Khi Covid-19 không còn là mối nguy

GD&TĐ - Từ ngày 10/9 tới, Đan Mạch sẽ dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế chống dịch vì nước này tuyên bố Covid-19 “không còn là mối đe dọa đối với cộng đồng” nhờ chiến dịch tiêm chủng phủ rộng.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Trong khi đó, nhiều nước khác đã đạt mục tiêu vắc-xin cũng quyết định mở cửa để “chung sống với virus”.

Trước đó vào tháng 3/2020, Đan Mạch là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng các biện pháp hạn chế để phòng chống Covid-19. Các trường học và cơ sở kinh doanh không thiết yếu tại đây bị đóng cửa trong khi nhiều nước khác còn chưa quan tâm đến loại virus khởi phát từ Vũ Hán này. Trong 18 tháng qua Đan Mạch liên tục duy trì lệnh hạn chế ở các mức độ khác nhau tùy vào diễn biến của dịch bệnh.

Cùng thời gian này Đan Mạch đã đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng để đạt mốc hơn 70% dân số được tiêm vaccine vào giữa tháng 8/2021. Đây là tiền đề để giới chức nước này tự tin thông báo rằng Covid-19 hiện không còn là mối nguy như trước.

Điều này đồng nghĩa cuộc sống sẽ hoàn toàn trở lại bình thường và Đan Mạch từ nước đóng cửa sớm nhất trở thành một trong những nước đầu tiên chính thức công bố khống chế được đại dịch.

Đây là một hình mẫu trên thế giới hiện nay về khống chế đại dịch một cách bền vững bằng vaccine. Tuy nhiên, sự hiểu biết của khoa học về Covid-19 vẫn còn nhiều khoảng trống, trong khi virus biến chủng không ngừng có thể thách thức các loại vắc-xin hiện có.

Do đó, Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke khi thông báo mở cửa cũng không quên nhấn mạnh “đại dịch vẫn chưa kết thúc” và có thể tái phong tỏa nếu cần thiết.

Trên thực tế, hiện Covid-19 chưa hề biến mất khỏi Đan Mạch vì số ca nhiễm mới trong 7 ngày gần đây vẫn ở mức trung bình 167 ca trên một triệu dân, cao hơn mức trung bình của EU.

Tuy nhiên, đây vẫn là tỷ lệ nằm trong mức kiểm soát được của hệ thống y tế vì đa số người dân đã được tiêm vaccine. Tương tự như vậy, một quốc gia châu Âu khác là Anh dù đang có số nhiễm mới cao hơn nhiều với gần 500 ca trên một triệu dân cũng vẫn quyết định mở cửa hoàn toàn.

Nhiều nước tại châu Âu, châu Mỹ và châu Á khác cũng đang triển khai chiến lược “sống chung với Covid-19” như Italy, Đức, Mỹ, Singapore, Israel… Điểm chung của những quốc gia này là tỷ lệ tiêm chủng đều đạt trên dưới 60% dân số. Qua đó các biện pháp hạn chế cứng rắn tại những nước này đã chuyển dần sang biện pháp áp chế mềm và cuối cùng là dỡ bỏ hoàn toàn để mở cửa đất nước.

Bên cạnh đó, các nước không còn coi Covid-19 là mối nguy hoặc xác định sống chung với virus như vậy còn có chung một cách tiếp cận là thay vì tập trung ngăn chặn số ca nhiễm mới thì hướng nguồn lực y tế vào các ca chuyển biến nặng. Qua đó, các nước này hạn chế tối đa người mang virus bị tử vong và giảm số ca chết vì Covid-19 xuống ngang các loại virus thông thường khác.

Bản chất của virus là thay đổi liên tục để tạo ra các biến thể mới và Delta chỉ là một trong số đó. Do vậy, chiến thuật chống dịch của các nước cũng phải thay đổi theo, dần từ bỏ chiến thuật “sạch bóng virus” vì điều này là bất khả thi với những biến chủng có tốc độ lây lan quá nhanh. Tỷ lệ tiêm vắc-xin lúc này trở thành tiêu chuẩn để các nước đưa ra những quyết định về mức độ mở cửa chung sống với Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.