GS.TS Tạ Ngọc Đôn: Đề cao liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu

GD&TĐ - Chính sách phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) nói chung và trong cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) đã có nhưng nhiều khi chưa đi vào thực tiễn. Mặt khác, thực tế đặt ra yêu cầu phải bổ sung chính sách mới để theo kịp sự phát triển của xã hội dựa trên giao quyền tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình của CSGDĐH. Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với GS.TS Tạ Ngọc Đôn Vụ trưởng Vụ KHCN & MT (Bộ GD&ĐT) về những trăn trở liên quan lĩnh vực trên.

Phòng thí nghiệm công nghệ cao tại ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Ngọc Dư
Phòng thí nghiệm công nghệ cao tại ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Ngọc Dư

- Trước bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ, theo ông hoạt động KH&CN trong CSGDĐH có theo kịp?

- Bộ GD&ĐT đang quản lý trực tiếp hoạt động KH&CN của 43 đại học, trường đại học, học viện và trường cao đẳng sư phạm, viện nghiên cứu. Số lượng tiến sĩ trong CSGDĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT hiện chiếm 38% tổng số tiến sĩ trong 235 CSGDĐH cả nước hiện nay. Tuy số lượng CSGDĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT chỉ chiếm 18,2% số lượng CSGDĐH trong cả nước, nhưng lực lượng cán bộ KH&CN lại chiếm đến 33% và có chất lượng tốt, đóng góp quan trọng vào kết quả hoạt động KH&CN chung của cả nước.

Trong 7 năm qua (2014 - 2020), Bộ KH&CN đã trao 20 giải thưởng Tạ Quang Bửu, trong đó có 12 giải thuộc CSGDĐH và có 4 giải của CSGDĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT. Kết quả công bố ISI năm 2019: Cả nước có 7.705 bài, trong đó toàn hệ thống giáo dục đại học có 6.549 bài (85%), các CSGDĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT có 2.412 bài (36,8%). Công bố Scopus tính đến tháng 2/2020: Top 49 CSGDĐH Việt Nam năng suất cao nhất (trích dẫn nhiều nhất), có 25 CSGDĐH trực thuộc Bộ; tốp 10 CSGDĐH, có 5 CSGDĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, đó mới xét đến khía cạnh công bố quốc tế. Các công bố khoa học dưới dạng sáng chế, giải pháp hữu ích và công trình nghiên cứu được chuyển giao vào thực tiễn sản xuất để tạo ra hàng hóa phục vụ cộng đồng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Vì sao các công bố khoa học dưới dạng sáng chế, giải pháp hữu ích và công trình nghiên cứu được chuyển giao vào thực tiễn sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu ?

- Hoạt động ở CSGDĐH, dù theo định hướng nghiên cứu hay ứng dụng, đều phải thực hiện hai nhiệm vụ là đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, hiện nay nguồn thu từ hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ ở CSGDĐH rất hạn chế. Câu hỏi đặt ra là vì sao CSGDĐH chưa thực hiện tốt nhiệm vụ này. Vấn đề là chính sách để các trường thực hiện. Nếu chúng ta cải thiện được những khó khăn về chính sách sẽ tạo được thay đổi đột phá. 

Cơ chế phải làm sao để giúp các trường vừa tăng số lượng công bố quốc tế bằng thực lực của mình, vừa phải đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao công nghệ. Cái đích cuối cùng của nghiên cứu khoa học trong CSGDĐH là phải tạo ra nhiều công nghệ, sản phẩm mới và được chuyển giao vào sản xuất để tạo ra hàng hóa có hàm lượng tri thức cao phục vụ xã hội và cộng đồng.

GS.TS Tạ Ngọc Đôn.
GS.TS Tạ Ngọc Đôn.

- Ồn ào về việc mua bán hay trao đổi bài báo khoa học quốc tế tại một số CSGDĐH  nhận được ý kiến trái chiều từ các  nhà nghiên cứu. Bộ GD&ĐT có giải pháp gì để bài trừ  biến tướng trong học thuật?

- Để có căn cứ thực tiễn cho việc xây dựng chính sách mới phát triển KH&CN trong CSGDĐH, Bộ GD&ĐT đã rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng và tác động kinh tế - xã hội của chính sách. Trong đó làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, bất cập cần giải quyết, từ đó đề xuất hoàn thiện chính sách về hoạt động KH&CN trong CSGDĐH ở Việt Nam  thời gian tới. 

Đặc biệt, cần khẩn trương có chính sách thúc đẩy thành lập quỹ phát triển KH&CN trong CSGDĐH để tập trung nguồn lực đầu tư cho hoạt động KH&CN ở cơ sở; đa dạng hóa các nhiệm vụ KH&CN các cấp từ nguồn kinh phí ngoài ngân sách. Một bước đột phá nữa là xây dựng  nhóm nghiên cứu mạnh để giải quyết các vấn đề lớn của quốc gia, tạo ra công nghệ, sản phẩm mới trong những lĩnh vực ưu tiên góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Ngoài ra, đã đến lúc phải có chính sách bảo đảm “liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu” cho những người làm khoa học. Vừa tạo hành lang pháp lý, vừa tuyên tuyên truyền để các nhà nghiên cứu giữ đạo đức khoa học của mình. Kiên quyết lên án và bài trừ  biến tướng trong học thuật vì mục đích thương mại hóa không trong sáng.

Thêm nữa, chúng ta nói nhiều đến công bố quốc tế, vậy tại sao lại không tính đến chuyện phát triển hệ thống 600 tạp chí khoa học trong nước hiện nay để trở thành tạp chí quốc tế ở Việt Nam.

Những vấn đề trên Bộ GD&ĐT đưa vào dự thảo Nghị định quy định hoạt động KH&CN trong CSGDĐH và được Bộ Tư pháp thẩm định, sẽ trình Chính phủ trong tháng 9/2020. Khi các chính sách này được Chính phủ thông qua, nhất định KH&CN nước nhà sẽ có bước chuyển tích cực và KH&CN sẽ có đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Chúng tôi đã tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia, tọa đàm theo chuyên đề lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học về các giải pháp phát triển KH&CN. Trong đó, tập trung vào các vấn đề trọng tâm: Đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ trong trường đại học; cách thức hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp; thành lập doanh nghiệp và đăng ký doanh nghiệp KH&CN trong trường đại học; đầu tư tập trung cho các trường có thế mạnh về nghiên cứu; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong CSGDĐH; hợp tác quốc tế và về truyền thông KH&CN. - GS.TS Tạ Ngọc Đôn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ