Khi lá phiếu thay đổi

GD&TĐ - Ở vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ngày 10/4, thống kê sơ bộ cho thấy Tổng thống Emmanuel Macron giành được 28 - 29% phiếu bầu.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo sau là nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen với 23 - 24% phiếu. Đứng đầu vòng một, hai ứng viên sẽ tiến tới vòng thứ 2 được tổ chức ngày 24/4.

Cuộc bầu cử Tổng thống tại Pháp đang dần tiến đến hồi kết nhưng mọi con mắt đều đổ dồn về cuộc chiến tại Ukraine và hệ luỵ của chiến tranh đối với Pháp. Hai ứng cử viên được quan tâm nhất nhì là Tổng thống Macron và ứng viên cực hữu Le Pen đã phải xoay chuyển chiến dịch tranh cử dựa trên tình hình địa chính trị hiện nay.

Một cuộc thăm dò yêu cầu cử tri Pháp xếp hạng các vấn đề chính sẽ định hình lá phiếu của họ cho thấy chi phí sinh hoạt vẫn là vấn đề nổi cộm nhất khi chiếm 52% ý kiến. Tiếp đến là chiến sự ở Ukraine với 33% còn 28% dành cho vấn đề môi trường.

Thông thường, các vấn đề trong nước luôn chiếm ưu thế quan tâm của cử tri Pháp còn chính sách đối ngoại không được chú ý cao. Đơn cử, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017, không có vấn đề đối ngoại hoặc quân sự nào nằm trong nhóm vấn đề được quan tâm hàng đầu.

Tuy nhiên, chiến sự ở Ukraine đã xoay chuyển tình thế vì Pháp đóng vai trò quan trọng trong cuộc tranh luận ngoại giao giữa phương Tây và Nga. Ngoài ra, chiến sự cũng có tác động lớn đến nền kinh tế và xã hội Pháp. Lá phiếu của cử tri ít nhiều sẽ bị tác động bởi lập trường của các ứng cử viên trước vấn đề này.

Về phần mình, các ứng viên phải điều chỉnh chiến lược tranh cử từ đối nội sang đối ngoại. Đôi khi, quan điểm của họ chính là kết quả của chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Là chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Macron cũng là người đứng đầu các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo EU về vấn đề chính sách năng lượng, người tị nạn, tài trợ vũ khí… trong suốt thời gian chiến sự ở Ukraine.

Ông Bruno Cautres, Viện Nghiên cứu Chính trị Paris, cho biết: “Thông qua các hoạt động với tư cách là Chủ tịch Hội đồng EU, Tổng thống Macron đang gửi đến người dân thông điệp rằng ông là một ứng cử viên đầy tham vọng, một nhà cải cách hoạt động tích cực trên đấu trường châu Âu. Ông ấy cũng có thể đưa ra những giải pháp tối ưu quản lý khủng hoảng”.

Mức độ nổi tiếng của ông Macron đã tăng vọt trong thời gian gần đây. Các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ chiến thắng của ông Macron là 30%, dẫn đầu trong nhóm ứng viên.

Trong khi đó, ứng viên có tỷ lệ phiếu bầu theo sát ông Macron, bà Le Pen từng dành lời ca ngợi và có ảnh chụp chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Năm 2014, bà bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Nga sáp nhập Crimea. Nhưng hiện nay, mọi thứ đã thay đổi.

Bà Le Pen thể hiện quan điểm “tránh xa” Putin và nước Nga, thậm chí nhấn mạnh “tội ác chiến tranh” khi nói đến “thảm sát Bucha”, ngoại ô Ukraine. Để hướng sự chú ý khỏi Nga, bà Le Pen cũng tập trung chiến dịch tranh cử vào các vấn đề kinh tế trong nước. Bà kêu gọi cắt giảm thuế, nhấn mạnh sự chênh lệch giữa kinh tế của giới tinh hoa ở thành phố với tầng lớp lao động ở các vùng nông thôn, nơi bà nhận được nhiều sự ủng hộ.

Kết quả thăm dò cho thấy tỷ lệ chiến thắng của ông Macron thấp hơn bà Le Pen so với năm 2017. Tuy nhiên, bất kể ứng viên nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, kết quả này cũng sẽ định hình cách châu Âu phản ứng với khủng hoảng Ukraine.

Tiếng bom đạn ở Ukraine không thể dội đến các phòng bỏ phiếu tại Pháp nhưng nó vẫn là một trong những yếu tố chính quyết định kết quả ngày 24/4 sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ