Sở hữu hơn 135 bài báo khoa học quốc tế cùng hướng nghiên cứu được đánh giá là tối cần thiết cho xã hội - dược liệu kháng ung thư tuyến tụy, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) vừa được vinh danh ở Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam 2021.
Cái duyên với khoa học
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai được vinh danh Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam 2021 dựa trên những công trình nghiên cứu phát hiện và phát triển thuốc mới; nghiên cứu các công nghệ chiết xuất hoạt chất và phát triển các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe từ dược liệu Việt Nam. Hướng nghiên cứu này GS Mai đã theo đuổi ngay từ khi bà theo học tiến sĩ ở Nhật Bản vào năm 2002 theo Đề án 322.
“Tôi học tiến sĩ ngành Dược tại Viện Nghiên cứu thuốc thiên nhiên, Đại học Y Dược Toyama, Nhật Bản. Quá trình học tại đây, tôi được lĩnh hội nhiều kiến thức về hóa hợp chất thiên nhiên, hóa dược và các ứng dụng để phát triển sản phẩm hỗ trợ sức khỏe từ dược liệu thiên nhiên của Nhật Bản.
Ngay khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, trở về công tác tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM (2005), tôi nhận thấy hướng nghiên cứu về hóa hợp chất thiên nhiên tại Khoa Hóa học mặc dù có từ lâu đời nhưng chủ yếu chỉ quan tâm đến cấu trúc hóa học của các hợp chất thiên nhiên chứ chưa thật sự quan tâm đến hoạt tính sinh học của chúng. Do đó, tôi đã bắt tay vào triển khai hướng nghiên cứu về hóa dược”, GS Mai cho biết.
Đắm mình vào nghiên cứu khoa học dược liệu, GS Mai nhận thấy rất nhiều tiềm năng vì Việt Nam có nhiều dược liệu quý, hiếm nhưng vẫn chưa được nghiên cứu chuyên sâu. Công trình mà GS Mai tâm đắc nhất là chuỗi nghiên cứu về các sản phẩm của loài ong nuôi ở Việt Nam. Trong quá trình làm việc, nhóm nghiên cứu của GS Mai đã phát hiện nhiều hợp chất kháng ung thư tụy mới từ keo ong không ngòi đốt (Trigona minor) cũng như chứng minh được tác dụng kháng viêm khớp, giảm đau của nọc ong mật (Apis mellifera) trên động vật thực nghiệm.
“Qua các kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu tập trung khai thác các sản phẩm như keo ong, nọc ong làm nguyên liệu hóa dược ở trang trại nuôi ong vừa giúp tăng thu nhập cho nông dân, vừa góp phần tăng cường sức khỏe của cộng đồng, giúp chủ động nguồn nguyên liệu hóa dược trong nước và giảm nhập khẩu thuốc. Nhóm chúng tôi đã đạt được Giải thưởng Quả cầu vàng năm 2017 và Giải thưởng Sáng tạo TPHCM năm 2019 từ chuỗi nghiên cứu này”, GS Mai chia sẻ.
Khi còn làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, GS Mai đã quan tâm và tìm hiểu về việc nghiên cứu phát triển thuốc điều trị ung thư tụy theo cơ chế nuôi cấy tế bào trong điều kiện thiếu dưỡng chất – một cơ chế đặc thù của tế bào ung thư tụy. Vì vậy, trở về Việt Nam, bà đã có hơn 15 năm hợp tác với những giáo sư cũ ở Nhật Bản thông qua chương trình sàng lọc để tìm kiếm những dược liệu và hợp chất có tác dụng kháng tế bào ung thư tụy.
“Cho đến nay, nhóm chúng tôi đã phát hiện gần 30 dược liệu trong nước có tác dụng kháng tế bào ung thư tụy trong điều kiện thiếu dưỡng chất, từ đó phân lập và xác định được cấu trúc của hàng trăm hợp chất. Trong đó có hơn 50 hợp chất có cấu trúc mới lần đầu tiên được công bố trên thế giới. Hiện, chúng tôi hoàn thiện một công trình nghiên cứu từ cơ bản đến phát triển sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư tụy từ củ ngải bún ở An Giang”, GS Mai nói.
Khát vọng xây dựng cộng đồng khoa học
Đang phải đảm nhiệm cùng lúc 2 vị trí quản lý (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TPHCM) nhưng hễ có thời gian rảnh, GS Mai lại thu xếp để vào phòng thí nghiệm tiếp tục các nghiên cứu chuyên sâu của mình.
Theo GS Mai, dù được thiên nhiên ban tặng nhiều loại dược liệu quý hiếm nhưng việc nghiên cứu phát triển thuốc ở Việt Nam rất khó khăn, vì vẫn chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu để sản xuất thuốc, hầu hết phải nhập khẩu. Do đó, trong giai đoạn này, bà cùng các cộng sự chủ yếu tập trung vào việc nghiên cứu phát hiện các hợp chất có hoạt tính sinh học và công nghệ chiết xuất hoạt chất để phát triển các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe.
“Thời gian qua, tôi cộng tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để triển khai nghiên cứu phát triển thuốc. Bản thân tôi luôn mong muốn các kết quả nghiên cứu cơ bản của mình có thể phát triển thành sản phẩm hỗ trợ sức khỏe hoặc là thuốc điều trị bệnh. Do vậy, sau thời gian cố gắng tôi và cộng sự đã triển khai một số nghiên cứu ứng dụng và đến nay đã hoàn thành được 2 sản phẩm hỗ trợ ung thư đường tiêu hóa và viêm khớp từ dược liệu trong nước”, GS Mai cho hay.
Với GS Mai, làm nghiên cứu khoa học ngoài đam mê cần phải có động lực và cơ chế hỗ trợ tốt, nhất là có được người thầy giỏi. Vì vậy, trong mỗi giờ lên lớp hay thực hiện hoạt động nghiên cứu, bà đều cố gắng sắp xếp vào đội ngũ của mình những sinh viên đam mê hoạt động nghiên cứu và sẵn sàng đương đầu thách thức. Bởi bà quan niệm, chỉ có trải nghiệm thực tế, đặt mình vào trong từng dự án nghiên cứu, sinh viên mới có kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm.
“Thật ra, từ lúc chọn trường thi đại học tôi vẫn chưa nghĩ sau này mình trở thành một giảng viên và nhà khoa học như bây giờ. Hồi đó, tôi rất thích ăn mì tôm và mong muốn giản dị rằng sau này mình sẽ làm việc trong lĩnh vực chế biến thực phẩm nên đã thi vào ngành Hóa học của Trường ĐH Tổng hợp TPHCM. Tuy nhiên, khi vào học, tôi may mắn gặp được những người thầy giỏi, luôn tạo cho sinh viên cơ hội nghiên cứu khoa học và phát triển bản thân.
Niềm say mê với công tác nghiên cứu cuốn mình đi lúc nào không hay để rồi dần dà trở thành một thói quen, niềm đam mê và cả hạnh phúc. Điều tôi muốn chia sẻ với các bạn sinh viên là hãy cháy hết mình cho đam mê khoa học. Có thể thất bại, vấp ngã… nhưng đứng lên được, khám phá ra chân trời khoa học, hay hoàn thành một chương trình nghiên cứu, các em sẽ cảm thấy hạnh phúc và tự hào về con đường mình chọn. Quan trọng hơn sự trưởng thành của mỗi cá nhân sẽ là nền tảng để xây dựng một cộng đồng khoa học trẻ trong từng nhà trường”, GS Mai nhắn nhủ.