nghi trong mọi hoàn cảnh”.

Được giới trẻ quan tâm

Những người thợ thủ công làm tối bề mặt của đồng bằng dung dịch lưu huỳnh. Ảnh: Thomas Nicolon

Những người thợ thủ công làm tối bề mặt của đồng bằng dung dịch lưu huỳnh. Ảnh: Thomas Nicolon

Xưởng Gyokusendo tập trung rất nhiều công nhân. Hàng tá bàn làm việc được sắp xếp trên tấm chiếu tatami. Mỗi thợ thủ công đều có chiếc bàn của riêng mình với các công cụ phù hợp với kích thước và hình dạng của bàn tay người thợ. Hầu hết họ đều ở độ tuổi ngoài ba mươi.

Đây là điều đáng ngạc nhiên đối với một nghề thủ công truyền thống. “Chúng tôi may mắn vì có nhiều người muốn làm việc ở đây”, ông Hiroki cho biết, “Không có họ, chúng tôi không thể tiếp tục tồn tại. Đây là bước tiến triển tích cực vì ngày càng có nhiều nghệ nhân quan tâm đến những gì chúng tôi làm”.

Masumi Tsuchida là minh chứng rõ ràng nhất cho mối quan tâm của giới trẻ với nghề thủ công bằng đồng. Người phụ nữ gần ba mươi tuổi này khát khao trở thành giáo viên mỹ thuật. Khi còn học đại học, cô đã tham gia câu lạc bộ sinh viên làm việc với đồ dùng bằng kim loại.

Cô và những người bạn từng đến thăm Gyokusendo và tại đây Masumi nhận ra tương lai mình cần phải làm gì. Đến nay, cô đã theo nghề rèn đồng ở Gyokusendo được sáu năm và không giấu nổi niềm tự hào với công việc này. “Tôi thực sự được truyền cảm hứng từ những người thợ xung quanh, những người mà tôi tôn trọng. Nó thúc đẩy tôi thực hiện từng chi tiết của công việc một cách nghiêm túc và cố gắng đạt được kết quả tốt nhất có thể”, cô khiêm tốn giải thích.

Nâng niu, trân trọng

Hiroki Tamagawa, trưởng xưởng Gyokusendo, tạo ra ấm trà. Ảnh: Thomas Nicolon

Hiroki Tamagawa, trưởng xưởng Gyokusendo, tạo ra ấm trà. Ảnh: Thomas Nicolon

Nhiều năm trôi qua nhưng kỹ thuật tsuiki được Toshichi truyền bá từ thế kỷ 18 vẫn không thay đổi. Một tấm kim loại đồng đơn giản được rèn, thu nhỏ, nung nóng, đun chảy và thậm chí là khắc để tạo thành những ấm trà tuyệt đẹp, chiếc ly có quai hoặc cốc rượu sake có hoa văn trang trí.

Chính những kỹ thuật truyền thống và sự tinh tế, tỉ mỉ này đã khiến Matthew Headland mê mẩn. Ông là một người Canada yêu thích rượu sake và văn hóa Nhật Bản, hiện phụ trách lĩnh vực quan hệ quốc tế tại Gyokusendo.

“Đối với tôi, những tác phẩm này không phải là những đồ vật đơn giản”, Matthew Headland trầm giọng nói, “Khi nhìn vào chúng, tôi thấy khuôn mặt của những người thợ thủ công đã đổ mồ hôi, trí tuệ để tạo ra chúng. Những mảnh đồng này có giá trị thực, chúng được tạo ra không chỉ nhằm mục đích mang lại lợi ích kinh tế”.

Giá trị của những tác phẩm được làm bởi những người thợ thủ công ở Gyokusendo quý giá đến mức được Chính phủ Nhật Bản công nhận. Năm 2010, thợ thủ công Norio Tamagawa đã được Chính phủ Nhật Bản trao tặng danh hiệu Bảo vật Sống quốc gia. Năm nay ông đã 81 tuổi, nhưng một số tác phẩm của ông vẫn được bán đấu giá và bảo tồn.

Trong thế giới coi trọng lợi ích kinh tế và những giá trị tức thời ngày nay, Gyokusendo giống như một tảng đá không thể lay chuyển. Xưởng luôn giữ được uy tín và tôn trọng nhờ các tác phẩm bằng đồng có tuổi thọ gần như không giới hạn.

“Đối với tôi, các sản phẩm chưa bao giờ thực sự hoàn chỉnh”, ông Hiroki chia sẻ: “Sau một thời gian, khách hàng của chúng tôi quay lại xưởng để nâng cao vòi ấm lên hoặc thay đổi hình dạng của tay cầm… Họ muốn có tiếng nói của mình trong quá trình sáng tạo”.

Khi được hỏi rằng thích điều gì nhất trong công việc sáng tạo nghệ thuật của mình, câu trả lời của ông Hiroki đã tóm tắt triết lý của Gyokusendo và nghệ thuật phục vụ của người Nhật: “Tôi muốn làm điều gì đó mà tôi chưa bao giờ làm”, ông trầm ngâm nói, “Tạo ra một sản phẩm theo yêu cầu mà khách hàng mô tả và khiến họ hài lòng với tác phẩm của tôi. Đó là điều tuyệt vời nhất mà tôi mong chờ”.

Theo Nationalgeographic.fr

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Hoàng Anh Tuấn chia tay VFF sau nhiều năm gắn bó.

HLV Hoàng Anh Tuấn chính thức chia tay VFF

GD&TĐ - Thời gian qua, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã đàm phán gia hạn hợp đồng với HLV Hoàng Anh Tuấn nhưng hai bên đã không tìm được tiếng nói chung.