Sát cánh bên lãnh chúa vĩ đại nhất Nhật Bản - Oda Nobunaga (1534 - 1582) trong trận chiến cuối cùng của ông là một võ sĩ với nước da và vóc dáng không giống người Nhật chút nào, Yasuke (? – 1582).
Không ai rõ, kết cục cuối cùng của người đàn ông này ra sao, nhưng đều công nhận là nhân vật lịch sử đã vượt qua rào cản địa lý, văn hóa, ngôn ngữ và mở đường cho samurai ngoại quốc.
Từ vệ sĩ đến chiến binh
Sau Yasuke, Nhật Bản bắt đầu có các samurai ngoại quốc. Những năm gần đây, Yasuke còn được giới manga và anime xem như nguyên mẫu để xây dựng các nhân vật anh hùng, phá vỡ định kiến và áp đặt “da đen chỉ là nhân vật phụ hoặc phản diện”, đem tới cho độc giả, khán giả thế giới cái nhìn khác về người châu Phi.
Yasuke xuất thân nô lệ, có khả năng là trẻ em Mozambique, Ethiopia hoặc Nigeria bị bắt cóc và buôn bán sang châu Âu trong thời đại mậu dịch nô lệ kéo dài từ thế kỷ XVI - XIX. Tại châu Âu, Yasuke gặp được nhà truyền giáo người Italia tên Alessandro Valignano (1539 - 1606) có nhiệm vụ truyền giáo tới khu vực Viễn Đông, tập trung vào Nhật Bản và Trung Quốc.
Truyền giáo là nhiệm vụ không dễ dàng. Tại các vùng đất mới với tập tục, tín ngưỡng khác biệt, các nhà truyền giáo dễ phải đối mặt với nguy cơ bị bạo lực nhưng lại không thể đối kháng bằng vũ lực, vì giáo luật không cho phép.
Yasuke có sức vóc hơn người, cao tới 1,82m và vô cùng khỏe mạnh, được linh mục Valignano chọn làm người đồng hành kiêm vệ sĩ. Năm 1579, 2 người họ cùng nhau đi bộ từ Ấn Độ đến Nhật Bản.
Thời gian này, Nhật Bản đang trong thời kỳ chia năm xẻ bảy, hỗn chiến trong nước xảy ra liên miên. Linh mục Valignano không dám để Yasuke rời khỏi mình nửa bước và chính điều này đã tạo cơ hội cho Yasuke được diện kiến lãnh chúa Nobunaga vào năm 1581.
Vừa nhìn thấy Yasuke, Nobunaga đã bị kinh ngạc bởi nước da đen như màn đêm. Ông còn tưởng Yasuke cố tình nhuộm đen da nên bắt cởi đồ, kỳ cọ bằng nước để kiểm chứng. Theo Biên niên sử của lãnh chúa Nobunaga (Chronicle of Lord Nobunaga), cuốn sách được viết vào thế kỷ XVII, lúc này Yasuke tầm 26 đến 27 tuổi, thân thể cường tráng, quy cách hành xử lễ độ và đặc biệt “một mình cũng có thể địch lại 10 người”.
Lập tức, Nobunaga tuyển Yasuke vào đội quân samurai hùng hậu của mình. Thế kỷ XVI, Nhật Bản không thiếu người da đen hay dân nhập cư từ các châu lục khác, nhưng Yasuke chính xác là người châu Phi đầu tiên được gia nhập vào hàng ngũ samurai.
Cận vệ trung thành
Dù thời gian ở bên lãnh chúa Nobunaga chỉ được 1 năm, Yasuke nổi tiếng là cận vệ trung thành. Ảnh: Forocoches.com |
Mới về dưới trướng lãnh chúa Nobunaga, Yasuke đã được ban cho cả một đội ngũ người hầu hạ khoảng 30 - 50 người, tất cả đều là nam thanh niên trẻ khỏe.
Theo nhà văn Thomas Lockley, đồng tác giả của cuốn sách Samurai châu Phi: Câu chuyện có thật về Yasuke, chiến binh da đen huyền thoại ở Nhật Bản thời phong kiến (African Samurai: True Story of Yasuke, a Legendary Black Warrior in Feudal Japan), một số nam hầu cận trong nhóm này còn từng là… nam sủng của Nobunaga. Lockley cũng nghi ngờ, giữa Nobunaga và Yasuke có tư tình, nhưng không có bằng chứng để chứng minh điều này.
Thay vì tình ái, sự trung thành của Yasuke với lãnh chúa Nobunaga là không điểm ngờ vực. Chỉ cần là lệnh của Nobunaga, Yasuke sẵn sàng xuống tay với bất cứ ai. Phương châm của chiến binh này là “lấy vũ lực đổi hòa bình”. “Cho dù có phải chém đầu cả vạn người, anh ta cũng không màng”, Lockley viết.
Cũng trong năm 1581, lãnh chúa Nobunaga đang trên đà chiến thắng. Ông đã thâu tóm được gần như toàn bộ Nhật Bản, lừng danh tứ phương là “nhà thống nhất vĩ đại nhất”.
Không ngờ, vào ngày 21/6/1582, Nobunaga đột ngột bị chính thân tín của mình là tướng Akechi Mitsuhide (1528 - 1582) phản bội. Với 13 nghìn quân, Mitsuhide vây chặt Nobunaga đang chỉ có 30 hộ vệ trong chùa Honnō tại kinh đô Kyoto. Cho đến tận bây giờ, các nhà sử học vẫn không rõ Mitsuhide “đâm sau lưng” Nobunaga vì lý do gì.
Bất chấp kẻ phản bội “người đông thế mạnh”, lãnh chúa Nobunaga không có suy nghĩ đầu hàng. Cùng với Yasuke và các hộ vệ còn lại, ông chiến đấu dũng mãnh. Lực lượng quân sĩ áp đảo của Mitsuhide dễ dàng lấy mạng các hộ vệ của Nobunaga, dồn ép 3 người còn lại là chính lãnh chúa, Yasuke và nam sủng của lãnh chúa là Mori Ranmaru (1565 - 1528) vào sâu trong chùa Honnō.
Bước đường cùng, lãnh chúa Nobunaga chỉ còn duy nhất một lựa chọn là mổ bụng tự sát để giữ vững uy phong. Ông quỳ xuống, tự đâm kiếm vào bụng và quát Yasuke vung kiếm, hoàn thành nghi lễ seppuku linh thiêng. Yasuke đã không thể xuống tay, nên Ranmaru chính là người chém đầu Nobunaga.
Sau đó, Ranmaru cũng tự rạch bụng và xin Yasuke hãy chém đầu hộ mình. Cuối cùng, Yasuke cũng đáp ứng lời nhờ vả của Ranmaru. Vì không muốn đầu của Nobunaga và Ranmaru rơi vào tay kẻ phản bội, ông mang theo cả 2 đột phá vòng vây.
Tư liệu lịch sử Nhật Bản không có ghi chép nào về kết cục cuối cùng của samurai da đen đầu tiên. Theo suy đoán của nhà văn Lockley, Yasuke có lẽ đã không thoát được vòng vây trùng trùng điệp điệp của Mitsuhide và bị bắt. Có thể, ông còn được Mitsuhide tha chết.
Chỉ 11 ngày sau vụ vây hãm chùa Honnō, Mitsuhide bị tướng Toyotomi Hideyoshi (1537 - 1598), thuộc hạ trung thành của lãnh chúa Nobunaga đánh bại. Năm 1590, Hideyoshi thống nhất Nhật Bản.
Mặc dù thiếu thốn về tư liệu, tên tuổi và cuộc đời của Yasuke vẫn trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các giai thoại dân gian và văn học thành văn. Ông đại diện cho cuộc gặp gỡ xuyên quốc gia, lục địa và vẽ lên con đường cho những ai không phải người Nhật Bản muốn trở thành samurai.