Điều này được nhiều địa phương chia sẻ trong phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 sáng 21/1.
Nhiều kết quả được khẳng định
Đề án phát triển hệ thống trường chuyên đã có tác động lớn đến việc thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền, cha mẹ học sinh, học sinh và xã hội về mục tiêu trường chuyên. Hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên đã nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cấp trung ương và địa phương.
Ông Phạm Duy Hương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: Quyết định số 959/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020” có tác động rất lớn đối với trường chuyên của tỉnh.
Từ một trường quy mô nhỏ, nay Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Kạn đã thay đổi gần như toàn bộ với đầy đủ phòng học, phòng bộ môn, phòng ngoại ngữ, phòng đa năng… Số lượng học sinh của trường so với năm 2010 đã tăng đến 50%. Chất lượng đào tạo chuyển biến tích cực qua các năm, trong đó học sinh giỏi quốc gia hàng năm tăng.
Nhận định của ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu: Sau 10 năm triển khai Đề án, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn của tỉnh đã được xây dựng, nâng cấp, củng cố; chất lượng giáo dục và bồi dưỡng học sinh có nhiều tiến bộ; chất lượng đội ngũ cũng được nâng lên…
“Trường chuyên của tỉnh mới được thành lập hơn 10 năm nên so với mặt bằng chung cả nước kết quả và quy mô còn khiêm tốn; nhưng đây thực sự là hình mẫu của các trường trung học phổ thông trên toàn tỉnh Lai Châu” – ông Lưu Hồng Phương cho hay.
Bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Được sự quan tâm của chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh; sự phối hợp của các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, chính quyền và sự tin tưởng, ủng hộ của phụ huynh học sinh đã góp phần xây dựng và phát triển Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Du tỉnh Đắk Lắk trở thành một ngôi trường hiện đại, khang trang, có chất lượng giáo dục cao.
Từ năm 2010 đến năm 2020, số lượng học sinh Trường chuyên Nguyễn Du tương đối ổn định. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của trường được ưu tiên bổ nhiệm, tuyển chọn để đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và có chuyên môn cao.
Từ năm 2009, Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt nguồn kinh phí xây dựng mới nhà trường trong Đề án phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên. Đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, là một trong những ngôi trường trung học phổ thông có cơ sở vật nhất tốt nhất trong 59 trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Với những nỗ lực của trường chuyên, kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia trong những năm qua của tỉnh xếp thứ hạng đáng tự hào trong số 63 tỉnh, thành của cả nước. So với 10 tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, thành tích học sinh giỏi của tỉnh Đắk Lắk luôn giữ vững ở những vị trí tốp đầu.
Theo GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, trường chuyên được hình thành trong giai đoạn đất nước khó khăn, nhưng sau 9 năm sau chúng ta đã có đoàn học sinh đi thi học sinh quốc tế và đạt nhiều thành tích cao trên thế giới. Sau 50 năm chúng ta có GS Ngô Bảo Châu… Điều đó chứng minh trí tuệ Việt Nam không hề thua kém trên bản đồ trí tuệ thế giới; đồng thời cũng khẳng định ý nghĩa của việc đào tạo tài năng của hệ phổ thông chuyên.
Nhờ có Đề án 959, từ 1 lớp A0, ĐHQG Hà Nội đã thành lập được 3 trường chuyên; các trường chuyên trong hệ thống ĐHQG Hà Nội được phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng và chất lượng; các học sinh của Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên dẫn đầu cả nước về giải thưởng quốc tế. Cũng nhờ Đề án này mà nhiều địa phương đã có giải thưởng quốc tế. “Có thể nói, đây là một chủ trương rất tốt” – GS Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.
Cần sớm có định hướng phát triển trường chuyên giai đoạn tiếp theo
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cũng cho biết còn có những khó khăn. Trong đó, số học sinh trường chuyên đạt giải cao quốc gia chưa nhiều; đội ngũ giáo viên trường chuyên so với mặt bằng chung toàn quốc còn khoảng cách nhất định; cùng với đó là còn băn khoăn về đầu tư cơ sở vật chất, chính sách đãi ngộ với giáo viên trường chuyên…
Từ đó, ông Phạm Duy Hương bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng cơ chế chung để đào tạo, bồi dưỡng; cũng như chính sách đãi ngộ, thu hút với giáo viên các trường chuyên. Bên cạnh đó, hàng năm Bộ tổ chúc hội thảo, hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa các trường chuyên; tổ chức trại hè hay các hoạt động tương tự để học sinh chuyên Bắc Kạn có cơ hội tiếp cận với các chuyên gia đầu ngành trong đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng thì cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có định hướng phát triển trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn tiếp theo; trong đó trường chuyên hướng đến là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Có giải pháp để tăng cường kết nối hơn nữa giữa trường chuyên với các trường đại học hàng đầu. Đồng thời, cần cơ chế chính sách trong huy động các nguồn lực hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển trường chuyên…
Bên cạnh thuận lợi, bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ khó khăn liên quan đến đội ngũ, trong đó trình độ ngoại ngữ của giáo viên trường chuyên còn hạn chế; với đặc thù tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiếu số nên việc liên kết, huy động các nguồn lực có khó khăn… Bà H’Yim Kđoh đề xuất, cần có chương trình bồi dưỡng riêng cho đội ngũ giáo viên trường chuyên, tích hợp vào chương trình giáo dục phổ thông 2018; đồng thời quan tâm hơn nữa đến giáo dục mũi nhọn tại các tỉnh miền núi…
Với Long An, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thanh Tiệp kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế chính sách dành cho đội ngũ giáo viên trường chuyên. Theo ông Tiệp, vị trí việc làm ở trường chuyên chưa có sự khác biệt nhiều so với trường đại trà; đơn cử, trường chuyên cần có vị trí việc làm cho giáo viên phụ trách nghiên cứu khoa học, thí nghiệm thực hành mang tính chất chuyên sâu, số lượng nhiều hơn mới có thể đáp ứng được…
Trong phát biểu của mình GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội đã khẳng định vai trò quan trọng của Quyết định 959 với phát triển hệ thống các trường trung học phổ thông chuyên, trong đó có các trường chuyên thuộc ĐHQG Hà Nội.