Huyền thoại bên phá Tam Giang

GD&TĐ - Ai có thương em xin lau đi giọt lệ/ Thắp cho đời em chút nắng/ Cho phá Tam Giang gió yên sóng lặng/ Thôi không còn đưa đón những kiếp người. Mặt đầm âm âm gợn sóng, lang bang lời ru con của Trang, miên man đêm. Cuối góc thuyền, Thu, chồng Trang vẫn ngồi cúi rụp, mặt úp vào gối, tóc giấu vào tay, lâu lâu ngửa cổ bắn thuốc lào òng ọc, rồi xùm xụp gà gật.

Huyền thoại bên phá Tam Giang

Ngày lại ngày, cuộc sống của đôi vợ chồng làng Rồng bên bờ phá Tam Giang vẫn trôi đi bằng những khắc khoải đìu hiu thế! Hai mươi năm trước, người vợ ấy đã “nhặt” được người chồng ấy trong trận đại hồng thủy 1999 cuốn phăng cả làng Hòa Duân ra biển.

Cha mẹ, vợ con, anh em, cháu chắt, tổng cộng 12 người gia đình anh Thu trong số 352 người trên phá ra đi vĩnh viễn. “Hà Bá” đã bỏ sót lại Thu. Độ đó, Trang “nhặt” được anh trong ngổn ngang xác người, quan tài chất đống trước cổng Bia Quốc học. Và họ vá đời vào nhau để khoác lên tấm áo hồi sinh, dẫu rằng cơ nhỡ.

24 năm xóa đói giảm nghèo, từ dạo đất nước bước vào đổi mới, cơn lũ 1999 đó khiến “Huế không còn gì để xóa nữa”, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ngô Yên Thi than vậy.

Nay, hơn tám nghìn ngày trôi qua, đau thương thuở nào vẫn hiển hiện, đâu đó hàng năm, hàng tháng, thiên tai như đong đếm định kỳ, mỗi năm mỗi lần lũ đến lũ đi, hệ luỵ trước chồng lên hệ lụy sau, không dứt. Và chớp mắt thời gian, những cuộc tồn sinh vá víu vào nhau tựa cuộc hành trình bất biến không tới đích. Đời chìm!

Cát bụi và khăn tang

Bờ bãi hạ lưu sông Bồ nối dài vào làng Thảo Long là con đường không có… đường. Một khoảng hun hút mênh mông bùn cát lô nhô, lỗ chỗ, ngơm ngam xác chuột. Gió thông thống, vẩn lên mùi xú uế. Xa xa, lom khom lít nhít người bóng đổ lòng khòng bòn mót những phế phẩm của thiên tai.

Vào làng, lác đác người, nhà nhà toang hoác, liêu xiêu kèo cột, “mái bằng”. Trong lưa thưa mưa, thinh gian lám nhám xám, ẩm ướt, chỉ thi thoảng, những tiếng kêu than tang tóc gợn lên làm bớt đi phần nào vẻ thê lương tịch mịch của đất trời. Tôi đã chìm vào cảnh đó sau hơn hai tháng trời mưa lũ bão lốc trùm lên Huế, từ tháng 9 đến tháng 10 vừa qua. Dân tình ly tán, người người lo sợ, láng máng nghĩ tới trận đại hồng thủy 1999 đương tái hiện.

Bữa ấy, gần 30 nghìn ngôi nhà trên phá chìm trong biển nước, những cái chết dần lan làng trên xóm dưới, dọc triền Ô Lâu ra tận cửa sông Hương. Hạ lưu ồ ạt đón từng bầu lưu thủy gầm gào tựa hổ rống, 5 cửa xả từ thượng nguồn của thủy điện Bình Điền đổ về.

Tối tháng 9, mưa dày, chúng tôi cùng đoàn cán bộ huyện Phong Điền ngủ lại xã Phong Hòa. Mười hai giờ đêm, nhận điện, nước lên gần 0,5m, thêm 1 người chết và 1 người mất tích.

Vậy là khăn gói tất tưởi ra trụ sở, ngơm ngam cán bộ lãnh đạo các địa phương đã tề tựu, quần xắn móng lợn, lên phương án 5 tại chỗ để cứu dân! Nhà nhà hỏa tốc, người người cùng mèo chó, lợn gà vùng vẫy bơi trong nước. Đêm nhộn nhạo măng xông, ngộn ngộn tối sáng, những số phận bị vũ trụ xoay vần tựa con rối trong vòng xoáy cuộc đời.

Bão qua đi, những hỉ nộ bi thương đó còn cơ hồ trùm ám găm vào trí nghĩ tôi. Thiệt hại, báo đài nói đã nhiều, nhưng ít ai để ý, đó là một cơn lũ “kỳ lạ”, lặp lại sau hai thập niên, cũng dịp trung tuần tháng. Những ngày ở Hương Phong, anh Nguyễn Hiệp - kẻ về từ “tâm bão”, kể: “Vào 6 giờ tối, nước lên khoảng 1 giờ/10 cm.

Trưa hôm sau, nước lên nhanh. Không thấy mưa gió gì nhiều mà nước lên chóng mặt. Kinh nghiệm dân gian cho thấy chỉ có mưa to đến rất to cộng với nước đầu nguồn lớn thì lũ mới lên nhanh trong một khoảng thời gian ngắn được.

Còn nếu không mưa thì chắc chắn lượng nước đầu nguồn phải đổ về cực lớn mới gây ra được tình trạng trên. Đặc biệt, chỉ sau một đêm, 25.000 hộ dân trong TP Huế đã bị ngập hoàn toàn do nước sông Hương tràn bờ trong khi rất ít mưa. Không biết chuyện gì đang xảy ra”.

Tinh mơ hôm sau, trên cồn đê Hương Phong, trong lũ, xuất hiện một đám tang độ chục người đưa tiễn!

Bi hùng và đời thường

Đầu tháng 11, về lại Tam Giang, nước lại một màu ngăn ngắt. Liên - cô gái trí thức nhất làng chài Thuận An, dẫn tôi qua Tây Linh, thăm gia đình chị Thúy. Căn nhà sơ sài, đa số các căn nhà ở Tây Linh như một phần thiên tai cướp đi, một phần vì “thiên tai định kỳ” nên chẳng ai dám sắm sửa.

Ở vậy, đời này sang đời khác. Hai thập niên trước, anh Thảnh, chồng chị ra đi theo cơn đại hồng thủy, bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ. Đằng đẵng thời gian, nỗi đau ấy vẫn chưa nguôi ngoai, cứ mỗi độ lũ về, chị lại thêm quặn lòng. Anh ấy là người hùng của làng chài Thuận Lộc này. Trong ráng chiều ối đỏ, từng đọt nắng xuyên qua vách liếp, trên ban thờ, di ảnh khói hương nghi ngút, buồn. Nhìn vào đâu cũng thấy buồn.

Chỉ góc tường là bớt vẻ đìu hiu, nơi đó có những tấm bằng khen của lãnh đạo Nhà nước và tỉnh nhà biểu dương tấm gương Hoàng Đình Thảnh quên mình cứu người trong lũ. Năm đó, với chiếc ghe đơn sơ, anh Thảnh chèo đến từng nhà chở người đi tránh lũ. Nhà nào ở chỗ thấp, người già, trẻ con thì anh ưu tiên chở trước.

Từ sáng sớm đến trưa, người đàn ông 42 tuổi ấy vật lộn giữa biển nước đầy gió xoáy. Đầu giờ chiều, anh mới trở về nhà, ăn vội miếng cơm rồi chèo ghe đưa mẹ vợ và hai con đi tránh lũ. Chỉ còn 100m nữa là đến chùa Tây Linh thì chiếc ghe bị lật nhào vì nước chảy xiết. Bốn người giữa biển nước. Mẹ vợ và hai con anh bị nước cuốn ra xa, anh cố bơi đến cứu cho đến khi không bơi được nữa...!

Đôi mắt chị Thúy đăm đăm, ầng ậc, không khóc nổi. Chị đã vắt cạn nước mắt qua tám ngàn ngày. Và qua tám ngàn ngày, nếu gom được, có lẽ nước mắt của hàng nghìn ngư dân phá Tam Giang này sẽ cuồn cuộn rên xiết chẳng kém dòng sông Bồ mỗi mùa lũ dữ.

Chính xác là tám ngàn không trăm ba mươi ngày qua, Huế gánh chịu hơn 10 cơn lũ lớn, lũ không đếm được. Hàng nghìn người và nhà cửa đã chìm xuống biển sâu, thiệt hại tang thương không tài nào kể xiết. Mỗi năm, Huế lại có thêm nhiều làng tái định cư. Nếu làm thống kê số liệu này, chắc hẳn, Huế có nhiều khu tái định cư nhất nước, chưa kể ở dạng… tiềm năng.

Nguyên nhân không chỉ có thiên tai!

Trước, đại hồng thủy 1999, nhờ eo Hò Duân bị vỡ, nước lũ thoát nhanh ra biển mà mấy chục vạn người được cứu sống, nếu không nước còn dâng cao đe dọa đến tận Quảng Bình, Quảng Trị. Cửa Hòa Duân vỡ là do tức nước vỡ bờ, chứ không phải là sự vận động của biển. Cũng như thế kỷ mười bảy, Nội tán Nguyễn Khoa Đăng đã lưu thông dòng chảy ở Bàu Ngược.

Nhắc chuyện xưa để ngẫm chuyện nay! Ấy là trị thủy!

 

Đời cõi âm và đời cõi dương

“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới/ Nước bao vây cách biển nửa ngày sông/ Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng/ Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá”. Tôi nhớ cảnh ấy, người ấy ở cái làng chài Hải Bình (Phú Vang), sao mà giống Quê hương của cụ Tế Hanh thế. Giờ, chuyện xưa đã xưa, vật đổi sao dời.

Không giống làng, không giống nghĩa địa, nhưng có người, có nhà cửa và có mồ mả, nhiều mộ, cùng tồn sinh. Không đường giao thông, không điện, không nước, không công trình vệ sinh, không y tế. Mười mấy năm nay, “cuộc sống 5 không” này đã đeo đẳng, trùm ám lên thị trấn Thuận An, chưa biết khi nào mới dứt!

“Đường chạy vòng quanh, một vòng tiều tuỵ”. Quả thế! Cái “vòng tiều tụy” ấy dành cho “đời cõi dương”. Còn, “đời cõi âm” thì sang lắm! Bởi, nhà có “của ăn của để” mới xây mộ, xây lăng. Xây càng to càng thể hiện người có vai có vế.

Xã hội “âm ti” càng ngày càng lớn, “trần gian” lại càng hẹp đi. Ấy là diện tích. Còn “dương thế” vẫn nảy nở sinh sôi thế và hơn thế, đông dần đều. Nay, “đời âm” lọt thỏm giữa “đời dương”, phình to, người chết đã “đè” lên người sống, người sống như hàng rào vô thực, ôm riết lấy người chết, mỏng manh, qua năm qua tháng.

Chiều đó, “quần nát” cồn Cư Chánh, qua cửa biển Hòa Duân, lũ rút. Gọi là cửa biển, nhưng kỳ thực nơi đây đã trở thành bãi tắm hoang sơ, lều quán lác đác. Hai năm sau trận đại hồng thủy, Thừa Thiên - Huế ra quyết sách lấp bồi vùng phế tích này, “dọn chỗ” cho du lịch.

Ngớt nước, mưa tan, đại dương mênh mông, đỏ quạch, thi thoảng từng đợt lưu thủy sủi tăm ùng ục, gió tịnh nhưng miên man dòng xoáy. Liên dẫn tôi vào nhà chị Hằng ở An Hải, con bà cô với Liên. Gia đình Hằng định cư dọc biển Thuận An ngót nghét hai mươi năm, ngày ngày, chồng đi biển, vợ trồng trọt canh tác.

“Giờ, chồng vẫn đi biển, đặng bữa đực bữa cái, còn tui thì thất nghiệp, chỉ ngồi trông con thôi. Cả xóm ni bị “kẹp” giữa lăng mộ, đất làm sân cũng không có, nói chi đất trồng cây, cấy hái”, chị Hằng nói. Khuôn mặt nhầu nhĩ khuất trong mớ tóc rối bù, từng ngón tay sù sì, đen sạm cứ bới bới lên cái đầu cũng rối bù của đứa con gái, ngày lại ngày, chị không biết làm gì hơn, đứa bé ngồi trong lòng mẹ thả đôi mắt tha thẩn vào không gian tím thẫm, tôi chợt nghĩ, rồi mai này, cuộc đời nó sẽ ra sao.

Năm này qua năm khác, phần lớn trẻ em ở Phú Vang cứ lớn lên như thế, lớn lên trong sự hỗ trợ của Nhà nước, trong sự thất học, trong những ngày nắng nhặt rác cào ngao ven biển Thuận An, chỉ có cát trắng và hoa long chong bay mù trời.

Việc người chết “lấn” đất người sống, nay chính quyền cũng… “bó tay”. Đất của họ, có tiền thì họ xây, họ xây để tâm linh được thảnh thơi, vì thương ông bà tổ tiên sống khổ cả đời, nay mới có cơ hội báo hiếu.

Tối nhọ mặt, những bóng người nghiêng ngả lẩn khuất, ẩn hiện sau những ngôi mộ, sau những túp lều gió xé trống hoác, tranh liếp lang bang, ngư dân từ biển về. Xa xa, tiếng quạ rin rít trên gò mối hay bức tường lạnh lẽo. Mưa lây phây.

Một cán bộ Phòng Nông nghiệp thị trấn hàn huyên với tôi, khuôn mặt đăm đăm: “Nguyên nhân đất ở, đất nông nghiệp ngày một thu hẹp là do xây dựng nghĩa trang, chiếm diện tích quá lớn. Hơn nữa, nhiều cặp vợ chồng trẻ sau khi cưới xong, nghèo khó lại không có đất ở nên phải “kéo” nhau ra các khu lăng mộ để sinh sống. Đặc biệt, những người nhiều tiền thi nhau xây mộ gió để “xí phần”, xây mộ cho người... chưa chết”.

Tôi từng qua rất nhiều vùng đất, xứ sở mà nạn nghèo đói, thất học, môi trường hoành hành, nhưng ở đó, những số phận dù đòng đưa, dù có lâm “bước đường cùng”, họ vẫn cố tìm được “đầu ra”. Còn ở Tam Giang, con người đã cố lắm, kiệt lực và kiệt trí, song đời họ vẫn kiệt quệ.

Như cái vòng luẩn quẩn, thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, lặp đi lặp lại, phải gánh chịu những cảnh ấy, phải mưu sinh bằng những việc ấy, một cuộc đời như mọi cuộc đời.

“Trẻ lao động sớm là trăn trở của địa phương. Để hạn chế tình trạng trẻ bỏ học, Tổ chức Quỹ Trẻ em Rồng Xanh (Australia) đã hỗ trợ xây nhà kiên cố và kinh phí học tập hàng tháng cho một số em. Có những trường hợp, các em được Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp Tổ chức Rồng Xanh đưa về từ “Khu công nghiệp trẻ em”.

Nhưng, con số này chỉ như muối bỏ bể so với thực trạng, Phó Chủ tịch thị trấn Thuận An Nguyễn Văn Giàu bày tỏ. Giữa những ngày bão lốc, nghe kể chuyện về kế tồn sinh ở đầm phá lại càng não nề hơn.

…Ngoài chòm, chó sủa ong óc. Đôi ba nhà đã lên đèn. Những ngôi mộ và những chái liếp nhòa vào nhau. Đường sơn thủy mịt mùng trong sương. Thị trấn yên tĩnh đong đầy cái vỏ bọc ngút ngát cô liêu.

Đâu đó, lác đác mớ âm thanh sóng xô vào ghềnh đá. Trong nhà chị Hằng, bữa ấy, ánh sáng tươm tất, mâm cơm tươm tất, từ đầu năm, gia đình mới được “một bữa no”. Hồi sáng, vào thăm chị, Liên và tôi ghé chợ Sịa mua được mấy miếng ba chỉ, mấy đọt tép suối, chỉ mất mấy chục nghìn đồng!

Trưa hôm sau, chang chang nắng. Lâu lắm, thị trấn mới có nắng, nắng trong mưa bụi, thứ nắng đìu hiu càng làm không gian âm dương hỗn độn thêm cô quạnh, tẻ nhạt. Bên những lăng mộ lô nhô, lốc nhốc thấp cao, vài đứa trẻ tóc vàng tựa lông bò, không quần, áo cũn cỡn quăn tít đến nách đương chơi trò ú tim.

Khuôn viên tâm linh ấy là nơi chúng nô đùa từ nhỏ, như tuổi thơ của cha mẹ chúng cũng từng trôi qua thế. “Phải lại gần mới thấy, đứa bé nào ở Thuận An này cũng có mùi đặc trưng, nồng nồng, khen khét, vì lâu không tắm, không tắm không phải lười, vì không có nước”, Liên đằng hắng. Mà chẳng riêng trẻ con, người lớn cũng rứa!

Định cư cùng nghĩa địa, làm sao có nước sạch để dùng. Nước có màu vàng, đen kìn, thoang thoảng hôi tanh, giếng khoan. Ngày ngày, người người “xóm âm dương” ấy phải đi gánh nước cách gần cây số, về nấu ăn. Còn tắm giặt thì “nhắm mắt làm liều”. Vậy là cơ man bệnh tật ập đến. Không y tế nên “thả nổi”. Đời xưa thế, đời nay cũng đành thế!

…Ban mai lòa nhòa quấn lấy những bóng thuyền cập bến. Đầu làng, có cô bé Làng Rồng lui cui đọc sách bên rổ cá, cha vừa đem về từ biển. Cô bé được Nhà nước hỗ trợ cái chữ ấy, mai này, liệu đời cô có phải được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ như bao cuộc đời khác nữa không? Dẫu sao, ánh mắt ấy, tiếng nói ấy cũng khiến tôi gom được chút niềm vui duy nhất trong đoản khúc tám ngàn ngày day dứt!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ