Vợ chồng Thủy và Khá lấy nhau đã 7 năm, có hai con, một bé hơn 6 tuổi, một bé 4 tuổi. Thủy làm kế toán cho một tập đoàn thức ăn chăn nuôi, còn Khá làm công việc hành chính nhà nước. Cuộc sống của hai vợ chồng tương đối ổn định vì Thủy tháo vát nhanh nhẹn, làm thêm cả bên ngoài nữa nên thu nhập cao.
Đều là dân tỉnh lẻ nên sau khi cưới, vợ chồng Thủy phải nhờ sự hỗ trợ nội ngoại của hai bên mới mua được căn hộ chung cư 70m2. Đến Tết năm ngoái, nhờ làm thêm ngoài khấm khá, vợ chồng Thủy đã trả hết nợ tiền mua chung cư trước đó và tích lũy thêm được gần 300 triệu.
Khá làm nhân viên hành chính nên thu nhập của anh chỉ dừng ở mức 8-9 triệu/tháng. Hàng tháng Thủy vẫn phải đưa thêm tiền cho chồng chi tiêu.
Tuy nhiên trái với tính đảm đang, thẳng thắn, biết “đối nội đối ngoại” của vợ, Khá lại có tính sĩ diện, hay khoe khoang và chi tiêu không biết tính toán, khiến vợ anh nhiều phen điêu đứng.
Với số tiền tích lũy được gần 300 triệu. Thủy định đem đi gửi tiền tiết kiệm, mỗi tháng lãi cũng được 2 triệu, ai ngờ Khá biết được nên nằng nặc đòi vợ phải mua ô tô cho bằng bạn bằng bè. Anh bảo Thủy giờ nhà nào cũng có xe, càng lớn tuổi càng oải không muốn đi xe máy nữa, chưa kể trời rét, nắng mưa có xe ô tô tiện trăm bề.
Thấy chồng đêm ngày tơ tưởng xe ô tô, Thủy cuối cùng đành phải xuôi lòng. Ảnh minh họa.
Thủy thấy vậy mới nói lại với chồng là điều kiện kinh tế chưa cho phép hơn nữa công việc của cả hai vợ chồng đâu có cần thiết phải đi ô tô, nếu về quê hay đi đâu thì thuê xe taxi hoặc Grab.
Thủy cũng phân tích cho chồng rằng lương chỉ có 8 triệu mỗi tháng chỉ đủ chi phí cho cái xe bởi nuôi xe như nhà có thêm con mọn. Hơn nữa nhà chỉ cách công ty có 5km, đường nội thành suốt ngày kẹt xe. Thế nhưng Khá hờn dỗi rồi còn dọa nếu không mua xe, sẽ chẳng đi làm nữa. Sau rồi anh nằm vạ vật, than ngắn, thở dài.
Thấy chồng đêm ngày tơ tưởng xe ô tô, Thủy cuối cùng đành phải xuôi lòng. Cô vay mượn bạn bè và người quen được 400 triệu đưa cho chồng mua ô tô.
Nhưng thay vì mua chiếc xe vừa tiền, tầm 600 triệu, Khá nằng nặc đòi vợ phải mua xe Mazda CX5 trị giá 1,1 tỷ. Đến nước này thì Thủy đành chịu vì cô không thể vay mượn thêm được. Khá gợi ý vợ thế chấp nhà để vay ngân hàng thêm 400 triệu, như vậy là tổng số tiền vay lên đến 800 triệu. Biết rằng số tiền đó quá lớn nhưng chiều chồng, Thủy gật đầu.
Từ ngày có xe, Khá suốt ngày dành thời gian chùi rửa, mua sắm đồ nội thất, từ chiếc camera hành trình đến lọ nước hoa, bọc lại toàn bộ ghế da, thảm lót sàn xe,… khiến chi phí thêm cho xe mới lên tới hơn 50 triệu đồng nữa.
Công bằng mà nói, Thủy phải thừa nhận từ ngày có ô tô tiện nhiều bề. Việc về quê nội, ngoại mỗi dịp lễ Tết, hay giỗ chạp hoặc đi đâu đều trở nên dễ dàng. Tuy nhiên, cũng từ cuối năm ngoái, thu nhập lương của Thủy bị ảnh hưởng nặng, cả hai vợ chồng cả tháng chỉ được hơn 20 triệu một chút.
Tuy không phải tốn kém chi phí thuê nhà nhưng giờ vợ chồng Thủy phải nuôi 2 đứa con nhỏ, trong đó đứa đầu chuẩn bị vào lớp một, đứa 2 đang đi học mầm non. Tính ra, cả chi phí học hành, mua sữa, quần áo cho 2 đứa mỗi tháng tiêu tốn khoảng 7-8 triệu đồng.
Ảnh minh họa.
Sang năm đứa đầu chính thức học lớp một sẽ còn tốn kém tiền học thêm. Khi ấy mỗi tháng tiền nuôi 2 đứa hết tầm 10 triệu đồng. Tính tiền sinh hoạt phí của gia đình hết 10 triệu đồng nữa.
Như thế là tiền lương 21 triệu vợ chồng Thủy tiêu sạch bách không còn đồng nào, chưa kể phải trả tiền lãi ngân hàng và tiền lãi vay từ bạn bè, người quen khoảng 5 triệu đồng/tháng, chi phí gửi xe, bến bãi, bảo dưỡng, xăng xe nuôi ô tô cũng 5-6 triệu/tháng nữa khiến Thủy cảm thấy điêu đứng.
Thật sự lúc này Thủy không biết xoay xở ra sao để có thêm 10 triệu hàng tháng để nuôi xe và trả tiền lãi ngân hàng, người quen. Cô thấy cô ân hận vô cùng với quyết định mua ô tô cho chồng của mình.