Nhiều đứa con ngoan "nổi loạn" sau lưng bố mẹ. Ảnh minh họa: Hoài Nam.
Khi con “bội hứa”
Chị Bùi Thị Thu có con trai học lớp 12 ở quận 5, TPHCM. Để bảo vệ con, vợ chồng chị triệt để cấm con tham gia mạng xã hội, cháu ngoan ngoãn làm cam kết với bố mẹ. Chị theo dõi con cũng không thấy có chút biểu hiện nào là “dân mạng” nên yên tâm vô cùng.
Cho đến một ngày, chết đi sống lại chị cũng không tin con là “ông trùm” trên thế giới ảo từ game, mạng xã hội và còn là quản trị viên của của một số trang vui chơi, buôn bán. Hóa ra cháu “bập bẹ” từ thời Blog, lúc mới học lớp 6. Lâu nay chị Thu hài lòng khi con “yên phận” với điện thoại cùi bắp vài trăm nghìn không kết nối được Internet mà đâu hề biết những chiếc điện thoại thời thượng nhất đều qua tay cháu.
Chị nghẹn ngào: “Hóa ra nó lừa tôi. Nó từng thề sống chết với cha mẹ không dây dưa dưa vào mấy thứ vớ vẩn đó”.
Trong cơn bão mạng xã hội sôi sục với không ít “mảng tối”, nhiều phụ huynh cấm con lên mạng xã hội với hy vọng con tránh được những tác động xấu. Nhiều chiêu quản con được đề cập đến như cam kết với con, không cho dùng điện thoại, cắt Internet, cài đặt chế độ theo dõi… Và rồi, không ít người té ngửa khi phát hiện con mình “bội hứa”. Cũng có trường hợp một số trẻ còn làm đủ trò trên thế giới mạng mà trong mắt bố mẹ chỉ những đứa hư hỏng mới vậy chứ không thể là con mình.
Từ khi biết con gái “nổi loạn” trên “phây” như tìm bạn trai, khoe ảnh nhạy cảm, nhà chị Đặng Ngọc Anh, ở Tân Bình, TPHCM như có biến: mẹ nổi điên, con nổi loạn. Chị ra sức cấm đoán, từ răn đe, dọa nạt, tịch thu điện thoại cho đến thấy con ngồi vào máy tính là… mẹ chăm chăm vào "soi". Sau một thời gian hứa bỏ, cô con gái phản ứng dữ dội, tuyên bố có thể “từ” bố mẹ chứ không cai Facebook.
Càng cấm càng loạn?
Bà Lê Thụy Bảo Nhi, chuyên viên tư vấn học đường cho một số trường học ở TPHCM cho hay, phụ huynh Việt hay gặp phải lỗi áp ý mình lên con mà không để ý đến suy nghĩ, mong muốn, cảm xúc của trẻ. Hay nói một cách khác là thiếu dân chủ mà bỏ qua phương thức thỏa thuận, thương lượng với con.
“Tôi không cấm con tham gia mạng xã hội mà còn khuyến khích. Nhưng khi con tham gia, tôi và con thỏa thuận một số điều khoản như cần bảo vệ các thông tin cá nhân, không miệt thị xúc phạm người khác cũng như cho con biết những nguy hiểm có thể phải đối diện ở thế giới mạng”, bà Nhi nói.
Để làm được điều này, theo bà Nhi bố mẹ cần có sự tương tác thật với con cái và hơn hết chính phụ huynh cần làm gương trong việc sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả.
“Nhiều người lớn ra sức cấm đoán con nhưng bản thân mình thì chìm đắm trên mạng. Có lần nhóm bạn cũ tôi gặp mặt, tôi phải bỏ về ngồi cạnh nhau mà xa vời vợi khi ai nấy đều cắm đầu vào điện thoại lướt “phây”, bà Nhi kể.
Đặc biệt, bố mẹ cho rằng mình quản con chặt lắm, hiểu con lắm. Nhưng con làm bao nhiêu việc, đủ mối quan hệ, các suy nghĩ, tình cảm… phức tạp mà bố mẹ đâu hề hay biết bởi gắn kết gia đình rất lỏng lẻo.
Một chuyên gia tâm lý thuộc Hội quán Các bà mẹ bày tỏ, bà đã gặp nhiều phụ huynh rơi vào khủng hoảng khi phát hiện con tham gia mạng xã hội vì họ cho rằng mình cấm và theo sát con rất chặt. Họ muốn bảo vệ con trước những cạm bẫy mà quên mất rằng việc cấm các em sử dụng mạng xã hội trong thời đại này là điều không tưởng. Riêng việc bị cấm đã là chất xúc tác gây tò mò cho trẻ và thêm tác dụng ngược đẩy khoảng cách giữa cha mẹ và con cái xa hơn.
“Thua thầy một vạn không bằng kém bạn một ly”, việc cấm đoán làm các em “quê” với bạn bè và kiểu gì cũng sẽ tìm các chống đối. Một khi con cái “sống giả” với chính đấng sinh thành là thất bại, đổ vỡ của gia đình. “Tại sao con phải lén lút tham gia mạng xã hội sau lưng mình?” là câu hỏi dành cho phụ huynh chứ không phải con trẻ”, bà phân tích.
Hậu quả là các em sẽ “tự bơi” ở thế giới ảo, thiếu sự hướng dẫn, đồng hành của người lớn. Và đó là lại nguyên nhân làm cho các em dễ rơi vào “vũng đen” trên mạng. Trong sự đơn độc, các em dễ có hành vi tiêu cực khi gặp sự cố như đã xảy ra trường hợp nữ sinh tự tử vì bị tung ảnh nóng, bạn trẻ giết người vì bị nói xấu trên mạng…
Để có thể đồng hành giúp con an toàn trên mạng xã hội phụ huynh cần làm bạn với con, trước hết là ở ngoài đời sống thực. Còn không quản nổi thì cấm luôn là cách thức “quản” kém hiệu quả nhất, nhất là trong quan hệ ruột thịt thiêng liêng.