Khát vọng chấm dứt phân biệt chủng tộc

GD&TĐ - Xuyên suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, nhiều nhân vật có các phát minh làm thay đổi cả thế giới.

Những trang sách sinh động của tác phẩm 'Chiếc micro của Martin Luther King'. Ảnh: Anh Sơn
Những trang sách sinh động của tác phẩm 'Chiếc micro của Martin Luther King'. Ảnh: Anh Sơn

Xuyên suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, nhiều nhân vật có các phát minh làm thay đổi cả thế giới. Gắn với họ sẽ luôn là những đồ vật tưởng chừng vô giá trị, thế nhưng chúng lại là nhân chứng lịch sử quan trọng.

Dựa trên ý tưởng này, tác phẩm “Chiếc micro của Martin Luther King” cũng như series “Báu vật của danh nhân” đã được ra đời, kể cho độc giả những câu chuyện lịch sử có một không hai.

Cuốn sách “Chiếc micro của Martin Luther King” lấy bối cảnh ở một khu phố nhỏ với nhân vật chính là hai chị em Digby và Hester. Là cư dân gần khu chợ huyên náo, nơi có những nhân vật thú vị không kém, Digby và Hester thường xuyên được họ kể cho nghe những mẩu chuyện hay và ý nghĩa.

Đặc biệt, Digby còn được miêu tả “là cậu bé thích sưu tầm đồ cổ” nên gian hàng đồ cổ của bác Rummage luôn là nơi quen thuộc đối với hai chị em. Tại gian hàng của bác Rummage, Diby và Hester không chỉ tìm thấy những món đồ cổ độc lạ, mà còn có thể đóng vai, hóa thân thành chính những con người lịch sử trong câu chuyện mà bác Rummage kể.

“Ở gian Thời trang Xưa Thứ thiệt của cô Chrissy, Digby và Hester có thể tìm được mọi thứ quần áo mình cần để sắm vai các nhân vật trong những câu chuyện của bác Rummage”. Vậy nên, một đồ vật mới tương ứng với một nhân vật lịch sử mới được tái hiện qua lời kể cuốn hút của bác Rummage cùng những màn tung hứng đáng yêu của hai chị em Digby, Hester hứa hẹn sẽ cuốn hút độc giả từ trang sách đầu tiên đến trang sách cuối cùng.

Tiếp đến, tác phẩm còn đưa chúng ta ngược thời gian để gặp một trong những nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng nhất mọi thời đại: Martin Luther King. Mở đầu, độc giả được bước vào một khung cảnh quen thuộc với hai nhân vật chính: “Sáng thứ Bảy hằng tuần, chợ Hè Phố lại trở nên sống động. Những người bán hàng trên đường phố dường như đã ở đó ngay từ lúc hừng Đông”.

Nổi bật giữa cả khu chợ là gian hàng của bác Rummage, vì trong khi mọi người cố gắng bán những thứ đắt tiền hoặc thiết yếu để có lãi, bác Rummage lại “có một gian hàng xếp bộn bề những thứ đồ chẳng ai cần đến”.

Trong gian hàng toàn những món đồ tưởng chừng vô giá trị ấy, Digby và Hester đã tìm thấy cả một kho báu về tri thức, khi qua từng đồ vật khác nhau, một câu chuyện lại mở ra. Lần này, chiếc “micro mòn vẹt” được khám phá bởi Hester và bác Rummage cho cả hai chị em biết đây là đồ vật của Martin Luther King.

Từ đó, câu chuyện về danh nhân được mở ra: Sinh ra trong một gia đình người Mĩ gốc Phi ở Atlanta, bang Georgia, ngay từ nhỏ Martin Luther King đã nhận thấy sự bất công giữa quyền lợi của người da đen và da trắng: “Người da đen không được uống chung nguồn nước hoặc dùng chung nhà vệ sinh với người da trắng. Đến tuổi đi học, Martin Luther phải học ở trường dành riêng cho trẻ em da đen”.

Tuy nhiên, Martin Luther “vẫn hạnh phúc bởi vì cậu có đức tin mạnh mẽ”, không chịu khuất phục trước nạn phân biệt chủng tộc và muốn “trở thành mục sư giống như cha và ông nội của mình”.

Tác phẩm 'Chiếc micro của Martin Luther King' giúp độc giả hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử khi chủng tộc bị phân biệt gay gắt ở Mĩ. Ảnh: Anh Sơn

Tác phẩm 'Chiếc micro của Martin Luther King' giúp độc giả hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử khi chủng tộc bị phân biệt gay gắt ở Mĩ. Ảnh: Anh Sơn

Những trang sách tiếp theo, người đọc đã có những thông tin cơ bản và sự bất công mà người da màu phải gánh chịu trên đất Mĩ khi có nạn phân biệt chủng tộc. Thậm chí đã có cậu thanh niên bị sát hại dã man chỉ vì “cậu đã dám nói chuyện với một phụ nữ da trắng” và hung thủ không bị kết tội.

Chính cái chết bi thảm của cậu đã khiến cho mọi người bị sốc và “không thể làm ngơ trước nạn phân biệt chủng tộc thêm nữa”. Ngoài ra, câu chuyện của một người phụ nữ da màu tên là Rosa Parks đã dũng cảm chống lại nạn phân biệt chủng tộc trên xe bus dẫn đến việc bà bị bắt vì “không chịu nhường ghế” cho người da trắng.

Martin Luther King đã lãnh đạo phong trào tẩy chay xe bus và thành công xóa bỏ tệ nạn phân biệt màu da trên phương tiện công cộng này. Đây là một trong những thắng lợi đầu tiên và đã thúc đẩy ông mạnh mẽ hơn nữa trong việc giành lại quyền bình đẳng cho người da màu, cho dù bị đe dọa đến tính mạng.

Cùng với đó, người đọc còn thấy hòa cùng niềm vui khi Martin Luther King lãnh đạo thành công những cuộc đấu tranh bất bạo động ở nhiều quy mô và thu hút được sự chú ý của quần chúng. Những đấu tranh bền bỉ và không ngừng cho người da màu bất chấp việc phải vào tù hay lao động khổ sai đã giúp Martin Luther King giành được giải Nobel Hòa bình năm 1964 và đưa tên tuổi ông ra toàn thế giới.

Tiếc là, trong lúc phong trào đấu tranh cho quyền bình đẳng của người da đen đang có những bước tiến vượt bậc thì Martin Luther King bị ám sát và ra đi khi chưa kịp thấy được những thành quả mà mình cũng như người da màu đạt được.

Ông không chỉ là một người truyền lửa cho những phong trào đấu tranh vì nhân quyền, mà còn góp công sức lớn vào đất nước Mĩ bình đẳng sắc tộc như ngày nay. Tuy vẫn còn những vấn nạn tồn tại, thế nhưng thành quả và công lao của Martin Luther King và những người đồng chí hướng, yêu hòa bình là không thể phủ nhận và tồn tại đến muôn đời.

“Tôi có một giấc mơ… Tôi mơ một ngày nào đó, những cô bé, cậu bé da đen có thể nắm tay những cô bé, cậu bé da trắng, thân tình như những người anh em… Hôm nay, tôi đã mơ một giấc mơ…” là lời phát biểu nổi tiếng của Tiến sĩ King được lan truyền trên toàn thế giới về khát vọng đoàn kết, chấm dứt phân biệt chủng tộc của ông.

Lời phát biểu này được in trong “Chiếc micro của Martin Luther King” giúp độc giả có thể hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử khi chủng tộc bị phân biệt nhưng vẫn có những con người đứng lên bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng, đấu tranh cho quyền bình đẳng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ