Khi nhà nông bỏ... ruộng

Khi nhà nông bỏ... ruộng

(GD&TĐ) - Chưa bao giờ tình trạng nông dân bỏ ruộng lại ở mức báo động như hiện nay. Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện trung bình mỗi tỉnh, người dân bỏ khoảng 100 ha ruộng trở lên.

Ảnh minh họa/Intertnet
Ảnh minh họa/Intertnet

Điều đáng nói rằng, không chỉ nông dân ở những tỉnh có diện tích đất canh tác lớn hay đất xấu bỏ ruộng mà ngay cả ở những tỉnh thuộc vựa lúa đồng bằng sông Hồng như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng... đều có hiện tượng bỏ ruộng. Đặc biệt ở Hải Dương, nông dân còn làm đơn trả ruộng theo hình thức tập thể. 

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến việc nông dân bỏ ruộng có nhiều nhưng cơ bản ở mấy lý do sau: Giá vật tư cao, giá nông sản thấp, thậm chí không bán được nông sản dẫn đến thu nhập thấp; do điều kiện sản xuất nông nghiệp khó khăn; do công nghiệp hoá, đô thị hoá ồ ạt dẫn đến  ruộng đất bị xé nát, ô nhiễm môi trường hàng loạt; do thiếu lao động; do chính sách đất đai còn nhiều bất cập...

Theo cách tính của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, tại khu vực đồng bằng sông Hồng, thu nhập từ ruộng đất của mỗi hộ trung bình có 3,72 khẩu được hơn 1 triệu đồng/tháng. Ấy là những khi mưa thuận gió hoà, chứ nếu thiên tai tàn phá thì chỉ còn hai bàn tay trắng. Trong khi đó, một lao động chính đi làm ôsin cho các gia đình ở thành phố lớn cũng thu được từ 3-3,5 triệu đồng/tháng.

Thực tế cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, giá vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá giống, giá thuê công nhân... đều tăng ít nhất khoảng 2 lần trong khi giá nông sản không tăng là bao. Ngoài ra, người nông dân bao giờ cũng phải đối mặt với những rủi ro không đáng có - được mùa rớt giá, mất mùa được giá. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo, cafe, cacao hàng đầu thế giới nhưng lợi nhuận chủ yếu rơi vào khối dịch vụ, nông dân không được là bao.

Có thể khẳng định, cứ theo cơ chế như hiện nay, nhà nông không thể nuôi được chính bản thân họ. Trong bối cảnh nông dân chiếm tới 70% dân số cả nước thì đây là một thực tế đau đớn. Người nông dân gắn bó với ruộng đồng từ bao đời nay, giờ bỏ ruộng, tràn ra thành phố kiếm việc làm khiến không chỉ an ninh lương thực bị đe doạ mà những hệ luỵ như tệ nạn gây mất an sinh xã hội dễ nảy sinh.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn xác định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng...Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước...”.

Tuy nhiên, trên thực tế những chính sách đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vẻ như vẫn còn quá xa rời thực tế. Hơn bao giờ hết, giờ là lúc Nhà nước phải có cả hệ thống cơ chế hỗ trợ, khuyến khích bằng nguồn lực ngân sách lẫn các biện pháp định hướng sản phẩm nông nghiệp cũng như thị trường tiêu thụ... phải làm tất cả để người nông dân có thể sống được trên mảnh đất của họ. Nếu để người nông dân phải bỏ ruộng hàng loạt, hậu quả sẽ khôn lường.

Khánh Ngân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ