Khi điều bình thường hóa…phi thường!

GD&TĐ - Mấy ngày qua có hai chuyện thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận, thậm chí một tờ báo lớn có trụ sở tại phía Nam đã chọn để trở thành tiêu điểm bình luận: Một là clip ghi lại cảnh học sinh trường THPT Lê Hồng Phong (TP HCM) cúi đầu chào bác bảo vệ như một phản xạ từ tiềm thức; hai là vấn đề làm sao để giảm chửi tục, nói bậy…

Học trò trường Lê Hồng Phong mỗi sáng đều cúi chào bác bảo vệ. Ảnh minh họa, theo Internet)
Học trò trường Lê Hồng Phong mỗi sáng đều cúi chào bác bảo vệ. Ảnh minh họa, theo Internet)

Thật sự khi xem clip học sinh cúi đầu chào bảo vệ trường học tôi cứ ngỡ hình ảnh này ở Nhật hay Singgapre gì đó chứ không tin nó xuất hiện tại Việt Nam cho đến khi nghe chính các em cười nói. Nói như vậy tuyệt nhiên không có ý coi đạo đức người Việt ta thấp hơn các nước khác. Nhưng cũng thành thật mà nói đạo đức học đường ở ta có quá nhiều chuyện không vui, không vui như thế nào thì báo chí, mạng xã hội đã cho thấy rất nhiều.

Bởi vậy cho nên sau khi clip học sinh răm rắp cúi đầu chào bảo vệ phát tán trên mạng xã hội đã thu hút hàng ngàn lượt bình luận, trong số đó đa phần bày tỏ sự bất ngờ, “không thể tin nổi”, “không thể tin vào mắt mình”…và cũng nhiều ý kiến theo trường phái cho rằng “điều đó hoàn toàn bình thường”.

Chẳng ai lạ lùng gì đặc điểm “sớm nở tối tàn” của các sự kiện mạng nhưng lạ ở chổ chẳng hiểu sao – cúi đầu chào người lớn, một điều quá đỗi bình thường như đói phải ăn, khát phải uống lại trở thành điều gì đó “phi thường” vượt ra khỏi sự tưởng tượng của nhiều người.

Trong khi đó người Việt ta từ xa xưa vốn có truyền thống dạy con cháu rất kỹ lưỡng về “lời chào cao hơn mâm cỗ”, “học ăn học nói học gói học mở”, “tiên học lễ, hậu học văn”…nhưng thông qua một bài test bình thường đó chúng ta mới thấy cái sự “đạo đức” ấy phải chăng đang trở nên là điều quá xa xỉ!?

Trong gia đình Việt, việc dạy đạo đức lễ phép là điều không thiếu, nhưng có điều cách dạy đạo đức mà nhiều ông bố bà mẹ áp cho con cái mình kèm theo một điều kiện nào đó về vật chất. Rất phổ biến môtip “chào đi rồi bà cho bánh” “vòng tay rồi ông cho quà”…lâu dần mưu cầu về “quà”, “bánh” đối với con trẻ phải là cái cần có để chúng làm theo ý người lớn. Cách dạy đạo đức như vậy có khác gì huấn luyện thú xiếc?.

Không ít ông bố bà mẹ chì chiết thậm chí đánh con mình vì khách đến nhà mà “trơ cái mặt ra”, hóa ra lời chào đối với bọn trẻ là một điều gì đó khủng khiếp? Chính người lớn đã khiến con trẻ “quên” mất những phép tắc, lịch sự tối thiểu.

Ai cũng muốn con cái mình đạo đức, ai cũng mong người nhỏ tuổi hơn phải chào hỏi mình trước mà có khi nào suy xét lại xem người lớn với nhau đối đãi với nhau như thế nào? Xem thử trong số chúng ta, ai đó đã chào bác bảo vệ cơ quan mỗi khi tan sở; có đủ bình tĩnh với bà bán vé số ngoài đường; có cám ơn bác tài xế mỗi khi xuống xe; có quên cảm ơn cô tạp vụ đã lau dọn nơi làm việc cho mình…? Ô hay, người lớn chưa làm nổi những chuyện tí tẹo đó mà lấy gì dạy bảo con trẻ phải đạo đức, phải thưa chào?

Hai sự việc ánh lên một điều tích cực, một cái tốt đang nảy mầm và một cái xấu bị tấn công tiêu diệt. Làm cách nào để hạn chế nói tục, chửi tục? Chắc rằng, cũng do giáo dục chưa tốt nên nói tục, chửi thề mới trở thành câu cửa miệng như hiện nay. Cũng chẳng phải ai mà chính những người trẻ là “chủ nhân” của xu hướng lái tiếng Việt theo hướng “mất trong sáng”.

Nói tục, chửi thề là phần biến dị của mọi ngôn ngữ, không thể xóa sạch mà chỉ có tìm cách hạn chế, trước hết là trong học đường. Tôi tin rằng, những nơi như trường THPT Lê Hồng Phong (TP HCM) sẽ rất ít học sinh nói tục, chửi thề. Chưa có khảo sát nào cả nhưng một ngôi trường mà người bảo vệ được tôn trọng như thế thì chắc chắn có nền tảng đạo đức tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ