Khám phá bí ẩn 'Đá Sổ đỏ' ở Sin Suối Hồ

GD&TĐ - Những phiến đá cổ có nhiều vệt khắc sâu được người dân gọi với tên 'Đá Sổ đỏ' hé lộ bí ẩn về cách chia ruộng đất của đồng bào Mông ở xã Sin Suối Hồ.

'Đá Sổ đỏ' ở bản Sin Suối Hồ.
'Đá Sổ đỏ' ở bản Sin Suối Hồ.

Cách chia ruộng đất

Bản du lịch cộng đồng ASEAN Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ cách thành phố Lai Châu khoảng 30 km. Nơi đây có nhiều hoạt động du lịch thú vị như: Trải nghiệm ngắm hoàng hôn trên đỉnh núi; chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ruộng bậc thang, thác trái tim, thác tình yêu, ngắm những chiếc cổng chào độc đáo cùng nếp nhà truyền thống và những homestay, bungalow lạ mắt của đồng bào Mông.

Bên cạnh tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng qua chợ phiên, thưởng thức các món ăn dân tộc, du khách còn được tham gia trò chơi dân gian, xem các tiết mục văn nghệ, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm, nghề rèn…

Sin Suối Hồ không chỉ là điểm thu hút khách du lịch ở cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ mà còn chứa đựng bản sắc văn hóa riêng biệt cùng nhiều điều kỳ bí. Trong đó, phải kể đến nhiều phiến đá cổ có vệt khắc hé mở bí ẩn về cách chia ruộng của người Mông xa xưa khi sinh cư lập nghiệp tại vùng biên giới Tây Bắc.

“Đá Sổ đỏ” thực chất là bãi đá dùng để đánh dấu quyền sử dụng đất của người Mông xưa kia trên đỉnh Sin Suối Hồ. Mỗi một vạch khắc được quy ra tương đương với một khoảnh ruộng bậc thang đã khai khẩn được. Người Mông rất coi trọng việc định cư ở nơi nào có thể khai hoang được ruộng lúa. Đặc biệt, họ là dân tộc có truyền thống thông thạo kỹ thuật làm ruộng lúa nước bậc thang.

Trên sườn đồi thoai thoải nằm cách khu chợ khoảng 300m, chúng tôi đến với điểm tham quan độc đáo của bản Sin Suối Hồ. Đống đá cổ với nhiều phiến lớn chồng lên nhau, mỗi phiến đều có các vạch khắc sâu, rõ nét, uốn lượn mang dấu ấn chế tác của bàn tay con người.

Các hình khắc trên “Đá Sổ đỏ” có nhiều dấu hiệu mòn theo năm tháng, do mưa nắng và thời gian. Dù vậy, chất liệu đá giữ lại rất tốt ý đồ của những người khắc lên đó. Đôi chỗ, giữa các phiến đá có chữ viết kiểu hình khối và các vết khắc khác nhau biểu thị một thông điệp nào đó chưa giải mã được.

Trong chuyến thăm Sin Suối Hồ, chúng tôi gặp ông Vàng A Chỉnh – Trưởng bản Sin Suối Hồ đang say sưa giới thiệu cho du khách về nguồn gốc độc đáo của những phiến đá cổ với nhiều vệt khắc sâu vào đá. Theo đó, người dân biết những phiến đá cổ này nhưng không rõ nó đã tồn tại từ bao lâu rồi.

“Đá Sổ đỏ” có các vệt chạm khắc để người dân dễ nhớ và thực chất là bản đồ ruộng nương của bản. Mỗi vệt khắc được quy ra tương đương với một khoảnh ruộng bậc thang đã được một gia đình khai hoang và người Mông xưa kia dùng vệt khắc đánh dấu trên phiến đá thay cho quyền sở hữu của mỗi mảnh ruộng này.

Trên phiến đá cổ có những vệt khắc uốn lượn ngăn cách là rãnh thoát nước giữa những lớp đá. Điều này trùng với địa hình của bản cũng có dòng suối chảy qua ruộng bậc thang.

Ông Vàng A Chỉnh cho biết: “Theo lời các già làng và sách cổ ghi lại, những phiến đá này là dấu tích đánh dấu chủ quyền đất đai mỗi khi đi khai hoang được một mảnh ruộng bậc thang của hộ dân.

Cách người Mông đánh dấu chủ yếu là khắc (chạm) vào phiến đá từng lớp, từng lớp uốn lượn như bậc thang và được bố trí từ đỉnh phiến đá xuống phía chân. Mỗi khi một phiến đá đã phủ kín vết khắc vạch chia ruộng, người dân lại tìm những phiến đá khác để tiếp tục đánh dấu”.

Công việc này thường được người đứng đầu của bản, có uy tín, vị thế, tiếng nói đảm nhiệm phân chia trên từng nơi của phiến đá và giao cho người thợ thực hiện khắc (chạm). “Ngày trước trên mỗi phiến đá có khắc thêm nhiều ký hiệu nhưng do thời gian mưa nắng các dấu tích đó bị mất đi” – ông Chỉnh nói.

Theo quan sát, những phiến đá cổ nằm ở giữa một cụm dân cư phía cuối bản xen với nhiều nhà trình tường của người Mông. Trên phiến đá cổ lớn nhất đều có những vệt khắc sâu vào mặt đá như hình bậc thang uốn lượn giống bản đồ thu nhỏ những thửa ruộng trùng điệp của người dân khi mới khai hoang để canh tác.

Các hình khắc kiểu vân tay khắc sâu, rõ nét, liền mạch trên “Đá Sổ đỏ” tượng trưng cho các vùng ruộng bậc thang được khai phá xen lẫn là thung lũng, sườn đồi đang ôm trọn lấy toàn bản.

Trải qua nhiều đời, những khoảnh ruộng bậc thang ngày nay có ở khắp nơi trong bản, quy hoạch theo hình vành nón ôm trọn lấy cụm dân cư. Ngay cả hình khắc trên đá cũng mô phỏng theo dạng các vùng ruộng bậc thang được khai phá theo kỹ thuật uốn lượn phù hợp với các thung lũng, sườn đồi và cách bố trí nguồn nước chảy xuống.

Nhiều gia đình chia ruộng cho con, cháu sau khi cưới cũng như để lại thừa kế đã đến những phiến “Đá Sổ đỏ” này để chỉ nơi ruộng được nhận. Sau đó, con cháu được dẫn đến thực tế ruộng bậc thang tương ứng với mô phỏng nơi “Đá Sổ đỏ” để canh tác, sản xuất.

Chị Vàng Thị Mẩy, con dâu của ông Vàng A Chỉnh tâm sự: “Khi tôi về làm dâu, bố chồng chia cho vợ chồng tôi một khu ruộng bậc thang. Để có cái nhìn bao quát, bố đã dẫn chúng tôi đến phiến ‘Đá Sổ đỏ’ để chỉ nơi ruộng được nhận. Nhờ đó, tôi biết được ruộng mình đang ở vị trí nào.

Tôi thấy việc khắc lên đá ghi dấu quyền sử dụng đất khai hoang được rất tiện lợi cũng như tránh việc xảy ra tranh chấp với các hộ trong bản. Thế hệ trẻ chúng tôi sẽ giữ gìn, bảo tồn những phiến đá này để giáo dục cho thế hệ con cháu sau này biết về những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mông”.

Không chỉ có ý nghĩa là một di sản của thế hệ trước để lại, “Đá Sổ đỏ” còn cho thấy cách quản lý đất đai theo thiết chế làng bản của người Mông xưa kia. Hình thức khắc lên đá để ghi dấu quyền sử dụng đất đai khai phá được chứng minh họ rất trọng công lao động, sự sáng tạo và sở hữu ruộng đất. Họ coi ruộng nương là tài sản bảo đảm cho cuộc sống định cư, từ bỏ du canh.

kham pha bi an da so do o sin suoi ho (4).jpg
Bản Sin Suối Hồ trở thành một điểm đến hấp dẫn ở Lai Châu.

Địa chỉ du lịch cộng đồng

Nằm giữa lưng chừng đỉnh Sơn Bạc Mây, bản Sin Suối Hồ có 100% là đồng bào Mông sinh sống. Người dân trong bản Sin Suối Hồ chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng thảo quả, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi, trồng hoa địa lan… và làm dịch vụ du lịch.

Họ vẫn giữ được nếp nhà truyền thống của đồng bào Mông vùng cao. Bản có hơn 100 ngôi nhà trình tường, lợp ngói truyền thống. Cùng với đó, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa đặc trưng, từ lời nói, chữ viết đến trang phục... vẫn giữ được những nét truyền thống.

Vào tháng 6/2015, bản Sin Suối Hồ được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh. Phát huy những tiềm năng sẵn có, cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân bản Sin Suối Hồ tích cực đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng.

kham pha bi an da so do o sin suoi ho (3).jpg
Trưởng bản Vàng A Chỉnh giới thiệu về 'Đá Sổ đỏ' cho du khách.

Người dân cử con em trong bản đi học tập các ngành nghề nhằm phát triển du lịch như nhà hàng, khách sạn, học tiếng Anh và tham gia những lớp đào tạo, tập huấn; thành lập các đội thuyết minh viên; đội văn nghệ; thể thao; xe ôm để phục vụ du khách.

Năm 2018, di tích danh lam thắng cảnh “Thác trái tim” xã Sin Suối Hồ được xếp hạng Di tích cấp tỉnh. Năm 2020, bản được Hiệp hội Du lịch Việt Nam công nhận là 1 trong 4 điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Việt Nam.

Đặc biệt là ngày 5/2/2023, Diễn đàn Hội chợ du lịch quốc tế diễn ra tại Indonesia, bản Sin Suối Hồ được khối ASEAN vinh danh là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất của khối năm 2022.

Hiện nay, điểm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ có 20 hộ gia đình tham gia làm dịch vụ homestay, bungalow và 6 hộ làm dịch vụ ăn uống, có 1 hợp tác xã tiếp đón và phục vụ du khách với sức chứa trên 300 du khách mỗi ngày, đêm.

Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm điểm du lịch cộng đồng bản Sin Suối Hồ đón trên 20 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch. Tổng doanh thu từ du lịch và buôn bán địa lan cho du khách hằng năm trung bình đạt trên 3 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt trên 20 triệu đồng/người/năm.

Khi đến với bản du lịch cộng đồng ASEAN Sin Suối Hồ, nhiều du khách đã tới điểm thăm quan “Đá Sổ Đỏ” với những nét độc đáo, sáng tạo của đồng bào nơi đây về cách chia ruộng.

Du khách Nguyễn Đức Long (Hà Nội) bày tỏ: “Tôi đã đi du lịch nhiều nơi nhưng đây là lần đầu tiên chứng kiến ‘Đá Sổ Đỏ’, thấy được cách quản lý đất đai của người Mông ngày xưa. Tuy nhiên, nhiều vệt dấu hiệu mòn theo thời gian. Tôi mong lãnh đạo các cấp quan tâm, nghiên cứu, đầu tư cho việc bảo tồn di sản quý báu này”.

Hiện nay, phiến đá cổ có các vạch khắc được khai thác thành một điểm tham quan cho du khách mỗi khi đến đây du lịch. Bản Sin Suối Hồ cắm bảng chỉ dẫn và cổng đề dẫn có dòng chữ: Đá Sổ đỏ - di sản cổ đại của người Mông. Những phiến đá và hình khắc chính là chỗ dựa tinh thần của cả bản, khẳng định mảnh đất lập bản đã tồn tại nhiều đời. ‘Đá Sổ đỏ’ và những tiềm năng du lịch sẵn có cùng với cách làm du lịch độc đáo đã giúp bản Sin Suối Hồ thực sự là một điểm đến hấp dẫn, mời gọi du khách gần xa đến để hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, cùng khám phá và trải nghiệm - Ông Vàng A Chỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.