Trang bị kỹ năng cho con khi tham gia mạng xã hội

GD&TĐ - Khi xã hội phát triển, công nghệ thông tin trở thành một trong những nhu cầu cần thiết đối với giới trẻ, đặc biệt là sự phát triển của các trang mạng xã hội. Vì vậy trang bị kỹ năng như thế nào khi con tham gia mạng xã hội là điều cần thiết đối với các bậc phụ huynh.

Trang bị kỹ năng cho con khi tham gia mạng xã hội

Tác hại từ mạng xã hội

Gia đình chị Loan ở Mai Dịch, Cầu Giấy (Hà Nội) cả tuần qua mất ngủ, lo lắng vì nửa đêm chuông điện thoại của gia đình reng reng inh ỏi, chiếc điện thoại di động mà anh chị trang bị cho cô con gái có hàng trăm tin nhắn khiếm nhã. Nguyên do cũng chỉ tại việc tham gia Facebook của con. Mới học lớp 7, nhưng con chị và một nhóm bạn ở lớp đã lén đăng ký tham gia mạng xã hội. Lúc đầu là trao đổi bạn bè trong lớp, trong trường. Nhưng rồi do tò mò và muốn có thêm thật nhiều bạn mà các con đã vô tư chấp nhận lời mời kết bạn của nhiều người xa lạ.

Trong chuyến đi dã ngoại, cả nhóm bạn của con chụp khá nhiều ảnh và đăng trên Facebook trong đó một số ảnh có tư thế hơi nhạy cảm. Vậy là chỉ sau một giờ có tới ngàn lượt người xem và bình phẩm.

Lúc đầu con chị còn giấu bố mẹ, anh chị chỉ phát hiện điều này khi nghe cú điện thoại lạ và được con kể lại những lo lắng của mình… Biết được sự việc của con, anh chị đã buộc lòng phải cắt điện thoại, thay đổi số và đóng Facebook của con.

Nghiên cứu của bác sĩ tâm lý Nguyễn Lan Hải cùng các cộng sự tại TPHCM đã tiến hành đối với hơn 8.000 người Việt Nam từ 10 tới 30 tuổi cho thấy, chỉ có 2% đọc kỹ điều khoản sử dụng trước khi tạo tài khoản trên mạng xã hội, 10% đọc lướt và 88% không đọc gì. Phần đông bạn trẻ cho rằng mạng xã hội giúp kết nối và hiểu biết (40%), 28% coi đó là phương tiện giải trí, 12% coi đó là công cụ giết thời gian, 9% để kết bạn mới... Khi bị “ném đá”, 100% đều cảm thấy bực tức.

Bên cạnh một số có thể bỏ qua với những lời lẽ chê bai trên mạng thì một nửa những người được hỏi cảm thấy bất mãn, 30% cảm thấy bị sỉ nhục, 40% cảm thấy mình mất giá trị, thậm chí 10% muốn chết. Nhiều người sống bằng mạng xã hội, niềm vui nỗi buồn cũng theo mạng xã hội.

Cần “vắc xin” phòng ngừa

Nhiều chuyên gia tâm lý cũng thừa nhận đây là tình trạng có thật: Nhiều phụ huynh đã gọi điện thoại “cầu cứu”, ca thán việc con mình mới chỉ học lớp 5, lớp 6 (khoảng 10, 11 tuổi) mà đã sử dụng mạng xã hội và họ nhờ giúp cách kiểm soát và bảo vệ con. Đặc biệt học sinh THCS là lứa tuổi có nhiều biến động và chịu nhiều tác động về tâm sinh lý.

Trong khi đó, thông tin trên mạng lại là thông tin một chiều, không có sự tương tác, nên điều này dễ dẫn các em đến những suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc và từ đó tác động đến hành vi, thói quen của trẻ như khiến trẻ dễ cáu gắt, sử dụng ngôn từ không phù hợp, dễ có suy nghĩ tiêu cực trước áp lực từ mạng xã hội… Ngoài ra, các em còn nhỏ, suy nghĩ còn non nớt, rất dễ bị người khác dụ dỗ, sai khiến. Vì vậy sẽ dễ dẫn đến những hiểm họa khôn lường.

Theo thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, cấm con tham gia mạng xã hội trong thời đại này là một điều không thể. Vai trò của bố mẹ là cần tìm ra vắc xin phòng ngừa các “bệnh” có thể gặp phải trên mạng. Bố mẹ phải thật sự quan tâm đến con, dành thời gian cho con, cùng con tìm hiểu về các thông tin, tình huống thường gặp trên mạng xã hội và hãy lắng nghe ý kiến, cách giải quyết của con.

Mặt khác nên cho con thấy trên thế giới cũng có người tốt, người xấu; có thông tin hay, dở, chúng ta cần giúp trẻ nhận diện. Điều quan trọng nhất là mỗi đứa trẻ cần có sự tự tin ở bản thân mình, biết tự chủ trước lời nói, hành động của mình. Trong một số trường hợp, bố mẹ có thể quản lý con bằng công nghệ sao cho tế nhị chứ không phải để phán xét, chỉ trích con trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ