Chồng chị Oanh (Hải Phòng) rất bực mình vì vợ mua smartphone cho con và để con tham gia mạng xã hội sớm quá. Bố lôi con ra đánh một trận còn mẹ chỉ biết khóc và bảo con khóa hết tài khoản trên mạng xã hội lại.
Những rắc rối mà thế giới ảo mang đến cho đời thực của gia đình chị Lan (TP HCM) còn nặng nề hơn khi những hình ảnh và thông tin của con gái chị đăng trên mạng xã hội bị ai đó lấy lại, chỉnh sửa và đăng trên một trang web đen. Từng bị bạn mới quen trên Facebook lừa tiền, giờ thêm việc này, cô gái 16 tuổi phải thay số điện thoại, khóa tài khoản Facebook nhưng vẫn căng thẳng đến mức phải gặp bác sĩ tâm lý. Hay mới đây, một bé gái 15 tuổi ở Đồng Nai đã phải tìm đến cái chết sau khi clip nhạy cảm với bạn trai bị chính người này tung lên mạng xã hội, khiến em nhận được vô số những bình luận ác ý.
Theo các chuyên gia tâm lý và giáo dục, trong những tình huống khủng hoảng của con trẻ như thế này, vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Chia sẻ với các phụ huynh của Hội quán Các bà mẹ và trường VAAS (TP HCM), bác sĩ Nguyễn Lan Hải và chuyên gia tâm lý học đường Lê Thụy Bảo Nhi khuyên, đầu tiên, cha mẹ không nên phán xét mà hãy giang tay ôm con vào lòng.
Bố mẹ không để con rơi vào trầm cảm, tìm đến cái chết, bởi tâm lý trẻ 12-18 tuổi rất mong manh. Bên cạnh việc giúp con đóng tài khoản mạng xã hội, cha mẹ có thể hãy đóng luôn cửa nhà, đưa con đi đâu đó. Bố mẹ hãy cho con tham gia các hoạt động từ thiện, gặp những hoàn cảnh khổ hơn mình để thấy được giá trị của cuộc sống. Khi mọi chuyện đã đi qua, lúc đó cha mẹ mới có thể phân tích đúng sai với con.
Khi tham gia Facebook cũng như các mạng xã hội nói chung, giới trẻ khá thờ ơ với việc bảo vệ bản thân. Bác sĩ Nguyễn Lan Hải cùng các cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu với hơn 8.000 người Việt Nam từ 10 tới 30 tuổi. Theo đó, chỉ có 2% đọc kỹ điều khoản sử dụng trước khi tạo tài khoản trên mạng xã hội, 10% đọc lướt và 88% không đọc gì. Phần đông bạn trẻ cho rằng mạng xã hội giúp kết nối và hiểu biết (40%), 28% coi đó là phương tiện giải trí, 12% coi đó là công cụ giết thời gian, 9% để kết bạn mới...
Khi bị "ném đá", 100% đều cảm thấy bực tức. Bên cạnh một số có thể bỏ qua với những lời lẽ chê bai trên mạng thì một nửa những người được hỏi cảm thấy bất mãn, 30% cảm thấy bị sỉ nhục, 40% cảm thấy mình mất giá trị, thậm chí 10% muốn chết. Nhiều người sống bằng mạng xã hội, niềm vui nỗi buồn cũng theo mạng xã hội, đăng một bức ảnh, một câu nói được nhiều người khen thì vui, bị chê bị ném đá thì buồn cả ngày.
Bác sĩ Lan Hải nhận xét: "Giới trẻ ngày nay bị thôi thúc vào mạng xã hội, cho rằng nhờ vậy mà thế giới mới biết đến mình. Hàng triệu người trẻ đang dùng smartphone, Facebook, Instagram mỗi ngày dường như chưa bao giờ chịu học về an toàn của bản thân trên mạng. Họ phớt lờ các lưu ý cơ bản về mật khẩu, họ tên, danh tính, gia đình, số điện thoại, nhất là clip tình ái".
Chứng kiến một số tác hại của mạng xã hội, nhiều bố mẹ cấm đoán không cho con tham gia. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó là điều không tưởng. Khi mà bạn bè xung quanh đều tham gia, đứa trẻ sẽ cảm thấy thua kém bạn nếu nó đứng ngoài. Nếu bố mẹ cấm, có thể trẻ sẽ tìm cách nói dối, vì thế bố mẹ chỉ có cách chấp nhận. Việc cha mẹ có thể làm chính là giúp con "tiêm phòng vắc xin" trước khi tạo tài khoản. Là một người cha, trước khi cho con gia nhập Facebook, thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh cho con thử nghiệm với những tình huống giả định nếu như bị ném đá. Anh nói với con, vào Facebook cũng như vào chợ, ở đó cũng gặp người tốt, người xấu, nhưng con phải khẳng định những điều con đang làm là đúng. Ở đó, có những chuyện riêng tư mà con không nên chia sẻ.
Chuyên gia Lê Thụy Bảo Nhi cũng có nguyên tắc dành cho con khi tham gia mạng xã hội: Không được xúc phạm ai, không like, không comment, không share những status xúc phạm người khác, không công bố thông tin cá nhân, không vào clip đen. Khi con 9 tuổi, thấy con đánh máy tính bằng hai ngón, chính chị đã chủ động gợi ý cho con tham gia Facebook và cảm thấy rất vui khi sau đó con có thể đánh máy bằng 10 ngón, con chia sẻ những status tích cực và lạc quan.
Việc kết bạn cùng con trên Facebook cũng giúp cha mẹ hiểu nhanh tâm tư của con hơn. Chị Nhi cho rằng cha mẹ không nên phán xét nhắc nhở con trên mạng xã hội, chỉ đơn giản là một người bạn của con trên đó. Bởi nếu cha mẹ phán xét, con sẽ block cha mẹ luôn, thay đổi nick để mẹ không theo dõi. Cha mẹ làm bạn với con từ bé, con sẽ chia sẻ với cha mẹ mà không cần phải lên Facebook than thở. Là một chuyên gia công nghệ thông tin, thầy Phúc Thịnh có thể áp dụng biện pháp kỹ thuật để theo dõi con trên mạng xã hội, tuy nhiên, anh không bao giờ lấy đó để trách mắng con, anh chỉ sử dụng những thông tin này khi con có ý kiến.
Phòng ngừa trước cho con cũng là cách của thạc sĩ xã hội Phạm Thị Thúy. Con gái chị đang xin mẹ lập tài khoản Facebook, và chị hứa đến khi con học lớp 9 sẽ được tham gia. Trong thời gian trì hoãn này, chị cho con biết mạng xã hội có lợi và hại gì. Chị cho con đọc cả những vấn đề xấu của mạng, những lời chửi mắng, ném đá… và hỏi con xem sẽ xử lý như thế nào nếu mình rơi vào những tình huống đó. Chị cho rằng nếu cha mẹ giúp con định hướng tương lai, biết được mục tiêu cuộc đời của mình, lúc đó con sẽ biết tận dụng những mặt tích cực và không sa đà vào mặt trái của mạng xã hội.