Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế

GD&TĐ - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quang Khánh.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quang Khánh.

Những thành tựu nổi bật

Trong những tháng cuối năm 2021, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Tình hình kinh tế-xã hội những tháng cuối năm phục hồi rõ nét và có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2021. Theo đó, 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021, một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội  đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,84%; bội chi ngân sách nhà nước là 3,41% GDP; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6%; xuất siêu đạt 4 tỷ USD,…

Những kết quả đạt được nêu trên là rất đáng trân trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư với chủng Delta nguy hiểm và lây lan nhanh hơn, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội.

Kết quả đó khẳng định sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhất là trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Những tháng đầu năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, nhiều nội dung của Chương trình được Chính phủ triển khai kịp thời như chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động; công tác chăm lo, bảo đảm đời sống nhân dân được chú trọng,…

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với nhiều địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

5 chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng không đạt mục tiêu

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, đa số các vị đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế.

Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ ra rằng, năm 2021 có 5 chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng không đạt mục tiêu, công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, thu ngân sách vượt dự toán nhưng chưa bền vững, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu,..

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng cần quan tâm, đánh giá kỹ lưỡng hơn về kinh tế vĩ mô; nguy cơ bùng phát dịch; việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội; tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chi phí đầu vào tăng;…

Đóng góp ý kiến cụ thể về nội dung này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho biết, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam được đánh giá cao về công tác phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế so với các nước trên thế giới.

Hiện nay, an ninh lương thực cơ bản đảm bảo, những vấn đề khác đang tiếp tục phục hồi và có những bước đi ngày càng phát triển. Có thể nói, những kết quả đạt được về phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua là sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị, cũng như sự điều hành của Chính phủ và các địa phương trong việc tìm ra những giải pháp để vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch cũng như vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có sự đóng góp rất lớn của nhân dân.

Tuy nhiên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang chỉ ra rằng giữa tờ trình của Chính phủ với Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế chưa có sự thống nhất về các chỉ tiêu, do đó đề nghị Chính phủ cần rà soát, bổ sung các chỉ tiêu sao cho thống nhất với cơ quan thẩm tra.

Bên cạnh đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng đề nghị Chính phủ cũng quan tâm đến sự biến động của giá cả thị trường. Trong đó, tình trạng tăng vật tư nguyên liệu là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là nông dân. Đồng thời có những chính sách quan tâm hỗ trợ, đặc biệt trong thời điểm thực hiện phục hồi phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.