Khi tiếng Việt là... ngoại ngữ

Khi tiếng Việt là... ngoại ngữ

  Kỳ 1:   Nhập môn ngoại ngữ hiếm

LTS: Thông thạo ngoại ngữ đang dần trở thành một kỹ năng không thể thiếu trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập hiện nay. Với sự đầu tư kinh doanh vào Việt Nam, với xu hướng giao lưu văn hóa…, việc làm chủ tiếng Việt với nhiều người nước ngoài được xem là một lợi thế. Từ cách học chính thống trong nhà trường, hay học kiểu “chém gió trà chanh” nơi đường phố… bức tranh học tiếng Việt theo đó cũng hiện lên muôn màu muôn vẻ.

Với những bạn bè quốc tế, tiếng Việt là ngoại ngữ hiếm. Bởi so với những môn ngoại ngữ khác, tiếng Việt hiếm người học, hiếm người dạy, hiếm cả việc ứng dụng ngôn ngữ. Tuy nhiên, với thế mạnh về văn hóa, lịch sử lâu đời, với những nụ cười thân thiện của con người Việt, với vẻ đẹp dịu dàng thướt tha của tà áo dài… tiếng Việt vẫn có sức hút mạnh mẽ. 

“Bắc cầu” đến tiếng Việt

ĐHQG Hà Nội có rất nhiều sinh viên nước ngoài học tiếng Việt, có người ở trình độ nhập môn, có người học thạc sỹ, nghiên cứu sinh. Và con đường đến với tiếng Việt của họ cũng muôn vẻ.

Tôi có anh bạn người Mỹ, anh kể một ngày đẹp trời, nghiên cứu lịch sử Mỹ, anh biết đến hai từ Việt Nam. Tra trên bản đồ, thấy xa xôi cách nửa vòng trái đất một đất nước với hình hài cong cong be bé, vậy mà trong lịch sử và báo chí lại viết đến những câu chuyện dường như “không tưởng”. Tò mò, anh quyết tìm hiểu về Việt Nam. Cứ tìm hiểu, tra cứu tài liệu, thấy càng nghiên cứu càng say mê về văn hóa, đất nước, con người phương Đông bí ẩn này. Và anh sang Việt Nam, và anh mê tiếng Việt…

Học tiếng Việt như anh bạn Mỹ được gọi là học “bắc cầu”, từ văn hóa, lịch sử mà tìm hiểu ngôn ngữ. Và có rất nhiều lưu học sinh học tiếng Việt ở Việt Nam có lý do học ngôn ngữ “bắc cầu” như vậy: Thích du lịch đây đó ở Việt Nam – học tiếng Việt ngắn hạn; Là đầu bếp ở Pháp, nghiên cứu món ăn Việt – học tiếng Việt; Có người yêu Việt Nam – học tiếng Việt để còn ra mắt họ hàng nói vài câu cho bố mẹ vợ đồng ý… Lý do đến với tiếng Việt muôn vẻ - nhưng có thể nói đều xuất phát từ niềm đam mê một ngoại ngữ hiếm. Và cả sự đi tắt đón đầu theo xu hướng hợp tác, phát triển toàn cầu, bây giờ học, sau này sẽ hữu dụng.

x
Một lớp học tiếng Việt cho người nước ngoài tại Trường ĐHKHXH & NV (ĐHQGHN).   Ảnh: Lan Anh

Học tiếng mẹ đẻ

Chuyện này với nhiều người giờ không có gì là mới, khi không ít gia đình thuần Việt Nam lại thuê gia sư về dạy riêng cho con, mà môn học lại là… tiếng Việt. Một thời gian báo chí ầm ĩ chuyện ca sĩ Hồ Ngọc Hà thuê cô giáo dạy tiếng Việt cho cậu con trai Su beo. Lý do là cậu bé được cho học trường nước ngoài từ bé, bạn bè, cô giáo đều chỉ nói tiếng Anh, thế nên về nhà nói chuyện với ông bà bố mẹ lại bập bẹ tiếng Việt. Dường như gia đình nào cho con học trường quốc tế thời gian đầu cũng đều gặp như vậy. Người kiên nhẫn thì tự mình dạy dỗ uốn nắn con. Người lo xa thì thuê hẳn chuyên gia về dạy dỗ cho bài bản. 

Có người nghe chuyẹn chép miệng, bảo: “Thừa tiền cho con học trường nước ngoài mới thế! Chứ cứ học trường Việt thì làm sao mà ngọng được”. Nhưng dường như thực tế không phải vậy. Có ông bác sĩ tâm lý kể chuyẹn, anh nhận một bệnh nhân đặc biệt, đó là mới có 3 tuổi thôi, chẳng học ở trường lớp nào mà nói tiếng Anh nhoay nhoáy. Ban đầu, anh cũng không hiểu cu cậu nói gì. Nhưng nghe thật kỹ, anh nhận ra, mỗi lần hỏi, thay vì nói không, có thì cháu nói "no" hay "yes", rồi thi thoảng bé vừa ngồi nghịch vừa nói rất nhanh những câu như "Fish is swimming”; "This is a cat"… khi thấy vẽ con cá, con mèo.

Hỏi ra, bố mẹ cháu chia sẻ vì bận công việc nên ít có thời gian nói chuyện với con. Ở nhà, anh cháu đang học tiểu học, hay mở kênh hoạt hình tiếng Anh, nghe bài hát rồi viết các từ tiếng Anh bằng giấy nhớ dán khắp nhà để học. "Chúng tôi cũng không ngờ con lại học nhanh thế. Không biết nên mừng hay nên lo. Giờ cả nhà khó khăn khi nói chuyện với cháu. Bố mẹ phải học tiếng Anh để dạy lại con tiếng Việt", phụ huynh chia sẻ.

Tiếng Việt có giá!

Thường khi nghe nói đến việc đầu tư học tiếng Việt, người ta sẽ nghĩ đến “đầu ra” nghề nghiệp khó khăn. Nhưng khi đặt chân đến đất Lào, mới thấy rằng tiếng Việt của mình có giá!

Một người bạn làm kinh doanh ở Vientiane khi biết tôi có chuyến công tác đến thủ đô đã đón sẵn ở bến xe, để trên đường đi ghé tai nói nhỏ: “Này, có biết bạn Lào nào thạo tiếng Việt không? Giới thiệu cho công ty của tôi với!”. Người giỏi tiếng Việt ở Lào nhiều lắm cơ mà?” – Tôi hỏi. “Nhiều nhưng các công ty lớn ở đây tuyển hết rồi…”. Và ông bạn kể lể mãi về việc khó tuyển nhân sự biết tiếng Việt của mình, để đến bây giờ vẫn cứ vừa làm giám đốc, vừa làm phiên dịch cho… nhân viên! Ngẫm thấy vui vui tự hào, không ngờ cái tiếng Việt “phong ba bão táp” của mình sang nước bạn lại có giá đến như vậy!

Đến khi điện thoại năm lần bảy lượt để hẹn gặp cô bạn gái dễ thương người Lào, mục sở thị lịch làm việc của bạn mới thấy kết luận “tiếng Việt có giá” là chính xác. Cô bạn là GV khoa Tiếng Việt (ĐH Quốc gia Lào), ngoài giờ lên lớp, cô còn lái chiếc xế hộp láng coóng đi nơi này nơi khác dạy thêm tiếng Việt, như ở Việt Nam gọi là “chạy show”, nghĩa là dành thời gian in ít thôi cho việc ăn uống nghỉ ngơi, còn lại là  cứ theo lịch mà chạy nơi này nơi khác, tới trung tâm, qua nhà riêng học sinh, rồi đoàn nọ, hội kia để đến tối mịt mới bò về nhà. Và thu nhập chính của cô là từ nguồn dạy thêm chứ không  phải những giờ làm việc chính thống trong trường ĐH. Cô kể rằng GV dạy tiếng Việt người Lào hay người Việt Nam ở đây đều có lịch làm việc đó. Thế nên có người nói ngắn gọn: “Người Lào biết tiếng Việt là sống khỏe”.

Bên cạnh nhu cầu học tiếng Việt để giao thương, hợp tác làm ăn kinh tế - lĩnh vực đang rất sôi động tại Lào, nhu cầu lớn nhất để học tiếng Việt lại đến từ chính cộng đồng Việt kiều tại đất nước Triệu Voi. Nhiều bậc cha mẹ mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc nên tha thiết cho con mình học tiếng Việt. Tại thủ đô Vientiane, không khó để tìm một trường học có dạy môn tiếng Việt. Và đây đều là những ngôi trường chuẩn về chất lượng, là niềm mơ ước của bất kỳ gia đình nào sinh sống trên đất Lào. 

9.000 lượt sinh viên học tiếng Việt tại ĐHKHXH&NV

Theo ThS Đào Văn Hùng, Phó Trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt (Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN) – cơ sở đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài lâu đời và uy tín nhất tại Việt Nam: Trong gần 45 năm qua, khoa đã đào tạo được gần 9.000 lượt sinh viên, trong đó 12 người là đại sứ tại Việt Nam. Hiện tại, khoa đào tạo hệ cử nhân, hệ sinh viên hiệp định và hệ ngắn hạn.

Sinh viên nước ngoài theo hệ cử nhân phải hoàn thành 4 năm học. Mỗi khóa này trung bình có từ 10 sinh viên trở xuống và đối tượng chủ yếu là người Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước có quan hệ với Việt Nam như Cuba, Triều Tiên, Pakistan... 

Hệ sinh viên hiệp định, trung bình mỗi năm có khoảng gần 100 sinh viên, học theo tiến trình 1 năm, chủ yếu là người Trung Quốc, Triều Tiên, Séc, Ba Lan, Nga..., hiện mới thêm sinh viên một số nước Châu Phi như Mozambic, Anggola, có cả sinh viên Mông Cổ. 

Số sinh viên ngắn hạn thì nhiều ít tùy từng giai đoạn, theo sự đăng ký của sinh viên, nhưng trung bình khoa tiếp nhận khoảng từ 80 đến 100 sinh viên trong năm.

Ngoài Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM cũng có khoa đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài. Ngoài ra, thực hiện chức năng này còn có trung tâm tại một số trường ĐH như Trường ĐH Hà Nội, ĐHSP Hà Nội...                                                   

Hải Bình

Gia Hân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ