Cần chính sách đưa năng lượng tái tạo lên điện lưới
Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VIII) mới đây được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, dự thảo được đưa ra lấy ý kiến còn nhiều lĩnh vực cần được nghiên cứu kỹ lưỡng; trong đó, có vấn đề các chính sách để đẩy mạnh nguồn năng lượng tái tạo lên lưới.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam (thành viên Hội đồng phản biện Đề án Quy hoạch Điện VIII) cho rằng, dự thảo Quy hoạch Điện VIII lần này vẫn chưa tính toán kỹ lưỡng tới vấn đề lưới truyền tải điện, còn đang ở các phương án nếu - dựa trên cơ sở “kịch bản đề xuất” và tiềm năng của các tỉnh - nên rất khó triển khai trên thực tế.
Đó là chưa kể khi nguồn điện năng lượng tái tạo được đưa vào nhiều sẽ gây rủi ro lớn cho hệ thống điện. Phải đưa ra một phương án lưới chắc chắn ít nhất là đến 2030 và không được dưới mức giới hạn thì mới làm được, bởi hiện yêu cầu cho lưới truyền tải điện rất cao. Đây là vấn đề khó của quy hoạch khi đưa vào nhiều năng lượng tái tạo.
TS Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia năng lượng, nguyên Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng cho rằng, thời gian qua, chủ đầu tư phải chịu hậu quả của việc phát triển điện tái tạo quá nóng nhưng chưa thấy dự thảo Quy hoạch Điện VIII đưa ra giải pháp khắc phục. Nhiều nguồn phát nhưng chúng ta không thể phát lên lưới. Điều này làm giảm hiệu quả đầu tư và sức hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này.
“Cần phải chấm dứt việc chạy theo đề xuất của chủ đầu tư, nhét dự án vào quy hoạch bất chấp mọi cân đối về nguồn và lưới. Quy hoạch điện phải bám vào Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, thể hiện các thông tin về việc thời điểm nào cần dự án ra sao và đặt ở đâu.
Từ đó, sẽ quyết định dự án phù hợp xuất hiện ở thời điểm phù hợp để tối ưu hóa được việc phân bổ nguồn lực, thay vì nguồn có nhiều mà không phát lên lưới được, người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi”, TS Nguyễn Thành Sơn nêu.
Thực tế thời gian qua, nhiều nhà đầu tư điện mặt trời đã “khóc ròng” khi buộc phải tiết giảm nguồn phát do nhu cầu giảm và có thời điểm lưới điện truyền tải không theo kịp, gây lãng phí nguồn lực lớn của xã hội và gây rủi ro cho nhà đầu tư tư nhân. Ngay cả khi truyền tải đáp ứng được thì tỷ trọng điện tái tạo quá lớn cũng đặt ra những lo lắng về độ an toàn hệ thống điện do đặc tính “thất thường của thời tiết”.
Dừng các dự án điện than mới
Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho rằng, bản dự thảo cần có đánh giá về thách thức của biến đổi khí hậu và dịch bệnh, các tác động với sức khỏe cộng đồng với tính khả thi của Quy hoạch điện VIII.
Bà Khanh cho biết, theo quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị: “Ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới”; đồng thời từ bài học của giai đoạn quy hoạch trước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh Covid-19 đòi hỏi các quốc gia hướng tới phục hồi xanh, Quy hoạch điện VIII cần đưa ra những giải pháp khả thi, đột phá, bám sát và khai thác cơ hội từ những xu thế mới để dự báo, định hướng phát triển ngành điện theo hướng bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tiếp tục phát triển nhiệt điện than sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế chuyển dịch xanh của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, phát triển điện than làm tăng thêm rủi ro khi Việt Nam đứng trước nguy cơ phải phụ thuộc vào nguồn cấp vốn duy nhất là Trung Quốc. Ngoài ra, việc gia tăng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu than, khí cho phát điện sẽ đặt ra nhiều rủi ro với an ninh năng lượng quốc gia.
Trong khi đó, tiềm năng của năng lượng tái tạo lại chưa được tận dụng đúng mức (tổng công suất huy động của năng lượng tái tạo chỉ chiếm 4% vào năm 2030) và nguồn vốn cho loại hình năng lượng này lại khá đa dạng, từ nhiều thị trường trong và ngoài nước.
Ông Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng bản dự thảo Quy hoạch điện VIII đã chú ý đến vấn đề môi trường, phát triển bền vững khi lần đầu tiên lượng hóa được các ô nhiễm thành tiền. Tuy nhiên, quy hoạch vẫn đang “luẩn quẩn” với tuy duy cũ về phát triển điện than.
Việc tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sẽ chủ yếu sử dụng than nhập khẩu. Tại sao không phát triển các dạng năng lượng khác thay thế than, trong khi tiềm năng điện gió và điện mặt trời của Việt Nam là rất lớn. Thậm chí, Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ đến xuất khẩu điện chứ không phải nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc, như trong bản dự thảo hiện nay.
TS Ngô Đức Lâm, ước tính trong tổng số vốn dự kiến đầu tư làm điện trong 10 - 15 năm tới, vốn do Nhà nước đầu tư chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại 80% phải đi vay từ các quỹ, tổ chức tín dụng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng cũng rất khó khăn.
Bởi hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng cũng đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật về bảo vệ môi trường khi cho vay các dự án điện. Câu chuyện về tài chính để đầu tư, phát triển năng lượng tiếp tục là thách thức đối với cơ quan quản lý nếu không có sự thay đổi trong quy hoạch.