Con bé cứ ngỡ rằng khi mình khôn lớn hơn, mình sẽ thoát khỏi cái bóng của “con nhà người ta thần thánh”. Nhưng mọi chuyện chẳng có gì thay đổi, bởi tôi không hề biết rằng, việc liên tục đem con ra so sánh với con nhà người khác thì chính là tôi đã làm tổn thương con.
Tôi luôn nung nấu tham vọng con mình phải thật xuất sắc và không ngừng tiến bộ, trong khi bản thân nó luôn là học sinh gương mẫu, ngày nào hết giờ học cũng thẳng tiến về nhà. Tưởng rằng được tôi khen, ai dè con bé còn bị tôi nói mỉa: "Con mình hết giờ học là thấy chình ình ở nhà. Con người ta học không có thời gian mà thở…".
Câu nói của tôi có tác dụng tức thì, con bé tức lộn ruột, thế là bắt đầu từ hôm sau nó quyết tâm học thêm, hôm nào cũng về trễ. Tưởng rằng chăm học như vậy là thỏa mãn mong ước lâu nay của tôi, ai dè con bé lại bị tôi "ca" một bài khác: "Có con cũng như không, ngày nào cũng đi biền biệt suốt từ sáng đến tối. Chẳng bù cho con nhà người ta, lúc nào cũng thấy quây quần bên mẹ…".
Lắm khi, chính bản thân tôi cũng không biết mình đang muốn gì ở con, nhưng tôi không thể ngừng thôi thúc con bé phải trở thành một người hoàn hảo, nó phải giỏi mọi việc để sau này có một tương lai thật vững vàng, không phụ thuộc vào bất cứ ai.
Tôi có thói quen cư xử khắc nghiệt với con từ khi con chưa đi học. Ngày bé con không biết gì, tôi nói con thì con chỉ biết im lặng ngồi nghe, rồi lại rối rít xin lỗi mẹ. Nhưng giờ con đã lớn, mọi chuyện có vẻ khó khăn gấp trăm lần với cả tôi và nó. Mỗi lần đem con so sánh với “con nhà người ta”, con bé đã cãi lại tôi. Nó bộc lộ rõ thái độ chán ghét khi phải nghe những điều như vậy.
Nó không hề hào hứng chút nào khi nghe tôi nói, thậm chí nó cứ để tôi nói đến phát chán thì thôi. Và mỗi lần như vậy, con bé không muốn ở gần tôi nữa. Rất lâu rồi nó không muốn tâm sự với tôi, khoảng thời gian yên bình của hai mẹ con ngày càng ít.
Tôi cảm nhận được sự cô đơn trong chính ngôi nhà tưởng như rất đỗi hạnh phúc của mình. Tôi muốn thay đổi, nhưng tôi sợ cảm giác mình là người thua cuộc trong ánh mắt của con. Tôi sợ nó nhìn ra điểm yếu của mình.
Một buổi tối, tôi cố gắng hết sức để gần gũi với con, tôi chủ động mang một cuốn sách vào phòng nó, gợi ý: “Hôm nay mẹ đọc cho con nghe một câu chuyện được không? Giống như hồi xưa mẹ con mình vẫn hay làm trước khi đi ngủ”.
Con bé không phản đối, nhưng nó hỏi ngược lại tôi: “Mẹ ơi, ngoài công việc hiện tại, mẹ có thể làm được những việc gì nữa ạ?” Tôi tự tin trả lời: “Mẹ biết làm rất nhiều thứ. Con muốn hỏi về mặt nào? Con bé kể: “Mẹ của bạn Hồng Anh lớp con cái gì cũng biết làm. Hôm sinh nhật bạn ấy, mẹ bạn tự trang trí một bữa tiệc phong cách công chúa vô cùng rực rỡ. Bọn con ai cũng ngưỡng mộ mẹ của bạn ấy…”.
Câu chuyện của con bé đã đẩy tôi vào tình huống khó xử. Tôi không thích những công việc đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay, tôi cũng chưa bao giờ thử làm những việc như vậy, đúng là lâu nay tôi chỉ giỏi công việc chuyên môn của mình. Tôi không thích tổ chức tiệc sinh nhật, mà coi đó là một sự ồn ào, phiền phức. Mỗi lần sinh nhật con, tôi chỉ muốn dắt nó ra nhà hàng cho nhanh.
Nhưng tôi phải thừa nhận, câu hỏi của con giúp tôi nhìn lại chính mình, tôi cũng còn quá nhiều khuyết điểm, tôi cũng ngang bướng, đôi khi quá cực đoan. Có lẽ, tôi mới là người cần phải thay đổi. Tối hôm đó, tôi đã dũng cảm thừa nhận với con đôi tay tôi không đủ khéo léo để làm những việc đó, tôi cũng không có nhiều thời gian, nhưng tôi đã hứa với con bé rằng sinh nhật sắp tới, tôi sẽ dành cho con một điều bất ngờ.
Hôm sau, khi con bé đang ở trường còn tôi thì đã ung dung ở văn phòng làm việc, màn hình điện thoại sáng lên, tôi mở hộp tin, xúc động trào dâng khi đọc được những dòng con nhắn: “Einstein nói không có gì là tuyệt đối. Nhưng ông ấy sai rồi, tình yêu con dành cho mẹ là tuyệt đối!”.