Khái lược tiến trình của nền học thuật Việt Nam

GD&TĐ - Lịch sử 4.000 năm của dân tộc Việt Nam luôn tự hào gắn liền với “văn hiến”.

Lớp học tại nhà thầy đồ. Ảnh: INT
Lớp học tại nhà thầy đồ. Ảnh: INT

Có thể nói, từ khi xuất hiện, dân tộc ta đã không ngừng học tập với mong muốn trở thành một dân tộc tiến bộ gắn liền với những khát vọng tốt đẹp.

Những chặng đường đầu tiên của sự học

Sự học khai sinh từ lúc con người xuất hiện và có các hoạt động cơ bản để duy trì sự sống như hái lượm, săn bắt. Khi công cụ lao động phát triển, xã hội nguyên thủy bước đầu đã thiết lập thành công phương thức phân công lao động nông nghiệp và tổ chức sản xuất nông nghiệp cơ bản, học cách tạo ra nguồn lương thực, truyền đạt kinh nghiệm, phản ánh thế giới tự nhiên cũng như cộng tác với những cá thể, cộng đồng khác.

Nhờ tiếng nói đạt đến mức độ tinh vi, sở hữu năng lực biểu đạt bằng tranh vẽ và chữ tượng hình, con người tạo nên một chặng đường phát triển cho sự học. Ngoài ra, kiến thức được tiếp thu và tiếp biến từ các luồng di cư (chủ yếu từ Trung Hoa) cũng góp phần định hình nền học thuật sơ khai trên đất Việt.

Vùng địa lý Bắc Việt Nam là khu vực quần tụ dân cư sớm nhất trong lịch sử khu vực. Trước giai đoạn Bắc thuộc, văn hóa Đông Sơn là gốc rễ của nền văn minh nước ta. Chúng ta chưa có chữ viết. Sau khi bị nhà Hán (206 TCN - 220) đô hộ, người Việt bắt buộc phải dùng chữ Hán làm chữ viết chính thức để học tập và giao tiếp với hệ thống cai trị. Từ đó, Khổng giáo cũng du nhập theo.

Giai đoạn Việt Nam trước thời kỳ Bắc thuộc được nhiều sử gia nói đến, nhưng người mô tả tin cậy và chi tiết có thể kể đến giáo sư người Mỹ Keith Weller Taylor, tác giả quyển sách “Việt Nam thời dựng nước” (The Birth of Vietnam), được trao giải Việt Nam học năm 2015.

Keith Weller Taylor cho rằng không gian huyền sử từ thủy thần Lạc Long Quân đã phản ánh ý niệm quyền lực chính trị tối cao là “ý thức về dân tộc mình”. Vì thời kỳ này người Việt chưa có chữ viết cho nên “khác biệt và có ý thức về mình tức là có học”. Cái học đó có trước và khác thời Nho giáo.

Sự học mở mang cuối thời kỳ Bắc thuộc đến cuối thế kỉ XIV

Lớp học tại nhà thầy đồ. Ảnh: INT
Lớp học tại nhà thầy đồ. Ảnh: INT

Những nhân vật nổi bật về mặt văn hóa thời kỳ đầu Bắc thuộc có thể kể đến là Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp. Họ là quan cai trị được cử đến Việt Nam và từng nỗ lực cải cách học chính, điển hình như đề cao nhân chính, thi hành chính sách giáo hóa, tuyển dụng nhân tài người Việt.

Giai đoạn Thái thú Sĩ Nhiếp cai trị Giao Chỉ còn đánh dấu sự xuất hiện của những người Việt đầu tiên làm việc cho triều đình phong kiến Trung Quốc. Do sự thỉnh cầu khẩn thiết của Thứ sử Lý Tiến, năm 200, Hán Hiến Đế xuống chiếu lấy một người mậu tài của Giao Châu làm Huyện lệnh Hạ Dương, một người hiếu liêm làm Huyện lệnh Lục Hợp.

Sau đó, hai người Giao Châu là Lý Cầm làm quan đến Tư lệ hiệu úy, Trương Trọng làm Thái thú Kim Thành. Người Việt được cùng tuyển dụng như người Hán là mở đầu từ Lý Cầm, Trương Trọng.

Sự học Việt Nam trước thế kỉ XV nổi bật với sự kiện nhà Lý mở kỳ thi chính thức đầu tiên vào năm 1075, gọi là Minh kinh bác học. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập ra Quốc Tử Giám.

Tuy nhiên, hệ thống các trường tư đã có từ sớm, mặc dù tổ chức còn mang tính địa phương, tự phát. Mặc dù sử dụng chữ Hán nhưng việc học hành và khoa bảng thời kỳ này chưa thực sự ảnh hưởng nặng nề bởi giáo lý Nho học mà còn chú trọng các kiến thức từ cuộc sống.

Khối lượng tri thức vẫn được lưu truyền dưới hình thức “truyền khẩu”. Mãi đến đời Trần mới có Nho sĩ tổng hợp thành văn mà tiêu biểu là Lĩnh Nam Chích Quái. Khi ghi lại, hậu thế đã có sự bổ sung thêm kiến thức Nho gia.

Suốt thời kỳ Bắc thuộc, sự học của người Việt chủ yếu tiếp thu từ Trung Hoa vì áp lực bị đô hộ, quá trình rập khuôn Nho học và nhu cầu giao thoa với các luồng di dân từ phương Bắc.

Song song với Nho học, luồng tri thức của Phật giáo được các tu sĩ giữ vai trò quan trọng trong xã hội truyền bá. Thời Lý - Trần, nhiều trường học lớn do tự viện mở ra. Lý Công Uẩn là điển hình cho việc trưởng thành dưới bóng Bồ đề.

Học vì khoa cử có từ thế kỉ XI nhưng nhu cầu khoa cử chưa được quy củ hay pháp điển hóa. Sau khoa thi đầu tiên năm 1075, nhà Lý tổ chức các khoa thi rời rạc. Có giai đoạn 66 năm mới ghi nhận việc tổ chức một khoa thi (1086 - 1152).

Mãi đến năm 1232, dưới thời nhà Trần, khoa cử mới bắt đầu lại và từ đó ổn định theo quy củ. Năm 1247, triều đình đặt lệ thi lấy Tam khôi gồm ba người đỗ đầu là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Cứ bảy năm  mở một kì thi, mỗi kì thi khoảng 5.000 thí sinh nhưng chỉ lấy khoảng 50 người đỗ. Năm 1281, trường học công lập đầu tiên mới được mở ở    phủ Thiên Trường.

Năm 1304, Đoàn Nhữ Hài làm Tri khu mật viện sự, tạo ra một bước ngoặt mới liên quan đến con đường công danh gắn liền với khoa bảng của Nho sinh. Đây là chức vụ rất quan trọng dưới triều Trần mà một Nho sinh ngoại tộc được ban, thông thường chỉ giao cho những người tôn thất.

Từ độc tôn Nho học đến khởi xướng nền thực học

Vinh quy bái tổ. Ảnh: INT
Vinh quy bái tổ. Ảnh: INT

Độc tôn Nho học là nền học chính thống duy nhất từ thế kỉ XV (nhà Lê) đến giữa thế kỉ XIX (nhà Nguyễn). Quá trình này khởi đầu từ khi Lê Lợi cần sự ủng hộ của tầng lớp Nho sĩ lúc khởi nghĩa. Khi lên ngôi vua, ông đẩy mạnh đào tạo tầng lớp Nho sĩ vì nhận ra lý thuyết của Nho giáo có lợi cho việc tạo thể chế chính trị thống nhất, giúp ông kết nối lại đất nước đang trong tình cảnh rời rạc.

Sự độc tôn Nho giáo đã tạo ra sức mạnh thống nhất để đánh đuổi ngoại xâm và xây dựng đất nước phồn vinh dưới các triều Lê, Nguyễn. Tuy nhiên, Nho giáo dần trở thành sợi dây trói buộc sự tiến bộ xã hội, nhất là “tam cương” đã tạo ra sự “ngu trung”, kiềm hãm các tư tưởng cấp tiến.

Thời này, công sức lao động chủ yếu thuộc về tầng lớp nông dân nhưng sự giàu có lại ở tầng lớp quan lại, quý tộc. Đây chính là cội rễ tạo ra tư tưởng học để đi thi ra làm quan. Tư tưởng này còn tồn tại dai dẳng trong tiềm thức của người Việt Nam đến hôm nay.

Giữa thế kỉ XIX, triều đình nhà Nguyễn rệu rã và hủ bại, nước nhà đứng trước mối đe dọa ngoại bang, việc làm quan thực tế không còn quyền lợi như thời kỳ trước nữa nhưng vô số Nho sĩ vẫn học thi để làm quan theo quán tính cũ.

Các nhà Nho cấp tiến như Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh bắt đầu kêu gọi cải cách giáo dục. Họ phản biện lại cách học cũ, cho rằng nó không mang lại sự tiến bộ cho xã hội. Họ đề cao cách học làm chủ tri thức, thông qua tra vấn, phát kiến để tìm lời giải cho các vấn đề thực tế.

Nguyễn Trường Tộ từng dâng lên vua những lời tâm huyết: “Không phải muốn bỏ hết cái cũ mà mưu cầu cái mới. Ngoài cái hay của mình có sẵn còn phải gồm cả những cái hay của thiên hạ mới sáng tạo ra. Như thế những cái mới thiên hạ có thì mình cũng có và những cái mình có sẵn thì thiên hạ không có!”. Tuy nhiên, triều đình nhà Nguyễn vẫn bỏ ngoài tai.

Mãi đến khi thực dân Pháp thông qua bốn bản Hiệp ước chia nước ta thành ba Kỳ và thực hiện công cuộc khai thác thuộc địa thì đến năm 1919 kỳ thi Hội và thi Đình được tổ chức lần cuối cùng theo lời chỉ dụ của vua Khải Định: “Kỳ thi năm nay là khoa   thi cuối cùng, đường khoa cử từ nay dứt hẳn”.

Lệ định khoa thi Hội cũng có nhiều thay đổi. Tại vòng thi thứ nhất, ngoài các bài thi về văn sách, kinh nghĩa, truyện và thời sự, thí sinh còn phải làm một bài về sử Việt Nam và một bài về sử phương Tây.

Vòng thứ hai, ngoài toán còn phải làm một bài luận ngữ bằng chữ quốc ngữ. Vòng thứ ba, dịch một bài chữ quốc ngữ sang tiếng Pháp và một bài Pháp ngữ sang tiếng Hán, cùng một bài luận bằng Pháp ngữ bắt buộc.

Bên cạnh đó, những cuộc vận động canh tân đầu thế kỷ XX của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh tuy mau chóng bị dập tắt nhưng cũng để lại tiếng vang rất lớn, thức tỉnh trí thức đương thời, tạo nên bước ngoặt quan trọng để xoay chuyển nền học chính quốc gia vào con đường cứu quốc, giải phóng dân tộc.

Giải quyết những vấn đề của sự học ngày nay

Sau khi nước nhà độc lập và thống nhất thì nền giáo dục gặp phải thách thức cố hữu của hệ thống giáo dục đại học Á Đông, Đó là lối học giáo điều; thiếu liên kết tri thức về đa ngành và liên ngành; thiếu tự do học thuật, tư duy phản biện; thiếu năng lực giải quyết vấn đề để đổi mới và sáng tạo.

Theo quán tính, sinh viên ĐH thường chỉ thụ động tiếp nhận tri thức mà không chú trọng xây dựng và bảo vệ chính kiến. Đặc biệt là thiếu khả năng điều chỉnh nhận thức, tư duy trước thông tin mới, tình thế mới.

Thực trạng đó phản ánh sự đứt gãy sâu sắc của quá trình xây dựng nền học thuật hậu thuộc địa. Sau năm 1945 đến trước năm 1975, ở các đô thị miền Nam và miền Bắc đều có chủ trương về việc định hình nền học thuật hậu thuộc địa. Tuy nhiên, do chiến sự kéo dài, quá trình này cũng diễn ra manh mún, nhiều biến động.

Ở thời điểm hiện tại, khi nghĩ về tương lai của nền học thuật nước nhà, người dạy và người học nên tự tạo cho mình một tâm thế đúng đắn. Phải trả lời tuần tự các câu hỏi: Mục tiêu trong cuộc sống là gì? Làm sao sống có ý nghĩa? Học để làm gì? Vì sao phải đi học? Giáo dục là gì?

Hiểu cho đúng về thời đại mà chúng ta sống, về toàn cầu hóa, về những thành quả và thách thức đương thời là chìa khóa để mỗi người xây dựng đường lối học tập nghiêm túc đồng thời lựa chọn cách thức tiếp cận học thuật sáng suốt.

Việc trau dồi tri thức là việc diễn ra liên tục, thực chất chứ không còn mang bản chất onetime learning (học một lần sử dụng cả đời) như xã hội mà ông cha ta từng biết khoảng 50 năm về trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ