Máy nhỏ sản xuất nhỏ
Anh Y Zắc ở xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, do địa hình ruộng cấy lúa nước của buôn anh rất nhỏ, hẹp, nên canh tác khó khăn. Trước đây, người dân rất vất vả trong khâu cày bừa mà thuê thì không máy móc nào vào.
Vì vậy, anh Y Zắc đã chủ động tiết kiệm và vay mượn mua một chiếc máy cày mini trị giá hơn 10 triệu đồng. Chiếc máy này, không chỉ hỗ trợ gia đình anh trong sản xuất lúa nước mà anh còn có thể cày bừa thuê trên diện tích nhỏ của bà con trong buôn. Qua đó, giúp cho công việc của người dân được thuận lợi.
Còn anh Lý Tài Lâm, dân tộc Dao, thôn Hùng Sơn, Thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cho biết, do địa phương của anh không phải là vùng nguyên liệu chè nên các gia đình chỉ tận dụng những khoảng đổi trống để trồng thêm. Bản thân gia đình anh có một đồi đất trống khoảng 3 sào tận dụng để trồng chè.
Anh Lâm cho biết thêm, trên địa bàn không có nhà máy chế biến quy mô lớn nào. Do đó, trước đây người dân chủ yếu làm chè bằng các phương pháp thủ công, năng suất thấp mà chất lượng cũng không cao.
Tuy nhiên, từ năm 2018, gia đình anh được đền bù đất đai hơn 200 triệu đồng. Với số tiền này, anh đã mạnh rạn đầu tư các loại máy móc phục vụ nghề làm chè như máy vò, sao chè với số tiền hơn 20 triệu đồng.
Với số máy móc này, anh không chỉ đẩy nhanh tiến độ sản xuất của gia đình mình mà còn làm thuê cho các gia đình khác trong thôn. Mỗi ngày, xưởng sản xuất nhỏ của anh có thể xử lý 400 – 500 kg chè tươi, gấp 5 lần trước đây. Như vậy, riêng thu nhập từ việc trồng và chế biến chè, anh thu lãi mỗi tháng từ 4 – 5 triệu đồng.
Hỗ trợ từ nguyện vọng của người dân
Có thể nói, nhu cầu của người DTTS sống ở vùng sâu vùng xa trong việc sử dụng máy móc là rất lớn. Vấn đề hỗ trợ họ trong việc tiếp cận ứng dụng máy móc nói riêng và khoa học kỹ thuật nói chung là hết sức cần thiết. Trên thực tế, vấn đề này đã được chính quyền quan tâm, song vẫn còn những điều hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể, từ 2012 Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai chương trình phối hợp giai đoạn 2012 – 2020. Chương trình nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào DTTS cả nước, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn...
Theo đó, đến nay đã có 25 tỉnh tổ chức ký kết chương trình phối hợp giữa hai cơ quan cấp tỉnh. Các địa phương đã phát triển được khoảng 21.000 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, nhiều mô hình gắn trực tiếp với đồng bào dân tộc.
Tuy đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN, mô hình sản xuất nông nghiệp cao ở vùng DTTS vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, mô hình sản xuất chưa thực sự bền vững.
Mô hình sản xuất có hiệu quả còn ít, chưa hình thành được các mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân. Chưa có chính sách đặc thù về ứng dụng và chuyển giao KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng DTTS.
Thiết nghĩ, để khắc phục các hạn chế này, các cơ quan chuyên môn cần thiết kế chính sách theo hướng từ trong ra ngoài và từ dưới lên trên.
Nghĩa là, các cơ quan chuyên môn cần tìm hiểu nguyện vọng của chính người dân ở cơ sở về việc cần loại máy móc nào, công nghệ gì trong quá trình sản xuất.
Lấy đây là căn cứ quan trọng trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể. Đồng thời, không áp dụng một cách tràn lan dập khuôn các mô hình để tránh tình trạng chồng chéo vùng DTTS và miền núi.