Bản sắc người Hoa ở Chợ Lớn

GD&TĐ - Trải qua bao thăng trầm lịch sử, cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn (TPHCM) vẫn lưu giữ, bảo tồn, phát triển những nét văn hóa riêng đặc sắc của dân tộc mình, góp phần làm phong phú thêm sinh hoạt văn hóa ở TPHCM nói riêng và nền văn hóa đa sắc tộc Việt Nam nói chung.

Chùa Bà Thiên Hậu - Chợ Lớn
Chùa Bà Thiên Hậu - Chợ Lớn

1. Theo dòng lịch sử, người Hoa đến vùng đất Nam bộ nói chung, Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng vào thế kỷ 17. Sau hơn ba thế kỷ góp mặt xây dựng và phát triển, những người Hoa ở Chợ Lớn đã không chỉ làm thay đổi diện mạo cảnh quan mà còn tạo nên những giá trị đặc sắc về đời sống văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa tâm linh nơi đây.

Chính họ là những chủ thể, đã khai khẩn, khởi dựng nên một trung tâm China Town sầm uất với những cửa hiệu buôn bán tấp nập, những cơ sở sản xuất hàng hóa có thương hiệu uy tín, những ngân hàng, rạp hát, chùa chiền, võ đường, phố thuốc Bắc, bệnh viện Đông, Tây y, khách sạn, nhà hàng, phố ẩm thực… đậm đà bản sắc truyền thống Trung Hoa…

Một trong những ấn tượng văn hóa người Hoa nổi bật ở Chợ Lớn xưa và nay, trước tiên phải kể tới những công trình kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc chùa, miếu (người Hoa gọi là hội quán).

Kiến trúc chùa, miếu của người Hoa Chợ Lớn thường theo dạng chữ “Tam”, hay “nội cong ngoại quốc”. Nổi tiếng nhất, cổ xưa nhất trong số những công trình kiến trúc chùa, miếu chính là chùa Bà Thiên Hậu, còn gọi là Tuệ Thành Hội Quán (số 710 đường Nguyễn Trãi, quận 5) được nhóm người Hoa gốc Quảng Châu đóng góp xây dựng vào năm 1760.

Về sản xuất hàng hóa, người Hoa Chợ Lớn rất chú trọng phát triển những ngành nghề sản xuất thủ công truyền thống như: Gốm, gạch ngói, dệt lụa, dệt vải, làm giấy, bút mực, in ấn, thuộc da…

Đến nay, qua những người thợ tài hoa được truyền nghề từ thế hệ này đến thế hệ khác, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã trở thành những mặt hàng được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài ưa chuộng bởi sự tinh xảo, mỹ thuật, chất lượng.

Nói về văn hóa ẩm thực, từ lâu người Sài Gòn đã có câu: “ăn quận 5, nằm quận 3” với ý nghĩa xem vùng Chợ Lớn là một “thiên đường ẩm thực” của người Hoa, với cả trăm món ăn ngon mang đậm hương vị Trung Hoa truyền thống như: há cảo, sủi cảo, bánh bao, hủ tiếu sa tế, mì vịt tiềm, gà ác tiềm thuốc Bắc, cơm Triều Châu, cháo Tiều, heo quay, vịt quay, phá lấu, mì kéo sợi (mì kungfu), hàu chiên trứng, mì cá viên cà ri… 

 

2. Đến cư trú, lập nghiệp ở khu vực Chợ Lớn, người Hoa đã mang theo những phong tục, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội, văn học nghệ thuật để tạo nên một đời sống văn hóa tinh thần rất đa dạng, phong phú, độc đáo và đặc sắc.

Đặc biệt là nghệ thuật múa lân - sư - rồng, một loại hình nghệ thuật đường phố rất phổ biến, có từ lâu đời, gắn liền với phong tục, tập quán và các lễ hội truyền thống, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung Thu, bởi đối với người Hoa đây là ba linh vật tượng trưng cho sự may mắn, phát đạt, thịnh vượng, hanh thông, hạnh phúc.

Ngay khi ổn định an cư ở Chợ Lớn, người Hoa đã bắt đầu thành lập các đoàn múa lân - sư - rồng nhưng ban đầu mỗi đoàn chỉ có duy nhất một con lân để biểu diễn phục vụ cộng đồng vào dịp lễ, Tết. Múa - lân - sư - rồng là một môn nghệ thuật đòi hỏi người biểu diễn phải có thể lực và trải qua quá trình luyện tập võ thuật rất công phu, với mỗi đoàn lại có những môn phái võ khác nhau, nhưng đều là những môn phái võ có nguồn gốc Trung Hoa truyền thống.

Múa lân được chia làm hai loại là Nam sư và Bắc sư, khi biểu diễn được chia thành hai trường phái là Phật Sơn và Hạt Sơn. Trong đó Nam sư có 5 loại lân được sử dụng hình ảnh và màu sắc khác nhau, tượng trưng cho 5 vị danh tướng nổi tiếng trong Tam Quốc, đó là Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, Hoàng Trung, Triệu Vân.

Theo một võ sư của một đoàn múa lân - sư - rồng cho biết, lân múa theo phái Phật Sơn thuộc “hổ báo hình”, mô phỏng theo điệu bộ của loài hổ, báo với những động tác rất oai phong mạnh mẽ, thích hợp múa dưới đất. Lân múa theo phái Hạt Sơn thuộc “long hình”, mô phỏng theo hình dáng, động tác của loài mèo rất nhanh nhẹn, uyển chuyển, nhẹ nhàng, thích hợp múa trên cao.

Khi biểu diễn ngoài đường phố, tùy theo không gian của từng địa điểm rộng, hẹp khác nhau từng đoàn lân - sư - rồng vận dụng từng bài, từng đoạn, từng cách múa sao cho phù hợp; có thể chỉ múa lân, múa sư hoặc cùng lúc kết hợp múa cả ba vật linh này và không thể thiếu ông Địa. Theo quan niệm của người Hoa, ông Địa là hiện thân của Đức Di Lặc một vị Phật hiền lành phúc hậu, lúc nào cũng tươi vui, đem lại sự may mắn, hạnh phúc đến cho mọi người.

Hiện nay, ở khu vực Chợ Lớn có rất nhiều đoàn lân - sư - rồng không chỉ nổi tiếng trong nước, mà còn cả trong khu vực Đông Nam Á qua những cuộc tranh tài trong khu vực, như đoàn lân - sư - rồng Nhơn Nghĩa Đường, Liên Hoa, Hào Dũng Đường, Minh Hào Đường, Liên Nghĩa Đường, Phước Anh Đường…

Biểu diễn múa rồng trong lễ hội đường phố Chợ Lớn

Biểu diễn múa rồng trong lễ hội đường phố Chợ Lớn

3. Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Hoa ở Chợ Lớn, việc thờ cúng các nhân thần và nhiên thần đã trở thành hai hệ thống thần linh trong đức tin, tín ngưỡng ăn sâu vào tâm thức bao đời nay.

Các thánh nhân (nhân thần) như Quan Công, Bao Công, Bổn Đầu Công, bà Thiên Hậu, Quan Âm Bồ Tát cùng các nhiên thần như Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thổ Công, Táo Quân, Thần Tài, Phật Di Lặc… đều được họ truyền tụng tôn thờ một cách thiêng liêng tại gia và tại các công trình kiến trúc tâm linh chùa, miếu…

Chính đời sống văn hóa tâm linh, mang đậm nét truyền thống Trung Hoa thiêng liêng huyền ảo và gắn kết với đời sống nhân sinh này, đã tạo cho cuộc sống cộng đồng người Hoa Chợ Lớn tồn tại như một nhóm xã hội đặc thù, vừa hòa nhập với các dân tộc bản địa, vừa giữ được bản sắc văn hóa riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.