Những biểu hiện điệu đà quá mức
* Chú ý đến hình thức: bé thường chú ý đến hình thức bên ngoài như soi gương, ngắm vuốt, chải chốt, nhiều bé còn lấy đồ trang điểm của mẹ và chị để tự trang điểm hoặc đòi người khác phải trang điểm cho mình.
* Đua đòi: khi xem phim thấy các nhân vật nhí ăn mặc đẹp, để kiểu tóc đẹp hoặc thấy bạn bè có gì hay, đẹp, mới lạ là bé đòi bố mẹ mua cho bằng được bất chấp việc những thứ đó có hợp với mình hay không.
* Nũng nịu: tác phong, giọng nói, điệu bộ của bé thường kiểu cách, nũng niệu, điệu bộ, hay nhõng nhẻo với người lớn. Bé thích được người khác khen là mình đẹp.
* Chọn bạn chơi: để tỏ ra mình là người “sành điệu”, bé hay chọn những bạn cũng điệu đà kiểu cách giống mình hoặc hơn mình để kết bạn. Bé thường chê bai những bạn khác là mặc quần áo xấu, có cái kẹp tóc xấu...
* Ăn mặc cầu kỳ: Bé hay ăn mặc cầu kỳ về màu sắc, kiểu cách, kèm theo những phụ kiện khác như giầy dép, kiểu tóc, trang sức,...
* Thần tượng: bé hay tỏ ra thích một ca sĩ hay diễn viên nào đó hát hay, đẹp trai hoặc đẹp gái, bé thường bắt cha mẹ mình mua đĩa nhạc của ca sĩ đó hoặc bé theo dõi phim do các thần tượng của mình diễn, bé hay có những lời nói, cử chỉ giống thần tượng của mình.
Giúp con điệu đúng mực
Để giúp con cân bằng và lấy lại sự ngây thơ trong sáng vốn có, cha mẹ nên quan tâm đến sở thích của bé để có ứng xử và định hướng thích hợp, giúp bé phát triển thẩm mỹ phù hợp với hoàn cảnh kinh tế gia đình và môi trường sống, đồng thời có đồi sống nội tâm phong phú.
Trước tiên, cha mẹ nên giải thích cho bé hiểu về cái đẹp, đó là sự phù hợp với môi trường sống, học tập, sinh hoạt và hài hòa với mọi người. Khi bé đòi hỏi mua sắm cái này cái kia, cha mẹ nên giải thích nhẹ nhàng cho bé hiểu thế nào là vừa phải, là phù hợp. Khi bé nói năng điệu đà quá, người lớn nên nhẹ nhàng nhắc nhở, giúp bé nói rõ ràng mạch lạc. Khi bé hờn dỗi hoặc cáu gắt, cha mẹ phải hiểu lý do và bình tĩnh khuyên bảo.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên cho bé mặc trang phục phù hợp với hoàn cảnh. Người lớn cần hướng cho bé tham gia việc nhà, quan tâm chăm sóc em nhỏ, giúp đỡ bạn bè, vui chơi hợp lý,… Khi bé tham gia tích cực những công việc đó, những đức tính tốt sẽ hình thành và những kiểu cách điệu đà cũng sẽ giảm dần.
Các chuyên gia đã chỉ ra, vấn đề ở đây là, việc tô son, đánh phấn không phải là việc xấu. Tuy nhiên, mỹ phẩm có thể có những tác hại đến sức khỏe da mặt của bé. Do đó, các mẹ nên tư vấn cho con, nên cho con quan sát những hình ảnh của những người bị phản ứng phụ với son phấn.
Khi thấy các con tô son, đánh phấn, chúng ta không nên mắng mỏ hay chê trách. Nếu con làm vậy, trước hết mình cứ khen trẻ một câu là "đẹp đấy, nhưng sẽ đẹp hơn nếu con để mặt tự nhiên". Vì da trẻ mỏng và nhạy cảm, sử dụng không đúng cách hay lạm dụng mỹ phẩm sẽ gây dị ứng, nổi mụn... nên cần giải thích được những hậu quả có thể xảy ra khi tô son, đánh phấn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyên rằng, nếu chúng ta biến đứa trẻ thành bản sao của người lớn thì nó sẽ mất đi cá tính riêng của nó. Khi làm đẹp theo con mắt người lớn, đứa trẻ mất hẳn đi nét vô tư trong sáng. Hơn nữa, trẻ có rất nhiều thời gian để làm đẹp, đâu nhất thiết phải bắt đầu ngay từ khi còn quá nhỏ.