(GD&TĐ) - Góp ý kiến Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đến nay đã đi được hơn hai phần ba chặng đường, nhiều ý kiến tâm huyết từ mọi tầng lớp nhân dân, mọi giới, nhất là đội ngũ trí thức. Đa số ý kiến tán thành hoặc bổ sung nội dung, thay đổi câu từ, vị trí… chúng tôi thấy rằng cần sửa đổi, bổ sung một số vấn đề sau đây:
Trong Chương một về Chế độ chính trị, cụ thể ở Điều 1, ghi: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”.
Ở điều này, xin được góp ý về vị trí câu từ, nên giữ hai chữ độc lập như Hiến pháp năm 1992, vì: trước hết chúng ta nhất thiết phải khẳng định cho được tính hiến định về yếu tố độc lập của quốc gia, của dân tộc, của đất nước không bị lệ thuộc, ràng buộc bởi bất cứ lực lượng nào, nhưng Việt Nam “sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”. Nếu không có hoặc chưa có độc lập, chủ quyền của quốc gia dân tộc thì không thể nào nói tới dân chủ được, không thể nào có được dân chủ thực sự.
Chỉ là vị trí trước hoặc sau, nhưng rõ ràng ở đây phải đặt hai chữ “Độc lập” lên trước hai chữ “Dân chủ” mới phù hợp với cấu trúc lôgic của vấn đề. Yếu tố dân chủ, xã hội dân chủ, tính chất dân chủ hay quyền làm chủ của người dân ngay ở nội hàm khái niệm (Điều 2 sửa đổi, bổ sung) đã thể hiện rất rõ về nội dung, ý nghĩa, đó là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được xây dựng dựa trên nguyên tắc cơ bản: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí, điều hành, nhân dân lao động làm chủ, quyền làm chủ thực sự của người dân, kể cả dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân…”, nhân dân lao động làm chủ, mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân… cho nên, yếu tố “dân chủ” ở đây không nhất thiết phải đưa lên trước thay thế vị trí cho yếu tố “độc lập”.
Về nội dung, trong tính hiến định cần thể hiện được đầy đủ ý chí, nguyện vọng của toàn thể dân tộc, được quốc tế thừa nhận và tôn trọng, không để bất cứ một thế lực nào xâm phạm độc lập có chủ quyền của đất nước. Vì vậy, ở Điều 1 cần ghi là: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, dân chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời đã được toàn thể dân tộc Việt Nam và Công ước Liên Hiệp quốc thừa nhận”.
Ở đây, chúng ta chỉ khẳng định về quyền hiến định của quốc gia có chủ quyền, chủ quyền ấy đã trải qua hơn bốn ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong thời đại ngày nay, tất cả những gì thuộc về chủ quyền quốc gia dân tộc đã được toàn thể dân tộc Việt Nam trân trọng, giữ gìn, khẳng định với thế giới, coi đó là báu vật thiêng liêng; đồng thời, chủ quyền quốc gia đó đã được thừa nhận trên thực tế, khẳng định với thế giới của Công ước Liên Hợp quốc. Chúng ta tuyệt nhiên không khẳng định gì đến tính chất, mức độ về quyền chủ quyền, sự xâm phạm hoặc mở rộng đường biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo… sang các quốc gia có chủ quyền khác. Do vậy, Đảng, Nhà nước cần làm hết sức mình, “đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” với những cách làm khôn khéo, những bước đi thích hợp, có những quyết sách đúng đắn trong đối nội và đối ngoại để giữ vững độc lập, chủ quyền, dân chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời đã được toàn thể dân tộc Việt Nam và Công ước Liên Hiệp quốc thừa nhận.
Nguyễn Minh Đức