Tập thơ của chàng trai tật nguyền người Thái
Đó là buổi ra mắt tập thơ đặc biệt và kỳ lạ nhất mà tôi từng biết đến. Không sân khấu to đẹp, không có những vị khách mời đặc biệt của giới văn nghệ sĩ. Đó là khoảng sân con của nhà văn hóa cộng đồng bản Can, xã Tam Thái, huyện Tương Dương, Nghệ An. Chiếc bóng đèn compact sáng trắng. Mấy cây mét dựng lên, treo tấm bạt ghi dòng chữ “Ra mắt tập thơ Đi tìm giấc mơ”. Trang trí xung quanh là mấy dây bóng đèn nháy và chùm bong bóng màu sắc xanh, đỏ, tím vàng. Tác giả cuốn sách – Lương Văn Thưởng - nửa nằm, nửa ngồi trên chiếc ghế tự chế. Hôm ấy, cũng là ngày sinh nhật tròn 38 tuổi của chàng trai người dân tộc Thái này.
Lời giới thiệu, cũng là lời tự bạch chất chứa bao nỗi niềm, ước mơ của chàng trai có số phận nghiệt ngã. Anh bị liệt từ nhỏ. Chân tay teo nhỏ lại, gầy khẳng khiu. Cuộc sống của anh gắn liền với chiếc xe lăn tự chế của người cha quá cố đóng cho. Nói là xe lăn nhưng phải có người đẩy mới di chuyển được, còn chức năng chủ yếu là để đỡ thân thể yếu ớt, không có sức trụ. Những gì anh nhìn được bằng mắt, là qua ô cửa sổ nơi ngôi nhà sàn nghèo ở bản làng này. Nhưng điều đó không ngăn được tâm hồn anh cảm nhận, yêu thương sự sống với những rung động và ấp ủ ước mơ thầm kín của mình.
Những bài thơ được Lương Văn Thưởng viết, đăng lên Facebook. Sau khi có một gia tài kha khá về thơ, anh nghĩ đến việc tập hợp lại và xuất bản thành sách. Được sự hỗ trợ của người thân và giúp đỡ của rất nhiều bạn Facebook, tập thơ Đi tìm ước mơ vừa được Nhà xuất bản Lao Động ấn hành tháng 10/2018. Tập thơ gồm 78 bài thơ theo thể loại lục bát và song thất lục bát.
|
Sống có ý nghĩa
Lương Văn Thưởng lúc sinh ra là một đứa bé khỏe mạnh bình thường. Nhưng năm học lớp 3, sau một trận sốt nặng và co giật đã làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của Thưởng. Di chứng của cơn sốt quái ác để lại là chân tay của Thưởng ngày càng teo lại, người co rút, không thể tự mình đi lại, vận động được nữa. “Lúc đó mình sợ lắm, cứ cố bò ra khỏi giường để đứng dậy đi. Nhưng được vài bước lại ngã, chân đau không chịu nổi”, Thưởng kể. Mọi nỗ lực, cố gắng đổi lấy những cơn đau buốt, cuối cùng, Thưởng đành phải nằm một chỗ.
Từ một người khỏe mạnh, hiếu động, Lương Văn Thưởng trở thành người tàn tật, mọi sinh hoạt từ tắm rửa, ăn uống đều phải dựa vào người khác. Bố mẹ thay phiên nhau nghỉ rẫy để ở nhà chăm sóc con trai tàn tật. Cậu học trò lớp 3 cũng đành phải nghỉ học, từ bỏ việc đến trường.
Bộ phận duy nhất trên cơ thể còn cử động được linh hoạt là bàn tay phải, còn tay trái chỉ hơi nhúc nhích được chút ít. Thưởng cố gắng cầm bút, như một cứu cánh đời mình. Đầu tiên là viết để nhớ mặt chữ, để khỏi bị tái mù, rồi sáng tác thơ. Với quyển vở nhỏ, anh cố gắng viết, nét chữ không còn được tròn trịa nữa, mà nguệch ngoạc, khó khăn. Cuốn vở nhàu nát, quăn mép, nhưng trong đó là những bài thơ anh viết với tất cả nỗi lòng. Nhờ người gửi cho báo, nhận tin có hai bài được đăng trong tạp chí “Quê hương tôi” của Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, Thưởng mừng rơi nước mắt. “Quê tôi xứ Nghệ vùng cao/ Ruộng này nuôi lớn biết bao lớp người/ Quanh năm chim hót em cười/ Rừng cây hoa lá xanh tươi bốn mùa/ Chợ phiên nhộn nhịp bán mua/ Trái cây rau, củ thi đua nhau trồng”. Đó là động lực lớn cho anh tiếp tục cầm bút, tìm thấy niềm vui và có chút hi vọng, đợi chờ trong cuộc sống.
|
Rồi anh tiết kiệm, gom góp từ khoản trợ cấp của Nhà nước dành cho người khuyết tật để mua một chiếc điện thoại, lập Facebook và đăng thơ của mình cho bạn bè cùng đọc. Mạng Internet đã kết nối chàng trai người dân tộc Thái ở bản làng miền Tây xứ Nghệ đến với mọi người. Giúp anh tự tin hơn, được chia sẻ, đồng cảm nhiều hơn. Ngày ra mắt tập thơ, có người bạn từ tận Sài Gòn xa xôi bay ra Nghệ An để chia vui với chàng thi sĩ của bản. Buổi ra mắt thơ đó, cũng là các bạn thanh niên của bản Can tổ chức cho đấy, Thưởng phấn khởi khoe.
Cuộc sống của anh là chuỗi dài những nỗ lực, cố gắng từng ngày và liên tục: Từ cầm bút viết, gõ bàn phím hay xúc một thìa cơm… Những điều đó đã khiến anh nhận được sự yêu thương, khâm phục từ mọi người. Giờ đây, Thưởng đã có thêm một chiếc máy tính và xe lăn mới cũng là bạn bè và nhà hảo tâm các nơi gửi tặng cho. Anh đã có một góc sáng tác riêng của mình dưới ngôi nhà sàn, giúp anh thuận tiện trong liên lạc, chia sẻ thông tin, giới thiệu tác phẩm mới của mình cũng như bán sách. Anh cũng đang cố gắng học dựng clip để đưa những hình ảnh đẹp về bản làng, quê hương lên YouTube.
Đến hôm nay, sau hơn 1 tuần ra mắt tập thơ, Thưởng đã bán được hơn 100 cuốn/600 cuốn đã xuất bản. Trong nhiều giấc mơ mà anh vẫn đang đi tìm, thì ước mơ gần nhất, thiết thực nhất là từ tiền bán sách, anh có thể mua một chiếc xe lăn điện. Lương Văn Thưởng trầm ngâm: “Bố mình đã mất rồi, giờ mình sống với mẹ đã già và em trai có 2 cháu nhỏ. Em dâu vì bệnh hiểm nghèo nên đã mất. Nếu có xe lăn điện, mình sẽ đi được xa hơn, có thể đến được các khu chợ, hoặc nơi đông người bán hàng rong kiếm thêm tiền nuôi mình, nuôi mẹ, bớt gánh nặng cho em trai”. Số phận có thể bất hạnh, không may mắn, nhưng Lương Văn Thưởng đã chọn cách không từ bỏ để sống tiếp một cuộc sống có ý nghĩa.