6 câu hỏi về cuộc bầu cử tổng thống Pháp

Ngày 23.4.2017 diễn ra vòng đầu tiên cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Cùng tìm hiểu những điểm quan trọng trong kỳ bầu cử này.

Các ứng viên nổi bật trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017: Fillon, Macron, Melenchon, Le Pen và Hamon (từ trái sang). Ảnh: Reuters.
Các ứng viên nổi bật trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017: Fillon, Macron, Melenchon, Le Pen và Hamon (từ trái sang). Ảnh: Reuters.

1. Quy trình bầu cử tổng thống Pháp diễn ra như thế nào?

Cứ 5 năm một lần, người Pháp lại bầu tổng thống. Tổng thống được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp, tất cả các công dân từ 18 tuổi trở lên có quyền đi bỏ phiếu, dù sống tại Pháp hay tại nước ngoài. Cử tri trực tiếp bầu ứng viên qua lá phiếu của mình.

7 tuần trước ngày bầu cử: Công bố danh sách chính thức các ứng viên. Các ứng viên tiềm năng phải thu thập đủ 500 chữ ký ủng hộ của các đại biểu ở các cấp khác nhau. Chỉ khi có được sự công nhận từ 500 đại biểu, thị trưởng, các thành viên của hội đồng khu vực và các chính trị gia dân cử khác, thì họ có thể được đăng ký tư cách ứng cử viên tổng thống chính thức. Tư cách ứng viên chính thức phải được Tòa Hiến pháp phê chuẩn.

4 tuần trước ngày bầu cử: Chiến dịch tranh cử chính thức. Mức trần chi tiêu cho chiến dịch này được một ủy ban quy định và kiểm tra. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử chính thức, thời lượng phát biểu và phát sóng trên các phương tiện nghe nhìn cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc bình đẳng giữa các ứng viên.

Vòng bầu cử thứ nhất: Năm nay vòng bỏ phiếu đầu tiên diễn ra vào ngày 23.4. Công dân Pháp tiến hành bỏ phiếu, nếu không có ứng viên nào đạt được trên 50% phiếu bầu, vòng bầu cử thứ hai sẽ được tổ chức vào ngày 7.5.

Vòng bầu cử thứ hai: Chỉ hai ứng viên đạt nhiều phiếu bầu nhất trong vòng một mới được lọt vào vòng hai. Ứng viên nào đạt được đa số tuyệt đối phiếu bầu sẽ đắc cử. Các phiếu trắng hoặc không hợp lệ sẽ không được tính. Tổng thống sẽ được bầu sau khi Hội đồng Hiến pháp tuyên bố kết quả trong vòng tối đa 10 ngày. Nhiệm kỳ tổng thống là 5 năm và tổng thống chỉ được đảm nhiệm tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp.

2. Tổng thống có phải là công việc quan trọng ở Pháp không?

Thủ tướng Pháp đứng đầu chính phủ, nhưng Tổng thống Pháp có quyền hạn quan trọng trong việc bảo vệ quốc gia và quan hệ ngoại giao. Tổng thống lựa chọn thủ tướng từ đảng đa số trong quốc hội. Đôi khi, tổng thống bị buộc phải chọn một thủ tướng không phải thuộc đảng của mình. Điều này gọi là "chung sống". Năm nay, các cuộc bầu cử lập pháp diễn ra trong hai vòng, vào ngày 11 và 18.6.

3. Ai là ứng viên tiềm năng nhất?

11 ứng viên đang tranh cử tổng thống Pháp, trong đó có 5 ứng viên chính. Hai ứng viên đang dẫn đầu các cuộc thăm dò là bà Marine Le Pen của Đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu, và cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, ứng viên trung dung, không thuộc một đảng truyền thống nào.

Điều ngạc nhiên là các ứng viên của các đảng thường chi phối những cuộc đua tổng thống trong gần 40 năm qua, đảng Cộng hòa và Xã hội, được xem là không thể tham gia vòng hai. Ứng viên đảng Cộng hòa Francois Fillon gặp rắc rối với pháp luật do nghi án tạo việc làm giả cho vợ con, ứng viên Benoit Hamon của đảng Xã hội nhận được ít ủng hộ của cử tri, những người hiện đang mệt mỏi với tổng thống của đảng Xã hội Francois Hollande. Ứng viên cánh cực tả Jean-Luc Melenchon cũng ít khả năng, dù cơ hội lọt vào vòng hai của ông có cải thiện trong những ngày gần đây.

4. An ninh có phải là vấn đề lớn?

Pháp đã ở trong tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc kể từ tháng 11.2015. Nhiều cuộc tấn công khủng bố từ năm 2015 - 2016 đã khiến vấn đề an ninh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Điều 16 của Hiến pháp Pháp cho tổng thống quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp, và sau đó thực hiện đồng thời quyền hành pháp và lập pháp, phán quyết trực tiếp bằng nghị định. Một nhóm các luật sư và các nhà lập pháp mới đây đã đăng tải một lá thư cho rằng, hiến pháp cho tổng thống quá nhiều quyền hạn, và nếu bà Le Pen đắc cử sẽ là một nguy cơ với nền dân chủ Pháp.

5. Trong cuộc bầu cử năm 2012, một số người nói Tổng thống khi đó là Nicolas Sarkozy sợ phải đến các khu của người nhập cư. Lần bầu cử này, tình hình đó sẽ như thế nào?

Các khu của người nhập cư là những vùng bị loại trừ về kinh tế, văn hóa, nơi tập trung các vấn đề thất nghiệp kinh niên. Không phải tất cả những người Hồi giáo Pháp (chiếm khoảng 8% dân số) sống ở những khu nhập cư, nhưng một số khu nhập cư có đông người theo đạo Hồi. Chiến dịch tranh cử của bà Le Pen phác họa những khu của người nhập cư là "khu vực không đồng hóa và gây nguy hiểm cho nước Pháp".

6. Cơ hội chiến thắng của bà Le Pen?

Bà Le Pen được lòng nhiều người trẻ và những người phản đối hội nhập Châu Âu. Hầu hết các cuộc thăm dò cho thấy, nhiều khả năng bà Le Pen và ông Macron sẽ dắt tay nhau vào vòng hai, và ông Macron sẽ giành chiến thắng. Tuy nhiên, với hơn 1/3 cử tri vẫn chưa quyết định rõ ràng, thì kết quả chung cuộc vẫn khó mà dự đoán.

Theo Lao Động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ