Dạy trẻ lễ nghĩa trong giao tiếp

GD&TĐ - Nhiều bậc phụ huynh thường nghĩ rằng con còn quá nhỏ nên không cần phải quá nghiêm khắc với con, chờ đến khi con lớn hơn thì có thể dạy con về lễ giáo cũng được. 

Dạy trẻ lễ nghĩa trong giao tiếp

Tuy nhiên, đó là một trong những quan điểm nuôi dạy con sai lầm. Nuôi dạy con từ khi còn nhỏ dễ dàng và hữu ích hơn rất nhiều; trẻ sẽ tiếp thu và hình thành thói quen theo sự uốn nắn khi tâm sinh lý còn đơn giản.

Gian nan dạy con chào hỏi

Dạy trẻ lễ phép là điều mà không ít bậc phụ huynh băn khoăn. Làm sao để con nghe lời và dạy như thế nào cho hiệu quả?

Chị Lê Thị Thu Huyên (Tây Hồ, Hà Nội) than phiền với đồng nghiệp ở cơ quan: “Bé nhà em sắp tròn 2 tuổi rồi. Ở nhà, khi chỉ có bố, mẹ, em dạy gì bé cũng nghe. Bé biết chào bà, chào ông, chào bác… Nhưng khi đi ra ngoài, gặp người lớn, bé rất lỳ và không chịu chào hỏi ai”.

Có lần, chị đã nhốt con ra ngoài ban công một mình, nhưng bé vẫn không chịu chào ông bà nội. Bố giận quá, mắng con, đánh con, con chỉ khóc nhưng nhất quyết “không mở mồm”.

“Để giáo dục con cái biết sống lễ phép, tôi thường đưa ra yêu cầu, chẳng hạn như con phải biết vâng lời mẹ, phải chào hỏi khi gặp mọi người, phải thật thà, không được nói dối…

Nhưng xem ra đây là cách giáo dục mang tính áp đặt và không đem lại hiệu quả. Áp lực đó khiến bé cảm thấy những bài học lễ nghĩa trở nên khô khan, đáng ghét. Hậu quả là trẻ nhỏ sẽ quên nhanh những điều cha mẹ vừa dạy bảo” - Chị Thu Huyên trăn trở.

Cùng tâm trạng như chị Thu Huyên, anh Lê Văn Toản - Nhân viên khách sạn Nikko (Hà Nội) cho biết, anh rất băn khoăn và buồn phiền vì con trai lên 9 tuổi ngày càng ứng xử thiếu lễ độ.

Cháu thích gì nói đó, không suy nghĩ trước sau. Nói chuyện với người lớn nhưng cháu chẳng chịu thưa gửi, phép tắc gì cả. Cháu hay nói trống không với người lớn tuổi.

Khi người lớn đang nói chuyện cháu thường chen ngang vào. Không ít lần gia đình có khách đang bàn chuyện công việc của người lớn, cháu ngồi “chầu rìa” và vô tư góp ý xen ngang câu chuyện.

“Chúng tôi đã nhắc nhở, uốn nắn con rất nhiều mà cháu vẫn chứng nào tật ấy. Lắm lúc cháu còn buông ra những lời rất khó nghe, xúc phạm cha mẹ khiến chúng tôi cảm thấy bất lực vì chưa tìm được cách giáo dục con sao cho phù hợp” – Anh Toản cho biết.

Cha mẹ phải làm gương

Một nghiên cứu cho thấy 80% trẻ hư hỏng là do nền giáo dục gia đình có vấn đề. Chính vì thế gia đình và sự chỉ bảo của cha mẹ luôn sát sao là những tiền đề cho một đứa trẻ ngoan ngoãn và lễ phép. Thói quen trong gia đình hoặc nếp sống, giao tiếp của cha mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến sự lễ phép của con cái.

Theo thạc sĩ tâm lý Hoàng Thị Thu Hà (Trung tâm đào tạo Kỹ năng sống và Chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt), những bài học lễ giáo căn bản đầu tiên cho bé là cách chào hỏi, thái độ lễ phép với người lớn.

Tuy nhiên, cha mẹ phải biết truyền đạt, thuyết phục sao cho gần gũi, dễ hiểu. Những minh họa thực tế sẽ giúp trẻ tiếp thu nhanh hơn. Cha mẹ có thể dùng những bài thơ, bài hát vui nhộn, dễ thương có nội dung hướng dẫn cách chào hỏi để đọc, hát cho bé nghe.

Trong việc giáo dục lễ phép cho trẻ thì vai trò của cha mẹ là vô cùng quan trọng. Một đứa trẻ sẽ không có thói quen gọn gàng khi người cha bạ đâu vứt đó…

Những việc làm của cha mẹ luôn ăn sâu, thấm vào đầu của con trẻ. Nó ảnh hưởng một cách tự phát và cực kỳ quan trọng. Để cho trẻ có thể học lễ phép tốt hơn thì chính các thành viên trong gia đình cũng cần chú ý tới cách ứng xử, cư xử của các thành viên trong gia đình đối với nhau.

Thạc sĩ tâm lý Hoàng Thị Thu Hà cho rằng, dù có muốn bé thuần thục các hành vi lễ phép đúng chuẩn mực, cha mẹ cũng không nên quá nôn nóng, thiếu bình tĩnh mà dạy bài học lễ phép cho con bằng những phương pháp mạnh bạo. Biện pháp này sẽ “lợi bất cập hại”.                                                                                                             Trẻ có thể phục tùng mà làm tốt trước mặt cha mẹ để đối phó, nhưng bé sẽ không “tâm phục, khẩu phục”. Vì vậy, để những bài học về lễ nghĩa không còn quá khó để lĩnh hội đối với trẻ, cha mẹ hãy là những người bạn đồng hành định hướng, chia sẻ với con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ