Khi người trẻ truyền cảm hứng “sống xanh”

GD&TĐ - Với mục tiêu tạo dựng không gian kết nối những người yêu môi trường, lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng, từ đó nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, sinh viên ở Đà Nẵng đã “bắt tay” thành lập nhóm Trạm Eco.

Nhóm Trạm Eco tập hợp những bạn trẻ có chung tình yêu với môi trường.
Nhóm Trạm Eco tập hợp những bạn trẻ có chung tình yêu với môi trường.

Lan tỏa lối sống xanh

Được thành lập từ giữa năm 2020, Trạm Eco tập hợp những bạn trẻ có chung tình yêu với môi trường và mong muốn lan tỏa lối sống xanh thông qua các hoạt động giáo dục và truyền thông.

Đa phần các thành viên đều là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh THPT trên địa bàn Đà Nẵng. Ý tưởng thành lập nhóm được “ươm mầm” từ một cuộc gặp gỡ của những người bạn từng tham dự cuộc thi truyền thông về biến đổi khí hậu do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức.

Nguyễn Thị Hồng Phúc – sinh viên năm thứ 4, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, ĐH Đà Nẵng là người sáng lập nhóm Trạm Eco tâm sự: Bản thân trước đây ít để ý đến các hoạt động về môi trường. Tuy nhiên, sau khi tham gia một số cuộc thi, hoạt động, mình đã thay đổi nhận thức và hành vi để thực hành lối sống xanh.

Các thành viên Trạm Eco đi nhặt rác ở bãi biển Đà Nẵng. Ảnh: TG
Các thành viên Trạm Eco đi nhặt rác ở bãi biển Đà Nẵng. Ảnh: TG

Để thực hiện được điều này, Phúc đã liên hệ với những người bạn của mình, người có chung quan điểm và nhận thức về bảo vệ môi trường, người từng làm tình nguyện viên ở các đơn vị về môi trường. Và khi “tư tưởng lớn” gặp nhau, họ đã tạo nên nhóm với tên gọi là Trạm Eco. Tất cả chung mong muốn tạo điểm kết nối những người yêu môi trường tại Đà Nẵng để cùng thực hiện các hoạt động sống xanh.

“Hoạt động phổ biến của Trạm Eco trong thời gian qua có thể kể tới chương trình Eco Talks ra đời trong thời điểm Covid-19 bùng phát và nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Đây là chuỗi hoạt động theo hình thức talkshow trực tuyến trên phần mềm Zoom, mạng xã hội Facebook, với mục tiêu tạo dựng không gian kết nối người yêu môi trường, lan tỏa lối sống xanh và nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại và xử lý rác thải”, Phúc chia sẻ và cho biết thêm:

Nhóm mất gần 3 tháng để hoàn thành số “Eco Talks” đầu tiên khi mọi tương tác, thảo luận, liên hệ, phân công công việc của các thành viên đều phải qua Internet. Có người lên kế hoạch và chủ đề của mỗi buổi, người liên hệ diễn giả, phụ trách kỹ thuật. Số Eco Talks đầu tiên lên sóng và nhận được phản hồi tích cực trong cộng đồng.

Không dừng lại ở đó, đến nay, đã có 11 số Eco Talks với các chủ đề về môi trường như: Sống xanh thời Covid-19; Những câu chuyện về Vườn cộng đồng; Những sinh vật đô thị; Trekking và Môi trường; Ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp… được lên sóng, thu hút sự quan tâm của hàng nghìn người yêu môi trường ở Đà Nẵng và các tỉnh, thành lân cận.

Trạm Eco tổ chức chương trình “Clean up Sơn Trà” vào ngày 14/11.
Trạm Eco tổ chức chương trình “Clean up Sơn Trà” vào ngày 14/11.

Thay đổi từ những điều nhỏ nhất

Không chỉ dừng lại ở việc tổ chức talkshow, các thành viên Trạm Eco còn tổ chức các chương trình thực tế để liên kết, hành động nhằm bảo vệ môi trường. Cụ thể, Trạm Eco đã tổ chức chương trình “Clean up Sơn Trà” vào ngày 14/11.

Với sự hỗ trợ, đồng tham gia từ nhiều đơn vị, 50 bạn trẻ chia làm 5 nhóm nhỏ đi dọn dẹp rác thải từ bãi biển Thọ Quang đến chân núi Sơn Trà. Sau mỗi buổi dọn dẹp trên cung đường 24km, hơn 500kg rác thải được thu về, sau đó các tình nguyện viên phân loại ra 50kg rác tái chế được để chuyển tới các điểm thu gom, xử lý.

Sinh viên Nguyễn Thị Tiến (Trường Đại học Duy Tân), một trong những tình nguyện viên đợt này, cho hay: Chương trình Clean up Sơn Trà là dịp để chúng em trải nghiệm thiên nhiên và bảo vệ môi trường sau thời gian dài thành phố thực hiện giãn cách xã hội. “Ai cũng mệt khi dọn lượng lớn rác thải trên quãng đường khá dài, nhưng bù lại giúp em nâng cao ý thức giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp. Muốn vậy, phải thay đổi từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống”, Tiến chia sẻ.

Tiếp nối những thành công sau chương trình “Clean up Sơn Trà”, Trạm Eco còn thực hiện nhiều hoạt động hướng về môi trường như: Hành trình xanh - phối hợp cùng Greenviet và các nông trại tổ chức tham quan thực tế; Giáo dục trải nghiệm về thiên nhiên ở Sơn Trà Tịnh Viên, núi Sơn Trà; Bảo tàng Đồng Đình…

Ngoài ra, Trạm Eco còn tổ chức Workshop hướng dẫn tái chế, phân loại rác thải, phối hợp với các vườn, hội thích trồng cây để hướng dẫn bạn trẻ cách trồng cây, bón phân hữu cơ…

Là một trong những thành viên tích cực ngay từ ngày đầu thành lập nhóm, sinh viên Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết: “Trạm Eco đã giúp bản thân dần hình thành những thói quen sống xanh, sống sạch. Nhóm mong muốn, rồi đây mọi người dân sẽ sớm nhận thức được ý nghĩa của việc sống xanh, sống sạch thông qua các chương trình của Trạm Eco”.

Hiện, cả nhóm ấp ủ ý định liên kết hoạt động với các nông trại hữu cơ ở Đà Nẵng để tạo sự phong phú cho chương trình trải nghiệm, xây dựng một vườn cộng đồng ở khu dân cư hay hướng tới phân loại rác triệt để từ mỗi gia đình. “Mọi chương trình để thành công luôn cần sự chung tay từ cộng đồng. Do đó, nhóm hy vọng mỗi người dân, tình nguyện viên khi tham gia các hoạt động sẽ trở thành một đại sứ môi trường trong cuộc sống của mình”, Phúc bày tỏ.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.