Khát khao cảm nhận được tri thức

GD&TĐ - Đạt nhiều huy chương, phần thưởng tại các cuộc thi trong nước và quốc tế nhưng Nguyễn Hải Long cho rằng thành tích không quan trọng bằng khát khao cảm nhận được tri thức.

Nguyễn Khắc Hải Long học Vật lý trong phòng thí nghiệm
Nguyễn Khắc Hải Long học Vật lý trong phòng thí nghiệm

Nguyễn Khắc Hải Long- học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội là 1 trong 5 học sinh vừa giành huy chương Bạc với số điểm cao nhất tại kì thi Olympic Vật lý quốc tế (IdPhO 2020). Trước đó, Long từng giành huy chương đồng tại kì thi Olympic Vật lý châu Âu được tổ chức vào đầu năm.

Long cho biết, tuy kì thi Olympic Vật lí quốc tế (IPhO) cùng thời điểm các kì thi Olympic quốc khác bị hủy nhưng cuối cùng, kì thi Olympic Vật lí quốc tế phân tán (IdPhO) lại được tổ chức lại vào đầu tháng 12/2020. Tại kì thi này, việc tổ chức cũng được tổ chức trực tuyến và thể lệ, cấu trúc đề thi cũng giống như kì thi mọi năm.

“Được tham dự kỳ thi Olympic quốc tế là phần thưởng lớn của bất cứ bạn học sinh nào. Em nghĩ rằng đây là cơ hội rất may mắn đối với mình vì em luôn cảm thấy rất hứng thú đối với những vấn đề Vật lí được đưa ra trong các đề thi Olympic Vật lí quốc tế. Nó luôn có những cái mới, cái khác biệt và có sự sâu sắc, đòi hỏi suy nghĩ vô cùng tinh tế và sáng tạo”.

Đạt giải là niềm vui, nhưng Long cho biết em không đặt nặng vấn đề huy chương và thành tích. Với em, được học Vật lí trên đội tuyển và đi thi đã giúp em khám phá ra rất nhiều những điều thú vị và sâu sắc về Vật lí, giúp em thỏa mãn niềm đam mê và khát khao cảm nhận được tri thức.

Hải Long và các bạn cùng lớp
Hải Long và các bạn cùng lớp

“Em không đặt mục tiêu trước là mình sẽ phải đạt huy chương gì, thay vào đó em sẽ dành thời gian để cảm nhận và trải nghiệm những điều đẹp đẽ ở trong môn Vật lí. Một kết quả tốt thì cũng là điều đáng quý nhưng em nghĩ rằng việc trải nghiệm và nỗ lực với Vật lí cũng là điều đáng quý rồi”- Long chia sẻ.

Chia sẻ về bí quyết học tập, Long cho biết em luôn học theo cách mà mình cảm thấy thoải mái và tự do nhất trong suy nghĩ. Em không phải là người "cày cuốc" nhiều bài tập và luyện đề, em sẽ cố gắng hiểu và suy nghĩ một cách sâu sắc về các mảng kiến thức đã học, tìm cách liên kết chúng với nhau và sáng tạo ra những góc nhìn mới về những thứ mình đã học.

Để làm việc này, em sẽ tưởng tượng mình là một giáo viên và mình sẽ phải giảng bài cho những bạn học sinh lớp dưới mới tiếp cận với mảng kiến thức đó, em sẽ viết 1 bài giảng để có thể giảng cho bạn học sinh đó hiểu rõ, tường tận về mảng kiến thức đó. Em cho rằng được dạy người khác cũng là một cách học. Thực tế đó chính là cách mà nhà Vật lí học nổi tiếng người Mỹ Richard Feynman cũng như rất nhiều những nhà khoa học khác áp dụng để học và khám phá tri thức.

Nguyễn Khắc Hải Long chia sẻ những bí quyết học tập trong buổi giao lưu trực tuyến tại Báo Giáo dục Thời đại
Nguyễn Khắc Hải Long chia sẻ những bí quyết học tập trong buổi giao lưu trực tuyến tại Báo Giáo dục Thời đại

Từng giành nhiều giải thưởng tại các kì thi Toán học hồi học THCS tại trường THPT chuyên Hà Nội –Amsterdam nhưng đến THPT, Long lại chuyển hướng sang học chuyên Vật lí. Theo Long, hai môn này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Toán học là một công cụ, một ngôn ngữ của Vật lí.

Khi học Vật lí thì cách diễn đạt định tính, ước tính bằng lời tuy có thể giúp con người cảm nhận được phần nhiều vẻ đẹp của Vật lí, nhưng chưa đủ. Để có thể diễn đạt chính xác và khoa học các khái niệm Vật lí thì Toán học chính là một công cụ ngôn ngữ quan trọng.

Để học tốt cả 2 môn này, cần một lối suy nghĩ mạch lạc rõ ràng, khoa học. Em sẽ luôn cố gắng đặt ra những câu hỏi cho bản thân, chẳng hạn như: Tại sao hiện tượng lại diễn ra cách này, nó sử dụng định luật vật lí nào. Hay như một định lí toán học có thể được áp dụng cách nào, trong trường hợp nào.

Sau đó, em sẽ suy nghĩ về mối liên kết giữa các mảng kiến thức đã được học. Mối liên kết như vậy sẽ giúp mình nhìn ra điều mới trong những cái đã cũ, giúp hiểu hơn về môn học và cách mô tả thế giới xung quanh, đó là điều mà em cảm thấy thích thú, lôi cuốn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ