5 cách cải thiện quan hệ vợ chồng khi cùng ở nhà giãn cách do Covid-19

GD&TĐ - Đối với nhiều người, giãn cách xã hội có nghĩa là phải chia sẻ không gian chật hẹp trong ngôi nhà của mình với người bạn đời trong khi phải giải quyết nhiều vấn đề như làm việc tại nhà, chăm sóc con, thu nhập...

5 cách cải thiện quan hệ vợ chồng khi cùng ở nhà giãn cách do Covid-19

Không có gì ngạc nhiên khi có những báo cáo về tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc tăng vọt kể từ khi bùng phát Covid-19. Sự bất ổn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất an và gia tăng xung đột cho các cặp vợ chồng.

Dưới đây là 5 lời khuyên cho các cặp vợ chồng đang cảm thấy bế tắc trong mối quan hệ với nửa kia của mình khi đang trong giai đoạn giãn cách xã hội.

1. Sử dụng không gian hợp lý

Chia sẻ không gian với bạn đời trong thời gian dài có thể làm tăng áp lực và căng thẳng. Nếu không ra khỏi nhà hàng ngày, bạn có thể cảm thấy không gian bắt đầu nhỏ dần và sự khó chịu với vợ hoặc chồng có thể tăng lên nhanh chóng.

Nghiên cứu đã chứng minh rằng việc ở một mình có thể giúp thư giãn và giảm căng thẳng. Vì vậy, nên cân nhắc dành thời gian một mình đều đặn mỗi ngày, cho dù đó là đi bộ quanh sân nhà, đóng cửa một căn phòng mà bạn sẽ không bị quấy rầy hoặc tham gia vào hoạt động chỉ dành riêng cho mình bạn.

2. Sử dụng câu nói bắt đầu từ chủ từ "Tôi" 

Khi bạn và vợ/chồng bạn có bất đồng, điều quan trọng là bạn cần phải tránh buộc tội hoặc lăng mạ nhau. Một cách mà nhiều cặp vợ chồng thường vô tình làm tổn thương nhau đó chính là sử dụng câu tuyên bố bắt đầu từ chủ từ "anh/cô" thay vì "tôi".

Câu nói với từ "tôi" có thể giúp bạn truyền tải cảm xúc của bạn và thúc đẩy cuộc trò chuyện trở nên hữu ích và tích cực hơn, thay vì gây tổn thương cho cảm xúc của đối phương.

3. Tạm dừng các xung đột

Tạm dừng các xung đột không đi đến đâu và có kế hoạch giải quyết khi đã bình tĩnh trở lại. Khi mâu thuẫn trở nên gay gắt, nhiều cặp đôi có phản ứng tiêu cực như đánh nhau, bỏ đi hoặc im lặng.

Nếu bạn nhận thấy bạn hoặc bạn đời của mình đang tức giận hoặc đau khổ khi tranh luận, hãy yêu cầu tạm dừng để cả hai có cơ hội suy nghĩ lại và hẹn thời gian để quay lại cuộc thảo luận khi cả hai tỉnh táo, khỏe mạnh và bình tĩnh hơn

4. Nhìn lại mình

Nếu bạn thấy mình vẫn tiếp tục có xung đột với bạn đời, hãy tự hỏi bản thân, mình đóng vai trò gì trong cuộc xung đột này? Có thường xuyên cằn nhằn vợ/ chồng của mình khi cảm thấy lo lắng không? Có đóng cửa, hoặc tránh né khi cảm thấy áp lực không?

5. Thừa nhận điểm mạnh của đối phương

Cố gắng thừa nhận điểm mạnh của nhau. Bạn đời của bạn có những kỹ năng đặc biệt nào để vượt qua thời kỳ khó khăn? Để ý xem họ có những điểm mạnh nào mà bạn ngưỡng mộ.

Nếu họ là người phụ trách việc học ở nhà cho bọn trẻ, đi chợ trong khi bạn làm việc, hãy đánh giá cao và khen ngợi khả năng xử lý các tình huống khó khăn của họ.

Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh, đánh giá cao điểm mạnh của người khác sẽ khiến mối quan hệ của họ tốt hơn. Việc thừa nhận những tích cách tích cực của đối tác sẽ tạo ra nhiều tình cảm tốt đẹp hơn giữa hai người.

Mặc dù những lời khuyên này sẽ giúp bạn giảm thiểu xung đột trong mối quan hệ của mình, nhưng hãy nhớ đừng mong đợi sự hoàn hảo. Bây giờ đang là thời điểm căng thẳng, chắc chắn bạn sẽ mất kiên nhẫn và cảm thấy thất vọng. Hãy cố gắng cùng nhau vượt qua chặng đường khó khăn này, tất cả chỉ là tạm thời mà thôi. 

Theo theconversation.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ