Khánh thành Khu tưởng niệm người cộng sản đầu tiên của Thanh Hóa

GD&TĐ - Ngày 29/7, tại xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), Tỉnh đoàn Thanh Hóa tổ chức lễ khánh thành Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập – người thanh niên cộng sản đầu tiên của tỉnh.

 Lễ cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập – người thanh niên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Lễ cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập – người thanh niên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Khu tưởng niệm có tổng diện tích mặt bằng gần 10.000 m2, với các hạng mục chính gồm: Nhà tưởng niệm, tượng đài, bia ghi danh, sân, đường nội bộ khuôn viên, cây xanh, vườn hoa…với tổng vốn đầu tư 10 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng, số kinh phí còn lại Tỉnh đoàn vận động cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh; các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh đóng góp. Đây sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng của tuổi trẻ tỉnh Thanh Hóa.

Theo tài liệu lịch sử, đồng chí Lê Hữu Lập, sinh năm 1897, tại xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc trong một gia đình nho học yêu nước. Giữa năm 1924, Lê Hữu Lập được nhà cách mạng Đinh Chương Dương đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham gia tổ chức Tâm tâm xã. Tháng 6/1925, Lê Hữu Lập được kết nạp vào Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội - tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam, sau đó ông được Nguyễn Ái Quốc cử về Việt Nam hoạt động, xây dựng phong trào cách mạng và chọn những thanh niên tiến bộ đưa sang Trung Quốc tham gia tổ chức.

Đầu năm 1927, Lê Hữu Lập trở về nước và vận động thành lập tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội tỉnh Thanh Hóa và trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ lâm thời của tổ chức này. Đầu năm 1930, Lê Hữu Lập trở thành người cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa khi tổ chức Đảng cộng sản Việt Nam ra đời.

Sau khi xây dựng phong trào tại Thanh Hóa, Lê Hữu Lập tiếp tục được cử vào Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh) gây dựng phong trào cách mạng.

Tại đây Lê Hữu Lập đã tuyển chọn, giới thiệu hàng chục thanh niên ưu tú gửi sang Trung Quốc học tập, đào tạo sau đó quay trở về quê hương hoạt động cách mạng. Năm 1934, Lê Hữu Lập mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời tại Nghệ An khi mới 37 tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ