Bảo đảm an toàn học sinh ĐBSCL khi lũ diễn biến bất thường

Chiến sĩ Đồn biên phòng ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) đưa đón HS vùng lũ đến trường.
Chiến sĩ Đồn biên phòng ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) đưa đón HS vùng lũ đến trường.

Điểm giữ trẻ mùa lũ đã sẵn sàng

Mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long bắt dầu từ cuối tháng 6 cho đến hết tháng 9 âm lịch. Thế nhưng năm nay nước lũ diễn biến bất thường, về muộn hơn 2 tháng so với chu kỳ.

Đến thời điểm hiện tại, nước lũ bắt đầu lên nhanh, làm ngập các cánh đồng vùng đầu nguồn giáp biên giới Campuchia như huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), huyện An Phú (An Giang).

Dự báo, nước lũ năm nay không cao, nhưng diễn biến khó đoán, nên các địa phương đã chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn cho mùa vụ và người dân. Đặc biệt, ngành Giáo dục các địa phương đầu nguồn cũng sớm có kế hoạch đảm bảo an toàn cho học sinh khi lũ diễn biến nhanh.

Một trong những giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ vùng lũ là “Điểm giữ trẻ mùa lũ”. Mô hình này được tỉnh An Giang, Đồng Tháp triển khai có hiệu quả trong nhiều năm qua, đặc biệt là những khi nước lũ dâng cao làm ngập đường giao thông.

Theo đó, các điểm giữ trẻ mùa lũ sẽ được lập tại các tuyến dân cư, khu dân cư vượt lũ và những xóm, ấp bị ngập sâu. Phụ huynh có thể gửi con tại đây để yên tâm đánh bắt tôm cá.

Điểm giữ trẻ mùa lũ được ngành giáo dục An Giang, Đồng Tháp triển khai có hiệu quả trong nhiều năm qua.
Điểm giữ trẻ mùa lũ được ngành giáo dục An Giang, Đồng Tháp triển khai có hiệu quả trong nhiều năm qua.

Mùa lũ năm nay, huyện An Phú (An Giang) đã triển khai 35 điểm giữ trẻ tại các "điểm nóng" nước lũ có thể dâng cao.

Hiện các điểm giữ trẻ này đã sẵn sàng nhận trẻ khi xảy ra tình huống nước ngập các tuyến đường, chia cắt giao thông và tuyến dân cư. Huyện cũng đã thành lập 64 chốt cứu nạn, cứu hộ, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Theo ông Mai Minh Hùng - Chủ tịch UBND huyện An Phú, tình hình nước lũ hiện nay thấp hơn so với mọi năm, chưa gây thiệt hại gì về người và tài sản. Nước làm ngập một số đoạn đường giao thông liên ấp trên địa bàn xã Vĩnh Hội Đông, Phú Hữu, Vĩnh Lộc… Tuy nhiên, ngành chức năng huyện không chủ quan, đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho người dân.

Tại tỉnh Đồng Tháp, rốn lũ nằm trên địa bàn huyện Hồng Ngự - nơi tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Đến nay nước đã ngập vùng nội đồng, tuy nhiên theo ông Đoàn Văn Trí - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT, do đường giao thông được đầu tư tôn cao nên việc đi lại ít bị ảnh hưởng, chỉ có một số điểm trường vùng sâu trong nội đồng đường đi bị chia cắt.

Ngành cũng đã có kế hoạch cùng Đồn biên phòng, Đoàn thanh niên bố trí phương tiện, nhân sự để đưa đón học sinh khi lũ dâng cao.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ, huyện Hồng Ngự thành lập hàng chục điểm giữ trẻ cộng đồng. Đặc biệt là tập trung ở các xã giáp biên giới như: Thường Phước 1, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Tiền và các xã cù lao Phú Thuận A, Phú Thuận B… Mỗi điểm có khoảng 15 - 20 trẻ, được bố trí trong nhà kiên cố, đảm bảo điều kiện an toàn với 2 cô giáo trông giữ.

Phổ cập bơi cho HS Trường TH An Bình A, Thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp).
Phổ cập bơi cho HS Trường TH An Bình A, Thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp).

Tăng cường phổ cập bơi cho học sinh

Song song với tổ chức các điểm giữ trẻ, đưa đón học sinh vùng lũ, các địa phương còn tăng cường phổ cập bơi cho học sinh. Vì các em sinh hoạt, vui chơi, đến trường đều gắn với sông nước nên trang bị kỹ năng bơi lội là hết sức cần thiết.

Ngay từ đầu năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp đã tăng cường phổ cập bơi cho học sinh, đặc biệt là học sinh vùng lũ. Các trường tùy theo điều kiện sẽ tổ chức dạy bơi, dạy kỹ năng thoát hiểm, cứu nạn, cấp cứu khi đuối nước. Có trường tự dựng hồ bơi tạm để dạy học sinh, có trường được đầu tư bể bơi nổi từ nguồn xã hội hóa.

“Các em sẽ được hướng dẫn về kỹ năng thở nước và một số kỹ năng cần thiết khác để phòng chống tai nạn đuối nước. Yêu cầu quan trọng là kết thúc khóa học các em phải biết bơi. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm trang bị kỹ năng phòng tránh đuối nước cho học sinh, đặc biệt là khi nước lũ đang về”, thầy Sum nhấn mạnh.

Trao đổi về công tác phổ cập bơi, thầy Bùi Văn Sum - Trường TH An Thạnh 1, Thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết: Trường tổ chức dạy bơi cho học sinh thuộc các khối lớp 3, 4, 5. Thời gian của lớp học gồm 16 buổi, với sự hướng dẫn của hai giáo viên dạy thể dục và hai huấn luyện viên của Đoàn phường.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, Trường Tiểu học An Bình A, Thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) cũng vừa tổ chức phổ cập bơi cho 240 em ở độ tuổi 9 - 10. Các em được trang bị các kỹ năng cần thiết về kỹ thuật bơi lội, có thể bơi được khoảng 10 - 20m.

Ở cuối chương trình bơi các em còn được giáo viên hướng dẫn những kỹ năng phòng tránh đuối nước và cách xử lý trong những trường hợp gặp người bị đuối nước.

Ngoài ra, các đồn biên phòng thuộc tỉnh Đồng Tháp, An Giang nằm ven tuyến biên giới tiếp giáp với Campuchia cũng tổ chức phương tiện đưa đón học sinh khi nước lũ lên cao.

Hoạt động này do cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng cùng người dân tổ chức. Mỗi ngày 4 lượt, xuồng máy của đồn biên phòng sẽ đón học sinh đến trường và đưa các em về gia đình sau khi học xong.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay mực nước sông Cửu Long đang lên. Mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,62m trên báo động (BĐ) 1 là 0,12m; tại Mỹ Thuận 1,80m ở mức BĐ3; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 3,02m trên BĐ1 là 0,02m; tại Long Xuyên 2,38m trên BĐ2 là 0,18m; tại Cần Thơ 1,79m ở mức BĐ2…

Dự báo mực nước sông Cửu Long vài ngày tới sẽ xuống theo triều. Đến ngày 21/9, mực nước cao nhất tại Tân Châu xuống mức 3,48m; tại Châu Đốc ở mức 2,85m, tại các trạm hạ lưu xuống dưới BĐ1...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ