Bảo tàng hút khách nhờ công nghệ

GD&TĐ - Trên thế giới việc đưa công nghệ 3D vào gìn giữ và phát huy tối đa các giá trị di sản đồng thời thu hút khác tới bảo tàng đã được áp dụng từ lâu. 

Bảo tàng hút khách nhờ công nghệ

Tại Việt Nam, phương pháp này đã được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia áp dụng để bảo quản các sưu tập hiện vật quý. Sau thời gian triển khai đã cho thấy hiệu quả của công nghệ 3D mang lại. Nó không chỉ giúp khách tham quan tương tác mà còn quản lý hiện vật một cách linh hoạt.

Hướng đi phù hợp

Khi xã hội ngày càng phát triển thì việc đưa công nghệ ứng dụng vào mọi hoạt động là điều tất yếu. Việc ứng dụng công nghệ trong các công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử cũng là việc cần thiết phải đầu tư trong bối cảnh hiện nay của các bảo tàng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và hoạt động.

Từ lâu, các bảo tàng hàng đầu trên thế giới có bề dày lịch sử phát triển đã sớm tiếp cận, ứng dụng một cách đồng bộ các thành tựu khoa học kỹ thuật trong tất cả các hoạt động trưng bày và giới thiệu trưng bày. Trong đó, ứng dụng công nghệ 3D để phục vụ cho việc quản lý lưu trữ, nghiên cứu khoa học và phục chế hiện vật luôn được chú trọng.

Ở Việt Nam, quy trình thực hiện số hóa được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thực hiện qua công đoạn chính gồm: Số hóa các hiện vật; Lập trung tâm dữ liệu để quản lý khai thác thông tin hiện vật một cách thuận tiện, đảm bảo an toàn thông tin hiện vật đã được số hóa; Tổ chức việc cung cấp thông tin của hiện vật đã được số hóa phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu; Trưng bày ảo phục vụ khách tham quan tại bảo tàng hoặc thông qua mạng Internet và các phương tiện khác…

Được biết hàng chục bảo vật quốc gia tại Bảo tàng đã được số hóa. Theo thông tin từ bảo tàng, các bảo vật quốc gia này là những hiện vật có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào gìn giữ và phát huy giá trị các bảo vật nói chung cũng như hiện vật tại bảo tàng nói riêng sẽ tạo ra những cơ hội mới để từ nội dung tới hình thức của bảo tàng trở nên hấp dẫn hơn, hiện đại hơn.

Tuy nhiên từ đây cũng đặt ra những thách thức lớn với công tác bảo tàng bởi nhu cầu thưởng ngoạn các giá trị lịch sử, văn hóa của công chúng ngày càng cao.

Có thể nói, mặc dù chưa phải là nước phát triển mạnh về công nghệ nhưng với bước đi kịp thời này Việt Nam đã nhanh nhạy trong việc ứng dụng công nghệ để bảo tồn di sản, quảng bá giá trị lịch sử. Đây là hướng đi cần thiết không chỉ giúp người dân trong nước mà cả bạn bè quốc tế sẽ biết đến giá trị di sản văn hóa Việt Nam một cách cụ thể và rõ ràng.

Và từ những thành công trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học vào nhiều dự án như: số hóa linh vật Việt, xây dựng bảo tàng ảo tương tác 3D, trùng tu tháp Chăm… đã cho thấy hướng đi mới, hoàn toàn đúng đắn của ngành văn hóa khi quyết định đưa công nghệ vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử và di sản của đất nước.

Cơ hội đồng hành với thách thức

Theo đánh giá chung của các nhà khoa học và giới chuyên môn trong công tác bảo tàng thì việc ứng dụng khoa học công nghệ vào gìn giữ và phát huy các giá trị Di sản văn hóa nói chung, các hiện vật bảo tàng nói riêng tạo ra những cơ hội mới để các bảo tàng trong nước trở nên hấp dẫn, hiện đại hơn.

Song điều đó cũng đồng hành với hàng loạt thách thức đặt ra khi công tác bảo tàng của Việt Nam còn nhiều bất cập, cũ kỹ, lạc hậu... trong bối cảnh bởi nhu cầu thưởng ngoạn giá trị lịch sử, văn hóa của công chúng tăng cao.

Anh Hà Kiên (Hà Nội) là người thường đưa hai con tới bảo tàng cho biết: Không chỉ bản thân anh mà các con đều háo hức với công nghệ mới 3D tại bảo tàng. Người xem không cần phải tiếp xúc trực tiếp đến hiện vật, không làm ảnh hưởng đến hiện vật mà vẫn có thể cảm nhận được sự sinh động, hấp dẫn.

Cũng theo anh Kiên, đến bảo tàng vốn dĩ là một cách học tập hiệu quả thực tế thì việc làm phong phú hơn cách bảo quản, cách tiếp xúc với hiện vật càng khiến người xem hứng thú và muốn đến bảo tàng. Việc học tập, thu thập thông tin cần thiết càng thuận tiện nhanh chóng, hiệu quả.

Dưới góc độ chuyên môn, Trung Dũng - chuyên ngành về công nghệ thông tin đánh giá: công nghệ thông tin phát triển rất mạnh mẽ, việc quản lý và trưng bày các hiện vật của bảo tàng bằng kỹ thuật số hóa vừa phát huy được khả năng to lớn của công nghệ tin học mà lại không quá phức tạp, tốn kém như những năm trước đây.

Tạo ra những điểm nhấn hấp dẫn mới từ công nghệ thông tin là xu hướng của nhiều ngành nghề khác trong xã hội hiện nay chứ không riêng gì các bảo tàng trong nước… Ứng dụng công nghệ vào các hoạt động của bảo tàng thực sự cần thiết và trở thành cơ hội lớn kéo khách tham quan đến với bảo tàng nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng không thể phụ thuộc và coi công nghệ thông tin như mấu chốt chính trong việc thu hút du khách tìm đến.

Hơn thế khi ứng dụng công nghệ thông tin các bảo tàng vẫn phải chủ động để khắc phục hàng loạt nhiều khó khăn nhìn thấy. Bên cạnh việc nâng cấp chuyên môn nghiệp vụ với đội ngũ nhân viên bảo tàng thì cũng phải đầu tư những khoản kinh phí cho việc lắp đặt, vận hành các thiết bị công nghệ.

Mặt khác, việc số hóa cũng đòi hỏi phải xây dựng được những nội dung trưng bày hiện đại, tạo sự tương tác với khách tham quan, giúp người xem có thể tham gia vào các hoạt động bảo tàng làm cho hoạt động bảo tàng sống động hơn. Đáp ứng được điều đó thì công nghệ số hoá mới phát huy hết tác dụng trưng bày hiện vật dạng số hóa một cách rộng rãi đến công chúng ở mọi thời gian, địa điểm khác nhau.

Quá trình số hóa hiện vật cũng đòi hỏi phải làm tốt tối đa phần nội dung tài liệu hiện vật vì máy móc có thể thay thế nhưng thông tin về hiện vật thì ngay từ đầu phải được lưu giữ một cách đầy đủ, chuẩn xác và phải thường xuyên được bổ sung hoàn thiện…

Công nghệ 3D không chỉ giúp khách tham quan có thể tương tác để xem thông tin chi tiết, lịch sử các hiện vật và tư liệu trưng bày mà còn là công cụ hữu hiệu giúp các bảo tàng quản lý các hiện vật một cách linh hoạt, thuận tiện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý di sản quốc gia.

Tuy nhiên cơ hội và thách thức luôn đi liền nhau vì vậy đòi hỏi ngành bảo tàng nói chung không ngừng nỗ lực để có kết quả tốt hơn mà phải có những bước đi chiến lược, lâu dài để có được hiệu quả bền vững.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động bảo tàng – vận hội mới cho các bảo tàng trong công cuộc phục vụ và thu hút du khách. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động đến đâu vẫn phụ thuộc lớn vào sự nỗ lực của các bảo tàng trong công cuộc làm mới và chuyên nghiệp bản thân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.