Video: Cuộc sống muôn vàn khó khăn và thiếu thốn ở buôn Lách Ló, xã Nam Ka, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Đặc biệt là cảnh các cô và trò thiếu nước sạch sinh hoạt, phải đi xin của bà con dân bản hoặc ra suối xách về rất vất vả.
Không đường ô tô
Giữa bạt ngàn xanh thẳm của núi rừng Nam Ka, người ta tưởng như ở đây chỉ có sự sống của muông thú, chim ca vượn hót... Vậy mà, trong thung lũng ấy lại tồn tại một cộng đồng dân cư hết sức đặc biệt. Đó là Buôn Lách Ló, xã Nam Ka, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
Buôn gồm 55 hộ, 234 nhân khẩu. Trong đó có tới 99% hộ nghèo và cận nghèo, hầu hết người lớn nơi đây đều mù chữ.
Theo anh Y Đua Bdap (Ma Khiếu) Công an viên của Buôn, trong kháng chiến chống Mỹ, Lách Ló là một căn cứ kháng chiến quan trọng, nơi đây đã che chở, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng, là hậu phương để giải phóng quê hương, đất nước.
“Ngày nay, người dân Lách Ló gặp nhiều khó khăn, do không có đường ô tô đi vào. Đời sống dân sinh vẫn chủ yếu là tự cung, tự cấp. Mà sản xuất nông nghiệp thì phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, nên có muốn thay đổi để phát triển cũng khó khăn. Hơn nữa, hầu hết người lớn, chủ gia đình không biết chữ, dẫn đến việc tiếp thu các chủ trương, chính sách… gặp rất nhiều khó khăn”, anh Ma Khiếu chia sẻ.
Còn theo Ama Nhân buôn trưởng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, nhiều lần vận động bà con đến khu định cư mới, nhưng người dân nơi đây đã sinh sống, lập nghiệp bao đời nay rồi, chúng tôi muốn được ở lại trên mảnh đất của cha ông để lại, và tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết của buôn làng.
“Được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm, người dân chúng tôi mừng và cảm ơn nhiều lắm. Trước đây, không có điện, không có đường, không có trường… hầu như chúng tôi không biết gì về thế giới bên ngoài. Giờ thì Nhà nước đã cho điện, làm đường dân sinh… và cho xây điểm trường để các cháu học tập, vui chơi như vậy là mừng lắm rồi”, Ama Nhân xúc động.
Được biết, dù đời sống gặp nhiều khó khăn, lại sống ở khu bảo tồn thiên nhiên với bạt ngàn “lâm sản quý”, nhưng những năm gần đây, dưới sự vận động của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, 100% hộ dân đã hứa không khai thác lâm sản trái phép, không đốt, phá rừng làm nương rẫy.
Thực tế, để vào được Lách Ló, ngày nay đã có chút thuận lợi hơn trước vì nhờ “đi ké” đường tuần tra, bảo vệ rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Na Ka. Tuy nhiên, chỉ có thể đi xe gắn máy, còn ô tô thì không thể vào được. Nếu gặp mùa mưa, ngay cả xe máy, muốn di chuyển cũng phải quấn “xích chó” quanh bánh xe và có tay lái vững mới có thể vượt qua hơn 10km đường rừng.
Trước đây, muốn vào nơi đây, hầu như phải đi bộ đường rừng với nhiều hiểm trở, trơn trượt.
Khát khao đổi thay từ giáo dục
Hiện nay, tại Lách Ló có 2 điểm trường, gồm điểm Trường Mầm non Hoa Hướng Dương và điểm Trường Tiểu học N’ Trang Lơng, lớp ghép 1-3, gồm 16 học sinh (không có học sinh lớp 2).
Cả 2 điểm trường nằm sát vách, chỉ có phòng học với các thiết bị hỗ trợ tối thiểu. Trong đó, điểm trường tiểu học thì không hề có khu vệ sinh, sân chơi, bãi tập. Điểm trường mầm non có khu vệ sinh, nhưng không thể sử dụng… vì không có nước sinh hoạt.
Được biết, điểm trường tiểu học, các em học sinh được học lớp ghép ở 3 lớp (lớp 1 đến lớp 3), từ lớp 4, các em sẽ được chuyển ra điểm chính, cách buôn hơn 20km đường rừng.
Còn điểm trường mầm non hiện đang chăm sóc, giáo dục cho 27 cháu, gồm 3 độ tuổi, trong đó 5 tuổi có 7 cháu; 4 tuổi có 8 cháu, số còn lại là 2 tuổi và 3 tuổi. Ngoài ra có 1 số cháu 1 đến 2 tuổi theo anh chị đến trường.
Để duy trì sĩ số, các thầy cô nơi đây không chỉ làm tròn trách nhiệm của một người thầy, họ phải biến mình thành người cha, người mẹ, người bạn của các em. Tìm mọi cách để “dụ dỗ” cha mẹ cho các em đến lớp.
Hành trang của 2 cô giáo mầm non H" Bích Du và Hoàng Thị Cẩm Vân khi đến từng hộ gia đình để động viên cho con đi học, luôn có túi kẹo, bánh. “Không thể để các em theo cha mẹ lên nương rẫy được, vừa tội, vừa mất an toàn. Chúng tôi phải chắt chiu, dành dụm từng đồng lương ít ỏi để khi có dịp ra ngoài trung tâm là mua ít quà, ít kẹo bánh để “thưởng” khi các cháu chịu đi học. Hầu hết, các cháu đều háo hức lắm”, cố H’ Bích Du tâm sự.
Cô giáo H" Bích Du (sinh năm 1985, xã Bông Grang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), ra trường 7 năm, mới được tuyển dụng 2 năm nay. Là người con của địa phương, nên ngay sau khi được tuyển dụng, H" Bích Du đã xung phong vào buôn để dạy học.
Còn theo cô Vân, em xung phong vào cắm bản đã được 2 năm, thấy các cháu thương quá, điều đó thôi thúc chúng em vượt qua nỗi buồn và khó khăn, chấp nhận làm quen với cuộc sống không internet, mạng xã hội để tìm cho các cháu được đến trường.
“Cùng trang lứa, nhưng những đứa trẻ nơi đây thiệt thòi trăm bề, giờ mình không nỗ lực để mang tình yêu đến với các em, thì sau này các em lại càng thua thiệt với xã hội. Dù khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, nhưng chúng em vẫn sẽ kiên trì bám trường, bám lớp để các cháu được vui chơi, học tập”, cô Vân chia sẻ.
Để duy trì vệ sinh trường lớp, dụng cụ học tập, đồ chơi cho các bé mầm non cũng như sinh hoạt hằng ngày, 2 cô phải đi xin nước ở các hộ dân hoặc ra suối lấy nước.
Trước những khó khăn, thiếu thốn trăm bề mà cô và trò ở buôn Lách Ló, xã Nam Ka, huyện Lắk đang từng ngày gánh chịu, Văn phòng Báo GD&TĐ khu vực Miền Trung – Tây Nguyên đã phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk tổ chức chương trình “Gala thiện nguyện Thương mến Tây Nguyên” nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân và các mạnh thường quân cùng chung tay xây dựng một công trình nước sạch để phục vụ cô và trò ở buôn Lách Ló cũng như hỗ trợ những công trình về giáo dục ở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và các địa phương khác ở mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió...