(GD&TĐ) - Sẽ là nhàm nếu lại nói về những cái nhiêu khê trong thủ tục hành chính ở nước ta, đến mức người dân phải kêu lên: Hành là chính! Đã không ít những chủ trương, chính sách tốt, phục vụ đời sống an sinh xã hội đã bị ách tắc bởi vấn đề thủ tục. Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở là trường hợp mới nhất và cũng khá điển hình.
Thiết nghĩ cũng không cần nêu lại chi tiết gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở này (thường được biết đến dưới tên gọi gói tín dụng 30.000 tỷ). Chỉ biết ngay từ khi chủ trương này mới được đề cập chứ chưa chính thức thông qua, đã nhận được sự quan tâm lớn của người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp; khi mà nhu cầu nhà ở đối với người thu nhập thấp là khá lớn.
Các doanh nghiệp cũng mong muốn được hỗ trợ để chuyển đổi mô hình đầu tư sang phân khúc nhà ở diện tích nhỏ, giá rẻ trong giai đoạn thị trường bất động sản vẫn đang còn nhiều bất ổn như hiện nay.
Được kỳ vọng là vậy, thế nhưng, kể từ thời điểm gói tín dụng chính thức có hiệu lực thực thi (ngày 1/6/2013) đến cuối quý III/2013 (cụ thể đến hết ngày 30/9, theo thống kê mới nhất của Vụ Tín dụng – Ngân hàng Nhà nước) các ngân hàng mới tiếp nhận được 619 hồ sơ cá nhân với số tiền 203 tỷ đồng, trong đó chỉ có 590 khách hàng được giải ngân với tổng số tiền 142,5 tỷ đồng.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, số tiền giải ngân cũng chỉ mới được 54,8 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 4 tháng triển khai, các ngân hàng giải ngân chưa tới 1% tổng số tiền 30.000 tỷ đồng. Những con số quá thấp so với nhu cầu thực trong xã hội hiện nay, cả từ phía người dân lẫn doanh nghiệp, cho dù các cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ phục vụ gói tín dụng đã được xây dựng tương đối rõ ràng, phù hợp, thuận lợi với những hướng dẫn chi tiết của cả Ngân hàng Nhà nước lẫn Bộ Xây dựng, là hai cơ quan trực tiếp được Chính phủ giao nhiệm vụ triển khai gói hỗ trợ ưu đãi này.
Nhớ lại ngay từ khi gói tín dụng này chính thức được ban hành, và sau khi triển khai được một thời gian ngắn, Báo GD&TĐ cũng đã có một số bài viết, đặt câu hỏi về tính khả thi, khi mà những quy định về điều kiện cho vay (đặc biệt là đối với người dân) được đặt ra quá ngặt nghèo.
Chỉ ngay từ bước kê khai đăng ký (với chứng nhận về nhân thân và nhu cầu nhà ở tại chính quyền địa bàn cư trú) đã là rào cản mà nhiều người khó qua. Chẳng hạn: Anh ở phường A, nhưng hộ khẩu thường trú vẫn đang tại phường B, dù cùng một quận nhưng vẫn thuộc diện KT2.
Phường A có nhiệm vụ xác minh cho anh đang tạm trú trên địa bàn, nhưng không thể xác minh anh thực sự có nhu cầu về nhà không, biết đâu anh đang có một căn khác ở phường B nơi anh có hộ khẩu chính thức. Về phường B xin xác nhận lại cũng tương tự như vậy. Cái vòng luẩn quẩn ấy, khiến nhiều người dân có nhu cầu đã bị loại ngay từ vòng gửi xe đạp, bởi lẽ không xin được xác nhận của chính quyền địa phương.
Đó chỉ là một trong những thủ tục ban đầu. Khi đã qua vòng xác nhận của chính quyền địa phương, người dân có nhu cầu vay mua nhà sẽ phải đối diện với hàng loạt các thủ tục khác còn nhiêu khê hơn rất nhiều.
Tất nhiên đã vay thì phải có tài sản thế chấp. Nhưng oái oăm là, rất nhiều người dân muốn mua nhà ở xã hội, nhưng phần lớn các dự án cũng chỉ đang bắt đầu triển khai đầu tư, ít nhất 2 – 3 năm nữa mới giao nhận nhà.
Do vậy, chỉ có thể nộp tiền ban đầu để đăng ký xuất, sau đó đóng theo từng giai đoạn, chứ không thể lập ngay hợp đồng mua bán căn hộ.
Trong khi đó, theo quy định của ngân hàng về gói cho vay ưu đãi này, người dân muốn vay thì phải đưa hợp đồng mua bán ra để làm tài sản thế chấp. Quả là một bài toán khó, hay nói đúng hơn là sự đánh đố.
Nhưng bài toán quy định về thu nhập còn khó khăn hơn rất nhiều. Ai cũng hiểu, đây là gói tín dụng hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp. Người lao động có mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng mới được coi là thu nhập thấp.
Một gia đình công chức hay lao động, muốn mua một căn hộ thuộc nhà ở xã hội, ít nhất cũng phải đi vay từ 500 – 600 triệu, tương đương với khoản nợ phải trả cho ngân hàng (tính cả lãi) khoảng 5 – 6 triệu đồng/tháng, chưa nói các chi phí thường xuyên khác cho sinh hoạt gia đình.
Không có người thu nhập trung bình nào ở Việt Nam đáp ứng được khả năng chi trả này. Còn nếu đáp ứng được, tức anh đã thuộc diện thu nhập cao. Trong khi đó, nên nhớ gói ưu đãi này chỉ dành cho những người thu nhập thấp.
Chỉ chừng đó những tréo ngoe về thủ tục, đã có thể thấy được vì sao gói tín dụng 30.000 tỷ lại tắc nghẽn như vậy. Nếu không có những điều chỉnh hợp lý và kịp thời, e rằng khả năng thất bại của chủ trương lớn này là khó tránh khỏi...
Nhất Nguyên