Khi chồng ngoan ngoãn nhận nấu cơm, rửa bát

GD&TĐ - Giống như mọi khi, anh về nhà đúng 7 giờ tối, phi thẳng lên gác cất cặp, thay đồ rồi xuống ăn cơm. 

Khi chồng ngoan ngoãn nhận nấu cơm, rửa bát

Nhưng hôm nay bếp lạnh ngắt, tuyệt nhiên không thấy mâm cơm dọn sẵn trên bàn, cũng không thấy chị “í ới” gì. Anh chưa kịp đi tìm thì chị xuất hiện trước cửa bếp, biểu cảm lạnh lùng: “Mình ra ngoài ăn đi, hôm nay em không nấu cơm”.

Anh vốn là người không hay để ý cảm xúc thất thường của chị, nhưng chuyện chị “đình công” việc bếp núc thực sự bất thường, anh sốt sắng đặt tay lên trán chị: “Hôm nay em mệt à, nếu mệt thì em cứ ở nhà để anh mua cháo về cho em ăn”.

Chị dứt khoát gạt tay anh ra: “Em không mệt, mà là… rất mệt! Từ nay em sẽ không nấu cơm nữa”.

Biết chị không hề mệt nhọc như những gì chị nói, anh định mở miệng để nhắc nhở về “bản giao kèo việc nhà” của hai vợ chồng, nhưng chị đã kịp “chặn họng” anh bằng một tràng bức xúc: “Hồi đấy em dại nên mới tự nhận cho mình công việc đi chợ, nấu nướng, còn anh chỉ việc rửa bát.

Nhưng anh xem, mỗi bữa anh chỉ phải rửa vài chiếc bát với đôi đũa, khoắng cái là xong. Còn em tất bật chế biến hết món này đến món khác, vài tiếng đồng hồ chưa xong, như vậy không công bằng chút nào”.

Tưởng anh sẽ ra sức đôi co với chị, nhưng không ngờ giọng anh dịu lại, hệt như thời mới yêu: “Ôi dào, anh tưởng chuyện gì! Không sao, giờ em muốn thế nào cũng được. Đi chợ và nấu cơm chứ gì, anh sẽ làm được hết, kể cả em không thích rửa bát, anh sẽ rửa cho em luôn. Từ nay em cứ việc sống sung sướng như một cô công chúa, anh nguyện làm đầy tớ cho em cả đời”.

Dù hơi “sốc” và hoài nghi trước quyết định bất ngờ của anh, nhưng lời anh thốt ra chắc như đinh đóng cột, buộc chị phải tin tưởng.

Tối hôm sau, chị cố tình về nhà muộn để tránh bị anh “nhờ vả” trong lúc nấu nướng. Vừa bước chân vào nhà, chị đã nghe giọng anh vọng ra từ bếp: “Em yêu về rồi đấy hả? Nhanh thay đồ rồi xuống ăn nhé”.

Dùng xong bữa tối, anh nhanh nhẹn gợi ý chị ra phòng khách xem tivi, bát đũa để anh xử lý nốt. Chị cũng vui vẻ đón nhận “chế độ” đặc biệt, thong thả nghỉ ngơi và lướt mạng xã hội. 

Hôm sau, chị cũng về nhà đúng giờ ăn tối. Nhưng khác với hôm trước, bữa cơm chỉ có vỏn vẹn 2 quả trứng luộc và đĩa xúp lơ xanh ngắt. Chị không khỏi thắc mắc: “Ơ, hôm nay anh bận gì mà ăn uống thanh đạm vậy?”. 

Anh gật gù: “Anh không bận gì cả, nhưng anh nghĩ sau bữa ăn dồi dào chất đạm hôm qua thì 2 tuần sau đó chúng ta chỉ nên ăn như vầy thôi em à. Nên kiêng các món thịt đỏ, chúng chứa nhiều chất béo bão hòa, do vậy làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch”.

Chị bức xúc: “Ô hay, không ăn thịt đỏ thì ít ra anh cũng phải cho em ăn cá chứ, ăn thế này sao đủ chất?”. Anh xua tay: “Ấy không! Ăn cá cũng không tốt, vì chúng được nuôi bằng thức ăn tăng trọng. Anh ngâm cứu kỹ lắm rồi, thời điểm này chúng ta chỉ nên ăn trứng và súp lơ xanh thôi em ạ. Đây là 2 loại thực phẩm an toàn và đảm bảo dinh dưỡng cần thiết để duy trì sức khỏe và độ dẻo dai cho cơ thể”.

Chị nói như mếu: “Ăn một bữa thì được, nhưng 2 tuần chỉ ăn như này chắc em chết”. Mặc chị mếu máo, anh vẫn thản nhiên giục: “Ăn nhanh đi em để anh còn rửa bát”.

Chị gào lên: “Thôi khỏi! Bát để đấy em rửa, cơm để đấy em nấu. Từ nay anh không phải làm gì nữa. Nước chấm anh pha chua sún cả răng, nhà có 3 cái bát ăn cơm, anh đánh vỡ 2 cái, còn 1 cái, giờ ai ăn ai nhịn đây? Giời ơi, số tôi khổ quá mà”.

Mặc kệ chị than giời, anh nhanh nhẹn lẻn ra phòng khách, một tay bấm điều khiển tivi, một tay phải bịt miệng để không cười thành tiếng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.