Ngôi đền 'ly hôn' ở Nhật Bản

GD&TĐ - Nhật Bản nổi tiếng với những đền thờ cổ thuộc nhiều tôn giáo và văn hóa khác nhau.

Đền Tokei-ji hiện nay.
Đền Tokei-ji hiện nay.

Nhưng kỳ lạ nhất phải kể đến Matsugaoka Tokei-ji, ngôi đền có chức năng che chở phụ nữ bị bạo hành và giải quyết việc ly hôn của họ.

Từ ngôi đền vinh danh tướng quân

Trong hơn 600 năm, đền Matsugaoka Tōkei-ji, ở thành phố Kamakura, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, từng là nơi lánh nạn của những phụ nữ bị chồng hành hạ. Thời trước, rất dễ dàng để một người đàn ông Nhật Bản ly dị.

Về cơ bản, anh ta chỉ cần nói muốn ly hôn với vợ và thế là xong. Nhưng đối với một người phụ nữ, ly dị chồng là một điều gần như không thể, dù bị chồng ngược đãi đến mức nào.

Để trốn tránh người đàn ông bạo hành mình, những người vợ thường tìm đến ngôi đền Phật giáo tôn nghiêm này để ẩn náu. Sau khi phục vụ tại chùa và tu viện trong một số năm nhất định, họ sẽ được đền Tōkei-ji dàn xếp để người chồng của họ chấp thuận ly hôn.

Chính trong thời gian này, các biệt danh phổ biến dành cho ngôi đền đã được nói đến, đó là Enkiri-dera (Ngôi đền cắt đứt quan hệ) và Kakekomi-dera (Ngôi đền cho người vào tị nạn). Đôi khi nó còn được gọi là “đền ly hôn”.

Đền được thành lập vào năm 1285 bởi phu nhân Horiuchi, vợ của Hōjō Tokimune, nhiếp chính thứ tám của Mạc phủ Kamakura, sau cái chết của chồng bà.

Phu nhân Horiuchi sinh năm 1252 trong gia tộc Adachi hùng mạnh và là đồng minh của Hōjō. Sau khi cha bà qua đời, Horiuchi lúc đó chỉ mới 1 tuổi, được giao cho anh trai Adachi Yasumori, người kế vị Yoshikage với tư cách người đứng đầu gia tộc, nuôi dưỡng và giám hộ.

Di tích cổ hơn 700 năm trong khu đền.

Di tích cổ hơn 700 năm trong khu đền.

Chồng tương lai của Horiuchi, Tokimune, sinh sớm hơn một năm và lớn lên tại dinh thự Adachi ở Kamakura. Cả hai đứa trẻ có thể đã quen nhau từ khi còn rất nhỏ. Horiuchi kết hôn với Tokimune khi mới 9 tuổi.

Sau đó, đôi vợ chồng trẻ chuyển từ nhà Adachi đến nhà riêng của Tokimune. Gần 7 năm sau, Tokimune trở thành nhiếp chính của Shōgun, và trên thực tế là người đàn ông quyền lực nhất đất nước.

Cả phu nhân Horiuchi và nhiếp chính Hōjō Tokimune đều là những tín đồ nhiệt thành của Thiền tông, tích cực tham gia các bài tập thiền định. Khi Tokimune bất ngờ lâm bệnh vào năm 1284, cả ông và phu nhân Horiuchi đều cắt tóc và mặc áo cà sa.

Tokimune lấy pháp danh là Hokoji-dono Doko, còn phu nhân Horiuchi là Kakusan Shidō. Không lâu sau, Tokimune qua đời và Horiuchi nguyện sẽ xây dựng một ngôi đền để vinh danh chồng.

…đến nơi chở che phụ nữ

Phu nhân Horiuchi ban đầu không có ý định biến Tōkei-ji trở thành nơi ẩn náu cho những người phụ nữ chạy trốn khỏi chồng của họ. Mục đích này phần lớn bắt nguồn từ các hoạt động của đền trong hai thế kỷ cuối cùng của thời Tokugawa, dù đúng là Tōkei-ji được cung cấp một cơ chế giúp cho phụ nữ ly hôn từ thời của phu nhân Horiuchi.

Vai trò của ngôi đền được mô tả một cách khéo léo hơn trong bốn trăm năm đầu tiên, khi nó được biết đến với cái tên Kakekomi-dera, hay “ngôi đền cho người vào tị nạn”. Một số nữ tu viện trưởng nổi tiếng từng là những người ban đầu đến đây để tìm nơi ẩn náu, tị nạn.

Theo một ghi chép lịch sử không rõ niên đại và quyền tác giả, phu nhân Horiuchi đã yêu cầu con trai mình là Sadatoki ban hành luật đền thờ ở Tōkei-ji để giúp đỡ những phụ nữ muốn ly hôn với chồng của họ.

Sadatoki chuyển yêu cầu đến hoàng đế và được chấp thuận. Ban đầu, thời gian làm công quả của những phụ nữ lánh nạn tại đền được ấn định là ba năm, sau đó đã giảm xuống còn hai năm.

Trong thời gian này, ngôi đền sẽ dàn xếp với người chồng để anh ta chấp nhận ly hôn với vợ. Có tới 2 nghìn vụ ly hôn đã được Tōkei-ji giải quyết trong thời Tokugawa, nhưng sau khi luật mới của quốc gia được ban hành, ngôi đền đã mất quyền này vào năm 1873.

Kể từ đó, tất cả các trường hợp ly hôn đều do Tòa án Tư pháp giải quyết. Sau cuộc Duy tân Minh Trị, ngôi đền không chỉ mất đi nguồn hỗ trợ tài chính, mà chính sách chống Phật giáo của chính phủ đã góp phần vào sự suy sụp của ni viện này.

Ngày nay ngôi đền là nơi thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan.

Ngày nay ngôi đền là nơi thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan.

Mặc dù vậy, ngôi đền vẫn là một tu viện dành riêng cho phụ nữ, đàn ông không được phép vào. Cho đến năm 1902, khi một người đàn ông đảm nhận vị trí trụ trì, Tōkei-ji trở thành một chi nhánh của ngôi đền Engaku-ji nổi tiếng.

Toàn bộ ngôi đền, ngoại trừ tháp chuông, đã bị phá hủy trong đại thảm họa động đất Kantō năm 1923, và dần dần được xây dựng lại trong thập kỷ sau đó.

Hiện nay, là một địa điểm thu hút khách du lịch, Tokei-ji được biết đến như một ngôi đền của hoa, với nhiều loài hoa nở quanh năm, đặc biệt là vào tháng 6 hoa diên vĩ và hoa đồng tiền nở rộ.

Tại bảo tàng Matsugaoka trong đền, người ta còn lưu giữ nhiều đồ vật khác nhau về Tokei-ji, không chỉ một số tượng Phật mà còn các tài liệu cũ về ly hôn hàng trăm năm trước.

Theo Amusingplanet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.