Từ đó, khiến phổi bị xơ hóa. Yếu tố khác là do phản ứng của hệ miễn dịch. Bởi, khi virus xâm nhập, hệ miễn dịch được kích hoạt.
2 - 6% người xơ phổi hậu Covid-19
ThS.BS Nguyễn Chí Tuấn - Trung tâm Nội hô hấp, Bệnh viện Quân y 103 - cảnh báo, người dân không nên chủ quan nếu cảm thấy khó thở, hụt hơi, ho kéo dài, đau tức ngực, suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế hoạt động thể lực hậu Covid-19. Bởi, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ quan hô hấp, đặc biệt là phổi, đang bị tổn thương.
“Virus SARS-CoV-2 tấn công vào cơ thể có thể gây phản ứng viêm, xơ hóa, rối loạn đông máu. Lâu dài có thể gây ra các tổn thương phổi. Trong đó, xơ phổi và tắc mạch phổi là 2 di chứng nặng nề nhất, cần được phát hiện sớm, theo dõi và xử trí kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm”, ThS Tuấn khuyến cáo.
Theo chuyên gia này, việc thăm khám sức khỏe sớm giai đoạn hậu Covid-19 sẽ giúp phát hiện và xử lý những di chứng ở phổi. Đồng thời, bác sĩ sẽ tư vấn về chế độ dinh dưỡng, hướng dẫn tập phục hồi chức năng. Nhờ đó, giúp bệnh nhân nhanh phục hồi chức năng phổi, cũng như cơ quan hô hấp.
Khi kiểm tra, bác sĩ sẽ X-quang số hóa phổi thẳng, hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực. Qua đó, đánh giá bất thường lồng ngực và tổn thương thường gặp ở phổi như hình kính mờ, xơ hóa phổi, viêm phổi tổ chức, dày các vách liên tiểu thùy, khí phế thũng... Ngoài ra, người bệnh sẽ được đo chức năng hô hấp, trao đổi khí ra vào phổi. Nhờ đó, phát hiện sớm các nguy cơ rối loạn không khí.
“Tỷ lệ xơ phổi sau Covid-19 được các chuyên gia ước tính khoảng 2 - 6% trường hợp mắc bệnh mức độ vừa và nặng. Các biện pháp điều trị hiện tại bao gồm tập thở, thuốc kháng xơ phổi, vắc-xin IN01, glucocorticosteroid”, ThS Nguyễn Chí Tuấn cho biết.
Không chỉ xảy ra ở người mắc Covid-19
Trong khi đó, theo bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, xơ phổi là hậu quả của phản ứng viêm. Có hai con đường chính dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân đầu tiên là nhiễm virus gây tổn thương trực tiếp đến phổi. Từ đó, khiến phổi bị xơ hóa. Yếu tố khác là do phản ứng của hệ miễn dịch. Bởi, khi virus xâm nhập, hệ miễn dịch được kích hoạt.
Tuy nhiên, bác sĩ Phúc cho biết, xơ phổi không chỉ gặp ở bệnh nhân Covid-19. Chuyên gia này dẫn chứng, một nghiên cứu quan sát bệnh nhân viêm phổi trong dịch SARS năm 2003 do virus SARS-CoV-1 gây ra cho thấy, khoảng 80% bệnh nhân xơ phổi hồi phục trong 1 năm.
Khoảng 20% tổn thương vẫn tồn tại sau 5 - 10 năm. Với người nhiễm virus MERS-CoV, biến chứng xơ phổi tiến triển trong 4 tháng đầu sau khi xuất viện. Ngoài ra, cúm H5N1 và H7N9 cũng có thể gây xơ phổi.
“Hàng loạt các virus khác cũng gây tổn thương xơ hóa phổi. Trong đó phải kể đến HIV, Cytomegalovi. Viêm phổi do virus nào đi chăng nữa, thì di chứng xơ phổi đều xuất hiện ở một số trường hợp. Thậm chí, các virus khác xơ phổi còn nghiêm trọng hơn Covid-19, như cúm gia cầm H7N9, Epstein – Barr (EBV), Murine γ-herpesvirus 68 (MHV-68)…”, bác sĩ Phúc nêu.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Phúc, hầu hết bệnh nhân xơ phổi do các virus khác đều tự hồi phục sau 6 tháng đến 1 năm. Số ít để lại di chứng nhiều năm, hoặc tổn thương vĩnh viễn. Đối với Covid-19, người cao tuổi và mắc các bệnh nền có nguy cơ xơ phổi cao hơn. Song, người bị xơ phổi hậu Covid-19 cũng có khả năng tự khỏi.
Để khắc phục tình trạng xơ phổi, bác sĩ Phúc cho biết, cần phát hiện sớm để quản lý sức khỏe ngay từ giai đoạn đầu. Một số biện pháp gồm: Tập thể dục thường xuyên, bổ sung dinh dưỡng, bỏ thuốc lá, có chế độ ăn uống lành mạnh.
Trong khi đó, theo ThS Nguyễn Chí Tuấn, để giảm tỷ lệ nhập viện do hậu Covid-19, người dân nên chủ động khám sức khỏe trong 1 - 3 tháng đầu sau khi khỏi bệnh. Đặc biệt, các trường hợp cần phải đi khám ngay sau khi khỏi bệnh bao gồm: Có bệnh lý nền, trên 60 tuổi. Người từng phải điều trị tại khoa cấp cứu, hồi sức tích cực khi mắc Covid-19, hoặc trường hợp có triệu chứng nặng/bất thường cũng được khuyến cáo đi khám.