Khi con tham gia mạng xã hội Facebook

GD&TĐ - Ngày nay với tốc độ phát triển quá nhanh của các trang mạng xã hội, như Facebook (Fb) thì việc cấm con trẻ truy cập là điều dường như không thể. 

Khi con tham gia mạng xã hội Facebook

Thay vì cấm đoán việc con online trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh tìm cách làm bạn với con nhưng đôi khi cũng chẳng dễ dàng gì. Trường học cũng như cộng đồng xã hội đã vào cuộc để giúp các em có những định hướng đúng về thế giới ảo. Đó là, các lớp học kỹ năng sống dạy cách ứng xử tình huống trên mạng Fb; những quy chế quy định việc tham gia mạng xã hội… Vậy thì, “Vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng” liệu có nên?

Nhiều cạm bẫy

Có con trai học lớp 10, chị Thanh (Đông Anh, Hà Nội), chia sẻ: Công việc của mình rất bận, không có thời gian quản lý con sát sao nên hàng ngày ở nhà mình đành cho con sử dụng máy tính với điều kiện không được chơi game, vào các trang mạng bậy bạ. Mình cũng biết như thế cũng không thể kiểm soát con hết được nhưng nếu càng cấm con càng tò mò cũng chết.

Để có biện pháp giám sát con, mình đã bắt con cam kết với mình không được dùng Fb đăng tải những điều nhảm nhí, vô bổ ảnh hưởng đến việc học và không may lỡ gây hiểu lầm với bạn bè thì rất dễ xảy ra những tình huống không mong muốn. Con đã tuân thủ cam kết với mình, thế nhưng vừa rồi mình mới lập một Fb để vào trang Fb của con xem con đã đăng những gì trong đó thì mình đã bị “sốc” đến mất ăn, mất ngủ mấy hôm nay.

Dù không thể đọc hết nội dung vì tụi nhỏ dùng ngôn ngữ “chát” của teen khá nhiều, thế nhưng những gì mình đọc được thì thấy ngôn ngữ bậy bạ quá. Chưa kể nhiều bạn của con cứ vô tư nói xấu bạn bè, gia đình. Trước thực trạng này theo mình, cha mẹ nên có biện pháp linh hoạt làm sao vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo với việc sử dụng Fb của con, giúp con tham gia mạng xã hội Fb một cách có văn hóa đồng thời tránh được những hậu quả xấu không may xảy ra.

Luôn có tâm trạng lo lắng về cô con gái lớn đang học lớp 11 kể từ sau lần tình cờ xem được Fb của con, chị Thu Lê (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biêt: Tôi luôn có tâm trạng lo lắng, bất an với cô con gái của tôi vì con tham gia mạng xã hội Fb. Bởi thời gian gần đây trên mạng xã hội luôn xảy ra những vụ việc đánh đập tàn bạo trong giới trẻ vì hiểu lầm trên Fb. Nhiều lần khuyên con không nên dùng Fb không được, tôi đành lặng lẽ lập cho mình một cái Fb để vào theo dõi các hoạt động trên trang Fb của con.

Từ hôm vào Fb của con, tôi không khỏi giật mình. Trên mạng ảo, các cháu thiếu kiểm soát quá, lại kết bạn với nhiều người lạ khiến tôi càng thêm lo lắng. Cũng vì lo lắng quá nên tôi và con gái đã có một buổi tranh luận kịch liệt về mạng xã hội Fb. Biết không thể ngăn cản được con dùng Fb tôi đã đưa ra biện pháp quản lý Fb của con bằng cách hàng ngày chỉ cho con cập nhật 1 giờ trước khi ăn cơm chiều và cấm không cho con sa đà vào việc bình luận các status của các bạn. con có vẻ khó chịu nhưng tôi vẫn cương quyết để tránh mọi rắc rối có thể xảy ra.

Chấp nhận để con dùng Facebook, mặc dù còn nhiều lo lắng, anh Lê Quang Bình (Khai Quang – Vĩnh phúc) có con học lớp 8 chia sẻ: Nếu như vì sợ con hư mà cấm đoán không cho con tham gia mạng xã hội trong khi nhiều người đã tham gia trong đó có mình thì cũng không được. Tôi nghĩ, ở thời đại này mà ngăn cản trẻ vào Internet thì chỉ làm chúng thiếu thông tin, chậm phát triển.

Muốn biết và kiểm soát các hoạt động của con, hàng ngày tôi lặng lẽ vào Fb của con để nắm tâm tư, nguyện vọng để hiểu con hơn. Vào Fb của con tôi nhận thấy, đôi khi các con chỉ vì muốn thể hiện mình, hay câu like mà có những phát ngôn “sốc”, gây sự chú ý của mọi người, để rồi dẫn đến nguy hiểm vì có thể gây ra nhưng hiểu lầm trong bạn bè mà dẫn đến bạo lực. Lúc đó, tôi đã dùng nick ảo trong vai một học sinh khác để nhắc nhở, khuyên nhủ con giữ bình tĩnh, gỡ ngay những hình ảnh hoặc bài viết mang tính không lành mạnh đó đi.

Cần sự quản lý chặt chẽ của gia đình và nhà trường

Nhiều thống kê cho thấy, những học sinh, sinh viên lạm dụng Fb thì kết quả học tập kém hơn nhiều những bạn không dùng Fb. Tham gia việc định hướng giáo dục học sinh khi sử dụng trang mạng xã hội Fb, trường THPTDL Lương Thế Vinh đưa lên Website của trường những điều cấm kị khi lên FB đối với học sinh trường này được nhiều huynh và xã hội hoan nghênh.

Tuy nhiên, việc kiểm soát và xử lí người vi phạm không dễ. Vì vậy, điều quan trọng là định hướng, giáo dục các em, nhà trường đã đưa ra những điều cấm kỵ:

Tuyệt đối không được nói tục chửi bậy, hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt. Ví dụ như: Đm. Vcl, Vl,… Phải sử dụng ngôi từ trong sáng thuần Việt; Tuyệt đối không dùng Fb để nói xấu bất cứ ai; Chỉ like hay viết Status khi đã đọc kỹ nội dung. Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân của Fb sẽ bị quy trách nhiệm. Bởi vậy cần phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước Status có nội dung xấu, hoặc không lành mạnh; Tuyệt đối không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status. Bởi vậy viết status phải rõ ràng.

Dưới bảng nội quy, quy định những điều cấm kỵ khi dùng Fb của học sinh, nhà trường còn dặn thêm các em: Mọi việc đều có hai mặt. Fb là mạng chia sẻ, vui buồn đều có thể sẻ chia. Tuy nhiên việc chia sẻ này làm như thế nào là đúng còn tùy thuộc và sự thông minh, hiểu biết của mỗi người.

Phải nói rằng, đây là những điều quy định rất hay, bổ ích các nhà trường nên học tập để giúp cho mỗi học sinh khi tham gia mạng xã hội Fb có ý thức hơn. Giúp các em nhận thức rõ mặt lợi, hại của Fb để không là tín đồ ngu muội của Fb mà là người sử dụng một cách thông minh, hiệu quả. Tham gia Fb, các em cần hướng tới cái tích cực, trong sáng, lành mạnh, cái đẹp, cái có ích.

Nói về vấn đề này, cô Trần Thị Kim Phượng - Giáo viên môn Giáo dục công dân, trường THPT Bình Lục A cho biết: Không dễ gì cấm các em thôi dùng Fb bởi vậy gia đình và nhà trường cùng phối hợp trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho các em biết cách sử dụng Fb một cách có lợi nhất. Theo tôi, các bậc cha mẹ không nên chiều chuộng con quá mà mua điện thoại smartphoner, hay máy tính ở nhà trong khi không quản lý được con.

Còn với học sinh, các em nên dùng Facebook để hỗ trợ học tập, giao lưu tích cực với thầy cô, bạn bè và người thân. Tham gia mạng xã hội Fb để bàn luận những điều nhảm nhí, vô bổ trên mạng xã hội là điều không nên. Bởi vì rất có thể xảy ra những điều không hay nhưng đánh nhau chỉ vì bạn bè hiểu lầm khi chúng ta có những lời comment quá lời.

Hầu hết các em tham gia Fb ban đầu đều với mục lành mạnh là để chia sẻ và kết bạn. Song các em chưa đủ kinh nghiệm, bản lĩnh xử lý tình huống khi tung tin với mục đích câu like và bị người khác tung tin với mục đích xấu.

Vì vậy rất cần có sự kiểm soát của gia đình và nhà trường trước những điều các em nói trên Fb, khi đó cha mẹ là người giám sát, quản lý chính, nhà trường là nơi đề ra những nội quy, quy định những điều cần làm và không được làm. Để làm được tốt việc này cha mẹ cần tế nhị và là người bạn biết chia sẻ cùng con, nhà trường cần có những biện pháp xử lý, kỷ luật nghiêm minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ