back

Báo Giáo dục và Thời đại Online E-magazine
Người dân bản Huồi Khả, xã Huồi Tụ đang thu hoạch chè Shan tuyết. Ảnh: Phạm Tâm.

Đồng bào Mông ở Kỳ Sơn thoát cái nghèo nhờ chè Shan tuyết

GD&TĐ - Đến huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) mùa này, dọc những sườn đồi rộn vang tiếng cười đùa của người Mông đang thu hoạch chè Shan tuyết.

Những người "thuần hóa" mảnh đất cằn

Kỳ Sơn là huyện miền núi biên giới khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An. Cách đây hơn 20 năm, đồng bào dân tộc Mông ở huyện Kỳ Sơn có nếp sống du canh du cư. Người dân thường đốt rừng làm rẫy, trồng ngô, trồng lúa nương lấy lương thực.

Thế nhưng, do địa hình nhiều đồi núi, khí hậu không phù hợp nên năng suất cây trồng thấp. Rừng bị tàn phá, nhưng cảnh nghèo đói vẫn đeo bám đồng bào Mông nơi đây.

Năm 2003, sau khi được thành lập, Tổng đội Thanh niên xung phong 8 - Xây dựng kinh tế Nghệ An (gọi tắt là Tổng đội TNXP 8) đã đưa giống chè Shan tuyết từ tỉnh Hà Giang đưa về trồng tại 2 xã Huồi Tụ và Mường Lống. Do đây là cây trồng mới, nên ban đầu cây chè đối mặt với nhiều hoài nghi của người dân địa phương về tính hiệu quả.

Mô hình trồng chè Shan tuyết dưới bóng cây pơ mu, sa mu ở xã Huồi Tụ. Ảnh: Phạm Tâm.

Mô hình trồng chè Shan tuyết dưới bóng cây pơ mu, sa mu ở xã Huồi Tụ. Ảnh: Phạm Tâm.

Là một trong những hộ tiên phong trồng cây chè Shan tuyết, ông Vừ Vả Chống (SN 1967, trú tại bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ) kể lại, thời điểm đó cán bộ Tổng đội TNXP 8 xuống tận bản vận động từng gia đình dành đất nhà trồng chè. Không chỉ được hỗ trợ cây giống, người dân còn được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và cam kết bao tiêu sản phẩm.

Có hơn 2ha đất rẫy trồng ngô nhưng năng suất kém, quanh năm làm không đủ ăn. Thấy được sự tâm huyết của cán bộ, gia đình ông Chống tin tưởng và quyết định chuyển sang trồng chè Shan tuyết.

Vài năm đầu, cây chè còn nhỏ chưa cho thu hoạch, trong khi đó phải tốn công chăm sóc, ông Chống cũng như nhiều hộ khác cảm thấy rất chán nản. Đến năm thứ 3, lứa chè đầu tiên được thu hoạch, đích thân cán bộ Tổng đội TNXP 8 xuống tận nương chè, hái từng búp chè, cân ký, rồi trả tiền.

Đến mùa này, dọc bên các sườn đồi ở Kỳ Sơn, đồng bào Mông lại nhộn nhịp, thi nhau thu hoạch chè. Ảnh: Phạm Tâm.

Đến mùa này, dọc bên các sườn đồi ở Kỳ Sơn, đồng bào Mông lại nhộn nhịp, thi nhau thu hoạch chè. Ảnh: Phạm Tâm.

Nhận được những đồng tiền đầu tiên từ cây chè ai cũng vui mừng, thở phào nhẹ nhõm. Từ đó, người dân ở Huồi Tụ bắt đầu truyền tai nhau tham gia các lớp tập huấn kĩ thuật, học cách trồng, chăm sóc, cắt cành tạo tán, thu hoạch chè…

“Từ sau 2005, khi vào vụ chè từ tháng 3 đến tháng 12 dương lịch, ngày nào mình hái và có tiền bán chè. Ngày ít cả hai vợ chồng hái được 30kg, ngày nhiều 80-100kg, tất cả đều được Tổng đội thu mua. Lúc bây giờ, cả gia đình sống nhờ vào nương chè, không phải lo lắng nữa”, ông Chống chia sẻ.

Hiện nay, đồi chè của ông Vừ Vả Chống tăng lên hơn 3ha. Không chỉ riêng cây chè, gia đình ông còn trồng xen cây pơ mu, sa mu để lấy bóng mát và chăn thả hàng trăm con gà. Nhờ mô hình trồng chè kết hợp chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân ở Huồi Tụ đã đến học tập và làm theo.

Mùa thu hoạch chè Shan ở Kỳ Sơn kéo dài từ tháng 3 đến tháng 12 Dương lịch. Ảnh: Phạm Tâm.

Mùa thu hoạch chè Shan ở Kỳ Sơn kéo dài từ tháng 3 đến tháng 12 Dương lịch. Ảnh: Phạm Tâm.

Hướng đi xóa đói giảm nghèo

Nhờ đặc điểm khí hậu quanh năm mát mẻ mà cây chè Shan tuyết ở Kỳ Sơn sinh trưởng tốt, búp to, cho năng suất cao. Trên những cung đường, hướng tầm mắt lên hai bên sườn đồi có thể dễ dàng bắt gặp những nương chè xanh mướt.

Đang hái những búp chè căng mọng còn vướng sương mai, ông Dềnh Vả Hùa (SN 1950, trú tại bản Huồi Khả, xã Huồi Tụ) cho biết, cây chè Shan tuyết bình quân mỗi năm cho thu hoạch 3 - 4 lứa, lứa thứ nhất thu hoạch vào cuối tháng 3 đến tháng 4, lứa thu hoạch này cho chất lượng chè tốt nhất.

Lứa thứ 2 thu hoạch vào tháng 5, tháng 6, lứa thu hoạch này cho năng suất cao nhất trong năm. Lứa thu hoạch thứ 3 cho thu hoạch vào tháng 8 và lứa thu hoạch thứ 4 cho thu hoạch vào tháng 11.

Những búp chè xanh mơn mởn được người dân thu hoạch cận thẩn. Ảnh: Phạm Tâm.

Những búp chè xanh mơn mởn được người dân thu hoạch cận thẩn. Ảnh: Phạm Tâm.

Theo người đàn ông này, trước đây, do giá chè thấp chỉ khoảng 5.000 đồng/kg chè búp tươi nên nhiều gia đình có ý định phá bỏ. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, giá chè ngày một nâng cao, Tổng đội TNXP 8 và thương lái về thu mua tận nhà nên bà con rất vui, yên tâm sản xuất.

“Gia đình tôi có hơn 2ha chè. Với mức giá thu mua 10.000 đồng/kg, mỗi năm đem lại thu nhập từ 80-90 triệu đồng. Trong bản Huồi Khả hầu như gia đình nào cũng trồng chè, nhà ít 2ha, nhà nhiều thì 5-7ha. Nhờ cây chè mà chúng tôi thoát được cái nghèo, cái khổ, con cái có điều kiện học hành”, ông Hùa chia sẻ.

Cây chè ngày càng đóng vai trò quan trọng giúp người Mông ở Kỳ Sơn thoát nghèo, phát triển kinh tế. Ảnh: Phạm Tâm.

Cây chè ngày càng đóng vai trò quan trọng giúp người Mông ở Kỳ Sơn thoát nghèo, phát triển kinh tế. Ảnh: Phạm Tâm.

Ông Mùa Bá Giờ - Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn cho biết, hiện toàn xã đang có trên 400ha chè Shan tuyết; trong đó, hơn 200ha đang bắt đầu vào vụ thu hoạch.

Với mức giá từ 9.000-11.000 đồng/kg chè búp tươi, tính ra hơn 1ha chè thu về gần 40-50 triệu đồng/năm. Đối với đồng bào dân tộc Mông, đây là số tiền lớn, đủ để trang trải cuộc sống gia đình.

“Đối với đồng bào người Mông ở xã Huồi Tụ, cây chè Shan tuyết đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân phát triển kinh tế. Hiện nay, xã Huồi Tụ đang thống kê diện tích đất và tuyên truyền vận động người dân mở rộng diện tích chè”, ông Giờ chia sẻ.

Theo thống kê, huyện Kỳ Sơn hiện có hơn 600ha chè; trong đó, có 400ha chè Shan tuyết tập trung chủ yếu tại các xã Huồi Tụ, Mường Lống, Na Ngoi… đạt sản lượng 1.400 tấn chè tươi/năm.

Hiện, chính quyền huyện Kỳ Sơn đã thông qua đề án phát triển cây trồng chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP giai đoạn 2021-2025. Trong đó, cây chè Shan tuyết là một trong những cây trồng chủ lực của huyện.

Mặc dù mới chỉ dừng lại ở sản phẩm nguyên liệu, nhưng từng bước phát triển của cây chè Shan tuyết đang là hướng đi vững chắc của đồng bào dân tộc Mông ở Kỳ Sơn. Đồng thời, góp phần đưa tỉnh Nghệ An trở thành một trong những địa phương trồng chè nổi tiếng cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ