Cậu bé mở cửa xe ô tô, lao nhanh tới thành cầu và nhảy xuống trong sự níu kéo bất lực của người mẹ. Mọi việc xảy ra nhanh đến mức, người mẹ tội nghiệp không có bất kì khoảng thời gian nào để thương lượng. Trước đó có thể có, nhưng có lẽ, người mẹ bận tức giận mất rồi.
Những hình ảnh trên, được camera quan sát trên cầu Lư Phố, bắc qua sông Hoàng Phố tại Thượng Hải, Trung Quốc ghi lại. Ở những phút cuối của video, người ta còn thấy người mẹ ngã gục gào khóc. Được biết, đây là một cậu nam sinh 17 tuổi, vì xảy ra mâu thuẫn với bạn học ở trường nên bị mẹ mắng.
Những đứa trẻ chịu tổn thương tinh thần hay thể xác do cha mẹ gây ra dễ có ý nghĩ đoạn tuyệt cuộc sống
Chuyện những tưởng chẳng có gì, nhưng đã cướp đi sinh mạng của một thiếu niên đường đời còn rộng mở, để lại nỗi đau, nỗi ân hận không gì bù đắp được cho người mẹ đã lỡ nặng lời. Và bi kịch đó lại không phải là điều hy hữu, hay đơn lẻ. Những đứa trẻ tự vẫn vì bị cha mẹ làm tổn thương vẫn hiện diện đâu đó trong xã hội hiện đại vốn có rất nhiều áp lực và phiền muộn.
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ đoạn nhật kí đầy ám ảnh của một cậu bé 14 tuổi đã tự tử, gần đây được lan truyền rất nhiều trên mạng. Rằng: “Năm lớp 6 mình có mối tình đầu tiên, mẹ phát hiện việc mình thích N, mẹ đọc trộm những mẩu thư ngăn bàn N viết, mẹ đến tận nhà N và yêu cầu bố mẹ N xem lại cách dạy con. Mình không còn nhớ nổi mối tình đầu của mình kết thúc ra sao.
Chỉ biết sau đấy hai đứa không bao giờ nhìn mặt nhau nữa dù còn học chung lớp đến trung học. Mãi sau này mẹ hỏi tại sao mình xa cách mẹ vậy, tại sao không tâm sự với mẹ? Vì sao? Vì mẹ đã biết quá nhiều, nên không bao giờ mẹ được quyền biết thêm bất cứ điều gì nữa cả”.
Vì sao những đứa trẻ tự tìm đến cái chết, không cho cha mẹ chúng bất cứ cơ hội nào để sửa sai? Có nhiều người nói chúng ngu dại, bồng bột, bốc đồng. Không sai, nhưng vì dại chúng mới cần cha mẹ cạnh bên, dạy dỗ. Vì chúng còn dại dột, bồng bột nên người lớn mới phải dùng những phương pháp đúng đắn để rèn luyện, để có thể chung sống hòa bình và để chúng cảm nhận đầy đủ, không sai lệch về tình yêu thương của cha mẹ.
Trẻ em tự tử vẫn xảy ra mỗi ngày trong xã hội hiện đại vốn có rất nhiều áp lực và phiền muộn. |
Chuyện con trẻ tự vẫn, lúc nào cũng khiến xã hội xôn xao. Không phải vì những đặc điểm của một tin tức “thịnh hành” như án mạng, sốc, thương tâm, mà là vì rất nhiều người thấy được chính mình trong đó.
Cha mẹ giật mình vì có lúc đã quá nặng lời với con, giật mình vì đã rất lâu họ không còn hiện diện trong đời sống tinh thần của con nữa… Còn những đứa trẻ đã từng chịu tổn thương, lại nhớ đến chính mình ngày xưa suýt nữa cũng đã đi đến bước đường đoạn tuyệt này.
Cha mẹ nào cũng mắc sai lầm, nhưng có những đứa trẻ nhạy cảm đến mức không hề cho cha mẹ chúng cơ hội sửa sai.
Theo kết quả một nghiên cứu gần đây nhất, thì có đến 70% trẻ em, thiếu niên ở độ tuổi 10 – 15 thừa nhận mình từng bị cha mẹ đánh đập. Con số đó chỉ là thống kê dựa trên các tổn thương về thể xác, trong khi đó cha mẹ bạo lực bằng lời nói, làm tổn thương tinh thần trẻ lại như phần chìm của tảng băng trôi.
Những vết roi rồi sẽ mờ đi, nhưng những lỗ hổng tâm hồn được đục khoét bằng lời nói, cách cư xử của cha mẹ có thể kéo dài và hằn mãi trong kí ức của con trẻ.
Một lần nữa, cha mẹ hãy nhìn lại chính bản thân mình. Trước khi nổi giận với con hãy suy xét thử ngày xưa khi mình còn trẻ đã từng tổn thương vì cha mẹ hay chưa, cảm giác đó thế nào, nếu thấy quá kinh khủng, xin dừng lại, đừng tiếp tục trút giận lên con.
Khi con mắc lỗi lầm, cha mẹ nên bình tĩnh tìm hướng giải quyết một cách ôn hòa bằng tình thương yêu |
Thay vì lúc nào tiếp nhận những sai lầm của con cũng nghĩ theo hướng “nó đã làm sai”, cần phải phạt, cha mẹ thử cho mình và con một khoảng thời gian đủ để bình tĩnh suy nghĩ. Sau đó nói chuyện với con về lý do mắc lỗi, hướng giải quyết.
Hãy biến mình thành chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con, để khi có bất kì ý nghĩ kinh khủng nào, con còn có thể hướng về cha mẹ mà dằn lòng, bình tâm lại. Bởi lẽ, không phải lỗi lầm nào của cha mẹ cũng có cơ hội để bù đắp. Xin đừng đẩy con đến bước đường cùng.