Gần 15 nghìn trẻ mắc bệnh
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), ngày 8/9, thành phố đang điều trị 42.029 bệnh nhân. Trong đó, có 3.052 trường hợp là trẻ em dưới 16 tuổi,
Thông tin về tình hình điều trị cho trẻ em mắc Covid-19, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, từ đầu năm tới nay, thành phố ghi nhận 14.800 trẻ em mắc Covid-19. Thành phố đã điều trị khỏi cho 12.000 em. Có 13 trường hợp bệnh nhi tử vong, chiếm tỷ lệ 0,1%. Các bé hầu hết có bệnh lý nền, trong đó có trường hợp nặng như ung thư.
Về thuận lợi trong điều trị, bác sĩ Hưng cho biết, sức đề kháng của trẻ em tốt và ít bệnh nền hơn người lớn. Do đó, mức độ chuyển nặng thấp hơn. Tuy nhiên, khó khăn khi chăm sóc các em là phải có người lớn đi kèm.
Do đó, cha mẹ cũng thường mắc Covid-19. Vì vậy, ngành Y tế thường điều trị cho cả trẻ và phụ huynh. Nhiều phụ huynh khi chăm sóc trẻ cũng mắc bệnh nặng, nên việc chăm sóc trở nên khó khăn.
Nhiễm SARS-CoV-2 ở trẻ em đa số thường nhẹ hoặc không triệu chứng. Tuy nhiên gần đây, Mỹ ghi nhận tỷ lệ ca nặng ở trẻ em tăng cao, đặc biệt trẻ nhỏ tuổi (dưới 12 tháng), béo phì hoặc kèm nhiều bệnh lý nền nặng khác. Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em mắc Covid-19 nặng.
Trường hợp 1 là bé sơ sinh 21 ngày tuổi, nhập viện vì sốt 2 ngày kèm thở nhanh, bú kém, đừ, môi hồng nhạt, SpO2 88%, thở nhanh 62 lần/phút kèm co lõm ngực. Gia đình có ông bà nội và cha sống chung nhà đều mắc Covid-19.
Bé có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với Covid-19. Bé được điều trị với phác đồ hỗ trợ hô hấp, kháng viêm, kháng đông, kháng sinh và đáp ứng tốt. Hiện, trẻ đã ngưng thở oxy, bú tốt và nhịp thở bình thường theo tuổi.
Trong khi đó, trường hợp khác là bé gái 7 tháng tuổi, nặng 9kg. Bé sốt cao, ho nhiều và test nhanh ở nhà phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Trẻ nhập viện trong tình trạng bứt rứt, thở nhanh 66 lần/phút, co lõm lồng ngực, SpO2 89%, xét nghiệm PCR xác định dương tính với SARS-CoV-2. Tình trạng suy hô hấp nặng dần,
X-quang viêm phổi nhiều 2 bên, phản ứng viêm tăng cao, kèm xét nghiệm đông máu tăng phù hợp với bệnh cảnh Covid-19 nặng. Sau 10 ngày điều trị với kháng sinh, kháng viêm, kháng đông và dinh dưỡng, tình trạng lâm sàng cải thiện, bé đã được xuất viện.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cảnh báo, Covid-19 có thể gặp ở lứa tuổi nhỏ và vẫn có nguy cơ diễn tiến nặng. Do đó, các trẻ mắc Covid-19, đặc biệt là bé sơ sinh và nhũ nhi, cần được theo dõi sát để phát hiện kịp thời dấu hiệu nặng.
Biến chứng nặng
Theo bác sĩ Phí Văn Công - Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, trẻ em là nhóm dễ bị biến thể Delta tấn công. Bởi ở Việt Nam, trẻ em chưa được tiêm phòng.
“Trước đây, hầu hết trẻ em bị Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ. Tuy nhiên, với biến thể Delta, ngày càng nhiều triệu chứng ở trẻ em được ghi nhận”, bác sĩ Công chia sẻ.
Chuyên gia dẫn chứng, một số nghiên cứu cho thấy, các triệu chứng phổ biến nhất ở trẻ em và thanh, thiếu niên là sốt và ho. Trong khi đó, các triệu chứng ở mũi, đường tiêu hóa và phát ban ít xảy ra hơn.
“Ngoài ra, ở trẻ em có thể xuất hiện một biến chứng nguy hiểm gây ra bởi Covid-19 là Hội chứng viêm hệ thống liên quan đến Covid-19 ở trẻ em. Đây là hội chứng ít gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể đột ngột xuất hiện sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 vài tuần”, bác sĩ Công cảnh báo.
Các triệu chứng của Hội chứng viêm hệ thống liên quan đến Covid-19 ở trẻ em (MIS-C) có thể gồm: Nôn, đau bụng; Mắt đỏ ngầu; Đau tức ngực; Tiêu chảy; Mệt lả, kiệt sức; Đau đầu; Đau cổ; Tụt huyết áp; Phát ban.
“Hội chứng viêm hệ thống liên quan đến Covid-19 ở trẻ em là một biến chứng nặng và có tỷ lệ tử vong cao. Ngày càng có nhiều trẻ em mắc bệnh. Nguy cơ trẻ em gặp biến chứng do Covid-19 cũng vì thế mà tăng lên.
Do chưa được tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh nên trẻ em ngày càng có nhiều nguy cơ mắc bệnh và diễn biến nặng. Vậy nên, các cha mẹ cần hết sức cẩn thận bảo vệ cho bản thân và gia đình bởi Covid-19 không chừa một ai”, bác sĩ Phí Văn Công nhấn mạnh.