Khám phá hầm mộ chứa 6 triệu hài cốt dưới lòng Paris

GD&TĐ - Thủ đô Paris (Pháp) nổi tiếng là kinh đô thời trang và thiên đường nghỉ dưỡng với nhiều điểm tham quan thu hút rất đông khách du lịch trong nước và quốc tế.

Công trình tạo tác đá trong Hầm mộ Paris.
Công trình tạo tác đá trong Hầm mộ Paris.

Tuy nhiên, ít ai biết khi các du khách ghé thăm các cửa hàng, tận hưởng sự nhộn nhịp của đường phố, họ đang “đi bộ trên xương cốt của rất nhiều người”.

Nguồn gốc của Hầm mộ Paris

Chạm khắc trong Hầm mộ Paris.
Chạm khắc trong Hầm mộ Paris.

Vào thế kỷ 17, khi trở thành một trong những thành phố lớn nhất của châu Âu, Paris phải đối diện với vấn đề nghiêm trọng về người chết. Les Innocents là nghĩa trang lâu đời nhất và là một trong những nghĩa trang lớn nhất trong thành phố.

Vấn đề bắt đầu khi những khu dân cư xung quanh nghĩa trang phản ánh về mùi xác chết bốc lên nồng nặc. Ngay những cửa hàng nước hoa gần đó cũng phải ngừng kinh doanh. Tiếp đó, số lượng người chết tại Paris trở nên quá tải, không còn nơi chôn cất.

Năm 1763, Vua Louis XV cấm người dân chôn cất người chết trong thành phố. Tuy nhiên vẫn còn đó câu hỏi phải làm gì với những xác chết trong thành phố. Mùa xuân năm 1780, một cơn mưa kéo dài khiến các bức tường chắn xung quanh nghĩa trang Les Innocents sụp đổ, kéo theo đó là các thi thể “tràn vào” thành phố.

Giải pháp lúc bấy giờ là sử dụng những đường hầm cổ xưa dưới lòng thành phố làm nơi cất giữ hài cốt. Từ đó, các đường hầm này được gọi là Hầm mộ Paris, hay Nghĩa trang Les Catacombes.

Vào thế kỷ 13, các đường hầm dưới lòng Paris được đào để phục vụ mục đích khai thác đá vôi. Tuy nhiên, khi sản lượng đá vôi hết, các đường hầm bị bỏ hoang. Ngày 17/12/1774, người dân Paris bất ngờ phát hiện hố dài khoảng 25 mét dọc theo phố Địa ngục (Rue d"Enfer). Hố sâu nhanh chóng được xác định là tàn tích của mỏ khai thác đá cổ nên được bồi đắp, xây dựng lại. Đến khi số lượng thi thể tăng vọt, nơi đây được dùng làm hầm mộ cho Paris.

Chính quyền thành phố mất 12 năm để chuyển các ngôi mộ cũ tại Nghĩa trang Les Innocents xuống hầm mộ mới. Đến cuối năm 1860, khoảng 6 triệu bộ hài cốt của người dân được đưa xuống hầm mộ khổng lồ. Một số thi thể có niên đại khoảng 1.200 năm trước, từ thời kỳ Merovingian. Số khác được chôn cất cùng vũ khí và đồ trang sức.

Ngày nay, khoảng 1,6 km đường hầm để sử dụng cho mục đích tham quan. Tuy nhiên, hầu như không thể đánh giá được toàn bộ quy mô của Hầm mộ Paris vì những bức ảnh lan truyền trên Internet chỉ thể hiện một phần rất nhỏ trong tổng quan kiến trúc nơi đây.

Việc quy hoạch các đường hầm thành Hầm mộ Paris đã giải quyết được hai vấn đề. Một là phải làm gì với các xác chết trong thành phố. Tiếp đó là cơ hội để sửa chữa các đường hầm được xây dựng từ mỏ đá vôi và biến chúng trở nên quy củ hơn.

Địa điểm tham quan du lịch

Cửa vào với dòng chữ: “Đây là vương quốc tử thần”.
Cửa vào với dòng chữ: “Đây là vương quốc tử thần”.

Vào thế kỷ 19, Napoleon đã biến nơi đây thành địa điểm du lịch thu hút đông đảo khách tham quan tại Paris. Ông đã sao chép ý tưởng khai thác du lịch hầm mộ từ các thành phố khác tại châu Âu như Rome (Italy).

Nhiệm vụ này được giao cho Nicolas Frochot, Tỉnh trưởng tỉnh Seine và Louis-Etienne Hericart de Thury, Tổng thanh tra các mỏ đá tại Pháp. Những chiếc xương, ban đầu chất chồng thành đống, đã được sắp xếp lại thành những bức tường hoặc hình thù kỳ lạ như hình trái tim, hình tròn.

Trong các chuyến tham quan đầu tiên, Hầm mộ Paris được thắp sáng bằng nến, tạo cảm giác rùng rợn, ma quái. Ngoài xương, một số đồ vật được trưng bày như bộ xương dị tật, đồ tạo tác được tìm thấy trong quá trình khai quật đường hầm, Đài phun nước Samaritan nuôi cá vàng.

Tới những năm 1980, một số nghệ sĩ người Pháp đã nảy ra ý tưởng xây dựng lại Hầm mộ Paris thành công trình nghệ thuật. Họ trang trí đường hầm bằng việc xếp xương người lên đá, tạo tác các mô hình kiến trúc thu nhỏ. Hầu hết những cột, trụ, cổng vào, tường tại hầm mộ đều được trang trí bằng xương người.

Ngày nay, đường hầm được trang bị thêm hệ thống đèn chiếu sáng. Du khách có thể đăng ký chuyến tham quan hầm mộ kéo dài 45 phút, dài khoảng 1,6 km. Phần còn lại trong hầm mộ là khu vực cấm vào, nếu ai vi phạm sẽ bị coi là hành động bất hợp pháp.

Tuy nhiên, tờ báo Independent ước tính có khoảng 300 người Paris tham quan đường hầm vào các lối vào “bí mật”. Những người này được gọi là Cataphiles. Họ thích khám phá hoặc tạo ra những con đường mới để vào hầm.

Hầm mộ Paris mở cửa đón khách từ 10 - 17 giờ mỗi ngày với giá vé là 11 USD (khoảng 253.000 đồng). Du khách được khuyến cáo nên mang theo áo khoác vì nhiệt độ dưới hầm thường ở mức 14 độ C. Hầm mộ thu hút khoảng hơn 500.000 lượt khách mỗi năm.

Các lối đi vào hầm mộ thường hẹp, thấp và thỉnh thoảng ngập nước nên dễ gây nguy hiểm cho du khách. Ngoài khu vực được phép tham quan, hệ thống Hầm mộ Paris tương đối phức tạp, lắt léo khiến du khách có thể bị lạc. Năm 2017, hai thanh niên đã bị mắc kẹt 3 ngày trong đường hầm trước khi được chính quyền thành phố tìm thấy.

Ngày nay, Hầm mộ Paris cũng được sử dụng để làm phim trường, sàn diễn thời trang. Năm 2015, nền tảng đặt phòng trực tuyến Airbnb đã chọn hai vị khách may mắn để qua đêm tại Hầm mộ Paris trong dịp lễ Halloween.

Những điều kỳ lạ trong Hầm mộ Paris

Các bức tường tại Hầm mộ Paris được trang trí bằng xương người.
Các bức tường tại Hầm mộ Paris được trang trí bằng xương người.

Không phải tất cả đường hầm trong Hầm mộ Paris đều chứa đầy xương người. Tại một số khu vực, du khách sẽ bắt gặp những tấm biển được khắc nội dung kỳ lạ, phảng phất hơi thở của cái chết.

Ngay lối vào Hầm mộ Paris là khoảng trống dành cho các triển lãm theo chủ đề. Sau khi đi qua khu vực triển lãm, du khách sẽ bắt gặp cánh cửa với dòng chữ được khắc bên trên: “Dừng lại. Đây là vương quốc tử thần”.

Đi sâu vào trong đường hầm, du khách sẽ bắt gặp những cụm từ được chạm khắc vào đá vôi như “Bất cứ nơi nào bạn đi qua, cái chết đều theo sau như cái bóng của cơ thể”, “Cái chết ở đâu? Luôn luôn là tương lai hay quá khứ?”.

Không chỉ có xương trong Hầm mộ Paris. Nơi đây còn có một số tác phẩm nghệ thuật đáng kinh ngạc gắn với một câu chuyện buồn. Giữa năm 1777 và 1782, một thợ khai thác đá tên François Décure đã chạm khắc nhiều tác phẩm ấn tượng trong Hầm mộ Paris.

Trong năm năm làm việc tại đây, tranh thủ những lúc nghỉ ngơi hoặc ăn trưa, Décure sẽ chạm khắc mô phỏng những cảnh quan nổi tiếng như pháo đài Port-Mahon hay một cảnh quan thành phố Pháp kéo dài 12 mét.

Dù nhiều chi tiết chạm khắc chưa chính xác so với bản gốc do Décure làm việc từ trí nhớ. Các tác phẩm của ông vẫn được đánh giá là ấn tượng, có sức hút. Décure đột ngột qua đời khi đang tạo tác trong một hang động bị sập. Tuy nhiên, các tác phẩm điêu khắc của ông vẫn còn đó, có giá trị mãi về sau.

Các đường hầm dưới Hầm mộ Paris không chỉ để chứa hài cốt, chúng còn được sử dụng để trồng nấm, đặc biệt là loại nấm cỏ tranh mà Vua Louis XIV yêu thích. Những người nông dân phát hiện ra các đường hầm dưới lòng Paris có điều kiện tương đối hoàn hảo để nấm phát triển.

Khí hậu ẩm ướt, điều kiện thiếu ánh sáng giúp nấm được trồng và thu hoạch quanh năm. Đến năm 1880, hàng trăm nông dân đã làm việc dưới lòng Paris để sản xuất khoảng 1.000 tấn nấm mỗi năm. Ngày này, chỉ còn một số ít người trồng nấm dưới đây và chúng không còn được trồng gần bên cạnh những người đã chết.

Cái chết oan trong Hầm mộ Paris

Cột tròn trang trí bằng xương người.
Cột tròn trang trí bằng xương người.

Năm 1793, Philibert Aspairt, người gác cổng tại Bệnh viện Val-de-Grace sử dụng đường hầm trong Hầm mộ Paris để đi lấy rượu dưới hầm một tu viện gần Jardin de Luxembourg. Tuy nhiên, do hệ thống đường hầm phức tạp, Aspairt đã bị lạc và mất tích.

Thi thể của ông được tìm thấy 11 năm sau đó nhưng điều đáng nói là xác của ông được phát hiện rất gần cửa ra của hầm mộ. Ban quản lý hầm quyết định chôn cất Aspairt ngay tại đây. Nhiều người tin rằng linh hồn ông vẫn lang thang trong hầm mộ để bảo vệ những người thám hiểm nơi đây.

Hầm mộ Paris cũng từng là nơi xảy ra vụ giết người man rợ, là nguồn cảm hứng cho những câu chuyện trinh thám sau này. Năm 1824, Alexandre Francornard làm nghề cầm đuốc trong Hầm mộ Paris.

Hắn ta đã tìm cách làm quen với góa phụ trẻ giàu có tên Eugenie Marsac. Người phụ nữ có một người con gái và rất nhiều của cải, đồ trang sức. Francornard đã không tránh khỏi cám dỗ muốn cướp đoạt toàn bộ tài sản từ người phụ nữ giàu có này.

Hắn ta đề nghị đưa Marsac và con gái đi tham quan Hầm mộ Paris. Tại đây, anh đã sát hại Marsac với một cú đánh mạnh vào đầu trong khi con gái cô bị đâm nhiều nhát. Sau đó, Francornard ôm theo của cải của người phụ nữ xấu số và chạy trốn khỏi Paris.

Francornard suýt chút nữa đã thành công nếu cảnh sát không tìm thấy một bức thư Marsac viết cho hắn ta không lâu trước khi bị sát hại. Sau bảy tháng chạy trốn, Francornard bị bắt và xử tử hình vào ngày 7/3/1825.

Những cái chết oan khuất, những thi thể nằm sâu trong Hầm mộ Paris khiến nhiều người tin rằng nơi đây bị ma ám. Hầm mộ cũng trở thành nguồn cảm hứng cho các tác phẩm nghệ thuật như bộ phim kinh dị Mỹ nổi tiếng Hầm mộ ma quái, sản xuất năm 2014.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.