Nhóm ngành mũi nhọn
Lĩnh vực nông lâm - ngư nghiệp - thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Thời gian qua có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích sự phát triển và tạo ra nhiều cơ hội việc làm.
Xuất khẩu năm 2020, nông, lâm, thủy sản tiếp tục đạt giá trị trên 1 tỉ USD. Năm 2020, các mặt hàng đồ gỗ và lâm sản, thủy sản, cà phê, rau quả, hạt điều, gạo... tiếp tục là mặt hàng đạt giá trị trên 1 tỉ USD, thậm chí có 6 mặt hàng đạt trên 2 tỉ USD.
Có được kết quả trên, ngành này đã chuyển đổi bằng cách ứng dụng khoa học và công nghệ trong hầu hết các giai đoạn của quá trình nông nghiệp. Sản phẩm của ngành nông nghiệp, ngư nghiệp có xu hướng hướng đến sản xuất hữu cơ, có chất lượng tốt, sạch. Mô hình trang trại hoặc cơ sở nuôi trồng, chế biến đáp ứng các tiêu chuẩn dần được ưa chuộng và đón nhận…
Có nhiều vị trí công việc dành cho sinh viên tốt nghiệp ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, thủy sản: Kỹ sư nông nghiệp; Nhân viên kinh doanh; Nhân viên phát triển thị trường; Cán bộ nghiên cứu; Cán bộ quản lý. Sau khi tốt nghiệp, người học có cơ hội việc làm tại các viện nghiên cứu; Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng về nông - lâm - ngư nghiệp; làm việc tại các công ty thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; Công ty giống cây trồng vật nuôi; Công ty nuôi trồng thuỷ sản xuất khẩu; Cơ quan Nhà nước; Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp...
Song song đó, sinh viên tốt nghiệp các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp cũng có thể cân nhắc tham gia chương trình trao đổi hoặc tìm kiếm việc làm ở nước ngoài như Israel, Nhật Bản...
Theo TS Trịnh Ngọc Ái, Phó Trưởng khoa Nông nghiệp - Thủy sản, Trường ĐH Trà Vinh, ngành nông nghiệp còn có chuyên ngành Nông nghiệp thông minh. Ngành này hướng đến ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp công nghệ cao. Người học được trang bị kiến thức, thực tập ở khu nông nghiệp công nghệ cao. Sau khi tốt nghiệp, SV có đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương và phục vụ sự phát triển của nền nông nghiệp quốc gia.
PGS.TS Lê Văn Vàng, Trưởng khoa Nông nghiệp (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: Quá trình học tập, đào tạo, sinh viên vừa được học chuyên môn, rèn luyện, trang bị khả năng thích ứng với nghề nghiệp. Như ngành Bảo vệ thực vật, ngoài trang bị kiến thức còn dạy khả năng thích ứng yêu cầu thực tiễn công việc của doanh nghiệp và xã hội…
Để đáp ứng yêu cầu nhân lực nông nghiệp trong tương lai, quá trình đào tạo sinh viên luôn cập nhật kiến thức mới. Sinh viên được học tập, nghiên cứu tại phòng thí nghiệm hiện đại, với khu thực nghiệm, nhà lưới, phòng nghiên cứu sản phẩm thực nghiệm theo tiêu chuẩn tiên tiến. Ngoài ra, trường còn có các dụng cụ thí nghiệm nhận hỗ trợ từ dự án ODA cho sinh viên thực tập, nghiên cứu. Sinh viên còn được tham gia học tập ngoài nhà trường, đi thực tế trải nghiệm, nghiên cứu tại các cơ sở hoạt động nông nghiệp và ngoài đồng ruộng thông qua học phần thực tập cơ sở và thực tập giáo trình…
Rộng cửa lựa chọn
Nhóm ngành nông nghiệp gồm các ngành chính: Nông nghiệp; Khuyến nông; Khoa học đất; Chăn nuôi; Nông học; Khoa học cây trồng; Bảo vệ thực vật; Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan; Kinh doanh nông nghiệp; Kinh tế nông nghiệp; Phát triển nông thôn…
Nhóm ngành lâm nghiệp gồm: Lâm học; Lâm nghiệp đô thị; Lâm sinh; Quản lý tài nguyên rừng… Nuôi trồng thủy sản; Bệnh học thủy sản; Khoa học thủy sản; Khai thác thủy sản; Quản lý thủy sản… thuộc nhóm ngành thủy sản.
Các trường đại học có tuyển sinh và đào tạo một hoặc một số ngành trong nhóm ngành trên phân bổ đều ở các vùng miền, từ Bắc vào Nam. Theo TS Trịnh Ngọc Ái, học khối ngành nông nghiệp, thủy sản, sinh viên được thực tập trong môi trường chuyên nghiệp và theo mô hình Thực tập hưởng lương Co-op (Co-operative Education Programs). Đây là mô hình kết hợp giữa làm và học, tích lũy kiến thức và kỹ năng làm việc dành cho các sinh viên.
Mục tiêu đào tạo hướng về cộng đồng, phục vụ cộng đồng, nhà trường, khoa gắn kết một số doanh nghiệp thông qua chương trình Thực tập hưởng lương Co-op. Tùy theo chuyên ngành đào tạo, sinh viên có chương trình thực tập khác nhau, từ học kỳ I năm thứ 2. Trong quá trình thực tập, các em được công ty, doanh nghiệp trả lương, có thể đủ trang trải chi phí học tập. Sinh viên không cần đào tạo lại do trong quá trình thực tập sinh viên đã được tiếp cận, làm quen với công việc.
“Quá trình đào tạo, ngoài kiến thức chuyên ngành, sinh viên còn được trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề, chuyển giao kiến thức, ngoại ngữ, tin học, viết bài khoa học… có thể ứng dụng vào công việc trong quá trình thực tập”, TS Trịnh Ngọc Ái thông tin.