Khi học sinh trở lại trường: Quan trọng nhất vẫn là phương pháp xử lý

GD&TĐ - Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, sẽ không thể chờ hết dịch mới cho trẻ đến trường. Điều quan trọng là khi trong trường có F0, cần tách bệnh nhân ra khỏi lớp học.

Tiêm vắc-xin cũng không thể bảo vệ trẻ khỏi Covid-19 hoàn toàn.
Tiêm vắc-xin cũng không thể bảo vệ trẻ khỏi Covid-19 hoàn toàn.

Đồng thời, theo dõi sức khỏe những trẻ khác. Tuy nhiên, không nên yêu cầu trẻ cách ly.

Kiểm soát trong trường

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM - cảnh báo, trẻ ở nhà vẫn có nguy cơ nhiễm Covid-19. Theo chuyên gia này, hiện nay, tỷ lệ nhiễm Covid-19 rất cao. Song, tỷ lệ trẻ nhập viện thở oxy rất thấp.

Trong khi đó, trẻ mắc Covid-19 thường diễn biến nặng do bệnh nền, không phải do virus SARS-CoV-2. Hoặc, nhiều trẻ có thể cùng lúc mắc Covid-19 và sốt xuất huyết. Trong khi đó, người lớn thường không nghĩ nguyên nhân trẻ trở nặng là do sốt xuất huyết.

Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, đối với những trẻ sốt cao trên 48 tiếng do mắc Covid-19, cần theo dõi kỹ. Bởi, thông thường, khi mắc Covid-19, trẻ sốt không cao và hết rất nhanh. Do đó, có thể là trẻ nguy cơ mắc trùng bệnh khác. Đặc biệt, trẻ có bệnh nền, thừa cân, BMI trên 30 sẽ có nguy cơ khi nhiễm SARS-CoV-2.

“Trong thời gian giãn cách, trẻ cũng nhiễm Covid-19, nhưng ít, do người lớn ít bị. Khi hết giãn cách, người lớn ra đường, trẻ vẫn mắc bệnh dù chưa đi học và chưa tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, trẻ vẫn bị nhẹ. Trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh khi chơi với nhau, đi ăn hàng, quán. Nếu nói là trẻ ở nhà an toàn, thì không phải vậy. Ở đâu cũng là không an toàn, nhưng trẻ sẽ bị nhẹ”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, khi trẻ đi học, nhà trường cần kiểm soát kỹ. Một mối lo khi trẻ đi học đó là trường có quá đông trẻ. Do đó, vấn đề quan trọng là cần kiểm soát trong trường. Bác sĩ Khanh nhận định, ở trường chưa chắc đã có nguy cơ cao hơn nhà và cộng đồng. Nếu đi học, chỉ từ trường về nhà, không đi lung tung, trẻ sẽ an toàn hơn.

Bởi, trong trường hợp lớp khác có người nhiễm bệnh, trẻ sẽ không thể mắc Covid-19 nếu chỉ ở phạm vi lớp mình và về nhà. “Nguy cơ là giáo viên, người khác... và đó là những yếu tố có thể kiểm soát. Ở trường có thể không nguy cơ hơn nhà. Bởi, ở nhà, người lớn vẫn đi làm”, bác sĩ Khanh chia sẻ. 

Không nên yêu cầu trẻ cách ly?

Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục do Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức đã nêu 3 vấn đề chính khi học sinh trở lại trường là: Tiêm vắc-xin cho học sinh; Thực hiện 5K trong lớp học (chủ yếu là khuyến cáo đeo khẩu trang, giữ khoảng cách) và xử lý thế nào khi có ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong trường học.

Đối với tình huống trường học xuất hiện F0, theo lãnh đạo Bộ Y tế, cần lập tức khoanh vùng, sàng lọc F0, F1 và tổ chức cách ly tại nhà hoặc tập trung với các nhóm này. Tuy nhiên, thay vì thực hiện phong tỏa toàn trường trong thời gian dài, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, có thể chỉ phong tỏa lớp học/tầng học/tòa nhà có F0. Sau 24 giờ khử khuẩn, vệ sinh lớp học/tầng học/tòa nhà đó, nhà trường có thể tổ chức hoạt động tại khu vực này.

Chuyên gia này cho biết, nếu nói rằng, trẻ tiêm phòng Covid-19 và đi học không có nguy cơ nhiễm bệnh là chưa chính xác. Bởi, có những trẻ chưa đi học, dù đã tiêm phòng Covid-19 nhưng vẫn bị bệnh nhẹ. Do đó, không thể nói là ở nhà và đi chơi an toàn hơn tới trường.

“Cũng không thể chờ trẻ chích ngừa hết mới đi học. Bởi, chích ngừa xong vẫn có nguy cơ bị Covid-19. Tâm lý của phụ huynh thường lo lắng là: Không biết trẻ bị có nặng không? Lỡ trẻ đi học không nhiễm, nhưng bạn cùng lớp bị Covid-19. Khi đó, trẻ sẽ phải cách ly, xét nghiệm...

Theo tôi, trong nhà, nếu người lớn bị, trẻ không có triệu chứng thì không cần lo. Nếu đi học có một trẻ bị, cần tách F0 ra. Nếu một trẻ mắc bệnh mà yêu cầu cả lớp cách ly và xét nghiệm thì sẽ rất bất cập”, bác sĩ Khanh nhận định.

Ông cho rằng, chỉ khi trẻ mắc Covid-19 nặng cần nhập viện thì mới đáng lo. Đặc biệt, nếu chờ hết dịch bệnh thì trẻ sẽ không bao giờ có thể đi học. Bởi, bác sĩ Khanh cho biết, ngay cả khi đã tiêm phòng 2 - 3 mũi vắc-xin vẫn có thể nhiễm bệnh.

Do đó, điều quan trọng là giáo viên cần bảo đảm an toàn khi tới trường, yêu cầu trẻ giữ khoảng cách, sinh hoạt theo từng cụm. Trong khi đó, nguy cơ trẻ lây bệnh khi ngồi ở lớp học là rất thấp, phòng thoáng và rộng. Thực tế, trẻ có nguy cơ lây bệnh khi ra chơi cùng nhau.

“Điều quan trọng là khi có một ca Covid-19 trong trường, cần làm gì cho hợp lý. Sẽ không bao giờ có chuyện không có trẻ bị Covd-19. Bởi, vắc-xin không thể bảo vệ 100%. Cố gắng làm sao để chuỗi từ nhà tới trường, từ trường về nhà an toàn, chia từng cụm trong trường.

Ngoại trừ trường hợp cả Việt Nam và thế giới hết F0, trẻ mới an toàn hoàn toàn khi đi học. Khi có vấn đề, cần giải quyết một cách nhanh gọn. Ví dụ, trẻ có bố mẹ là F0, cần cho trẻ đó ở nhà, theo dõi những bạn cùng lớp. Không nên bắt xét nghiệm quá nhiều và cách ly”, bác sĩ Khanh nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ