Nhóm ngành bị “ghẻ lạnh”
Liên tục trong nhiều năm, một số trường đại học khó tuyển sinh đủ chỉ tiêu nhóm ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp. Theo ghi nhận, hiện thí sinh thường có xu hướng đăng ký học ngành “hot” theo xu thế của thời đại 4.0 như Công nghệ thông tin, AI, Khoa học máy tính,... mà không mấy “mặn mà” với nhóm ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp. Điều này khiến công tác tuyển sinh của một số trường đại học đào tạo các ngành này gặp không ít khó khăn dù mức điểm chuẩn hằng năm khá thấp, chỉ từ 15 - 16 điểm (trừ một số ngành như Thú y).
Tương phản với sự “tụt dốc” về số lượng người học, nhu cầu về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản những năm qua rất lớn.
Mới đây, HAGL Agrico cho biết trong năm 2024 có nhu cầu tuyển khoảng 5.000 lao động làm việc tại các nông trường, xí nghiệp thuộc dự án của doanh nghiệp này tại Lào, tập trung vào các ngành nghề như: Trồng trọt, Chăn nuôi, Kỹ thuật máy nông nghiệp. Các doanh nghiệp nông nghiệp khác như Công ty CP tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH CPV Food… cũng tuyển hàng trăm vị trí việc làm liên quan đến ngành Nông nghiệp, Chăn nuôi, Thú y...
Thống kê của Bộ NN&PTNN, trên cả nước có 12 cơ sở đào tạo nhân lực ngành nông lâm ngư nghiệp bậc đại học và sau đại học, 28 trường cao đẳng đào tạo chuyên ngành này. Trong khi đó, thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, năm 2022 cả nước có 521.263 sinh viên nhập học ở 25 lĩnh vực đào tạo nhưng chỉ có 7.100 sinh viên nhập học khối ngành nông lâm nghiệp, thủy sản và thú y, chiếm tỷ lệ 1,37%.
Việc thu hút sinh viên nhập học ngành Nông nghiệp vốn được coi là lợi thế quốc gia đang sụt giảm ngày càng nghiêm trọng. Tình hình này đặt ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao khi ngành nông nghiệp đang từng bước công nghiệp hóa, tự động hóa và số hóa.
PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNN) thừa nhận, các trường đào tạo về nông nghiệp hiện nay khá nhiều nhưng nội dung đào tạo ngành Nông nghiệp chưa thực sự đáp ứng so với nhu cầu chiến lược mới về phát triển nông nghiệp - nông thôn.
Vì vậy, để thu hút, khuyến khích người học, chuyên gia này kiến nghị cần xem xét cơ cấu đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ, đặc biệt khoa học công nghệ nông nghiệp, thành lập các quỹ khoa học về công nghệ nông nghiệp, tập trung vào đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp…
Nâng chất nhân lực nông nghiệp thời 4.0
Để đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) của nhóm ngành Nông, Lâm nghiệp - Thủy sản từ 4,6% năm 2020 lên 10% vào năm 2030.
Phía Bộ NN&PTNT cho hay sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp, sắp xếp, kiện toàn hệ thống các trường, đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và phối hợp thực hiện các chương trình dự án có liên quan.
Bộ cũng huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực NN&PTNT. Bên cạnh đó, nghiên cứu và mở rộng mô hình thí điểm đào tạo nhân lực nông nghiệp trình độ trung cấp trong các trường cao đẳng của Bộ NN&PTNT theo mô hình Nhật Bản dành cho học sinh học xong THCS...
TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM chia sẻ: “Nông nghiệp của Việt Nam đang phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao nên nhu cầu về nguồn nhân lực lớn. Thế nhưng ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp ở nhiều trường khó tuyển sinh có thể do phần lớn sinh viên chưa thật sự hiểu rõ về ngành nghề này”.
Để thu hút sinh viên học ngành Nông nghiệp, ông Lý cho rằng, các trường phải chủ động đổi mới. Cụ thể, nhà trường hợp tác với doanh nghiệp, tập đoàn nông nghiệp lớn nhằm hỗ trợ công tác đào tạo, tạo việc làm cho sinh viên, thậm chí nhiều nơi hỗ trợ tuyển dụng sinh viên thực tập có trả lương thuộc nhóm ngành Chăn nuôi - Thú y, Nông nghiệp, Thực phẩm…
“Nhà trường có một nguồn lực tuyệt vời từ cựu sinh viên và mối quan hệ hợp tác bền vững trong và ngoài nước cũng là yếu tố quan trọng giúp nhà trường đào tạo tốt các ngành trọng điểm về Nông - Lâm - Ngư nghiệp”, TS Trần Đình Lý chia sẻ và nhấn mạnh: Liên kết với cựu sinh viên để cung cấp cơ hội thực tập và hướng nghiệp cho sinh viên hiện tại là giải pháp mang lại hiệu quả tốt. Từ đây, các doanh nghiệp đã tham gia tài trợ học bổng học tập, nghiên cứu và khởi nghiệp cho sinh viên.
“Bên cạnh đó, nhà trường cập nhật và kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA (mạng lưới chuyên trách về đảm bảo chất lượng giáo dục đại học của AUN - PV), nâng cao chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra để khi sinh viên ra trường có cơ hội “chọn việc” chứ không phải xin việc”, TS Trần Đình Lý nói.
Theo đánh giá của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN&PTNT), lao động trong nhóm ngành Nông nghiệp đã giảm nhanh, từ gần 70% vào những năm 1990, xuống còn dưới 30% vào năm 2021 và đến năm 2023 vừa qua chỉ còn 26,9%. Đặc biệt, lao động trung bình mỗi năm tiếp tục giảm 1%, tương ứng với khoảng 500.000 lao động rút ra khỏi ngành Nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ còn thấp, tương đương khoảng 4,6%.