“Kon Tum: Dân bất an vì bãi rác nằm gần mạch nước ngầm”

Khắc phục tình trạng do Báo Giáo dục và Thời đại phản ánh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Trước những lo lắng, bất an của người dân về bãi rác có nguy cơ đe dọa sức khoẻ, UBND huyện Đắk Tô đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục, tổ chức vận hành hệ thống xử lý nước rỉ rác đúng theo quy định.

Bãi xử lý rác thải huyện Đắk Tô khiến người dân bất an vì lo sợ nguồn nước ngầm sẽ bị ảnh hưởng.
Bãi xử lý rác thải huyện Đắk Tô khiến người dân bất an vì lo sợ nguồn nước ngầm sẽ bị ảnh hưởng.

Sau khi Báo Giáo dục và Thời đại đăng tải bài viết “Kon Tum: Dân bất an vì bãi rác nằm gần mạch nước ngầm”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Tô - Đặng Quang Hải đã chỉ đạo các Phòng, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, khắc phục.

Theo đó, UBND huyện Đắk Tô yêu cầu Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị khẩn trương thực hiện thu gom, san gạt và chuyển toàn bộ lượng rác thải đã đổ trên đường nội bộ, các bao chứa rác xuống hố chôn lấp. Qua đó, không để tình trạng rác thải rơi vãi trên các tuyến đường, khu vực bờ xung quanh hố chôn lấp.

Bên cạnh đó, phát quang bụi rậm, cỏ dại và dọn dẹp sạch toàn bộ khu vực xung quanh hố chôn lấp, khu xử lý rác, các bể chứa nước thải, khu vực mương nước nơi tiếp nhận nước thải sau xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường.

Không những thế, UBND huyện yêu cầu trung tâm chỉ đạo công nhân trực, vận hành hệ thống xử lý nước rỉ rác theo đúng quy trình. Từ đó, không để nước rỉ rác thải ra môi trường mà chưa được xử lý. Đồng thời quản lý, vận hành bãi xử lý rác đảm bảo các yêu cầu, không để phát sinh ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, UBND huyện yêu cầu Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị bàn giao lại hệ thống camera giám sát cho Phòng Tài nguyên và Môi trường để quản lý hoạt động đối với bãi xử lý rác thải.

Trong trường hợp vận hành bãi xử lý rác không đảm bảo các yêu cầu mà để xảy ra ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh và hạ lưu thì Giám đốc Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị chịu trách nhiệm trước UBND huyện.

Còn với Phòng Tài nguyên và Môi trường, ông Đặng Quang Hải yêu cầu tăng cường công tác giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại bãi xử lý rác thải.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra công tác quản lý, vận hành, bảo đản môi trường của Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị tại bãi xử lý rác thải. Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị chức năng khảo sát, lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát tại nhà điều hành và khu vực xử lý rác.

Ngoài ra, UBND huyện yêu cầu UBND xã Tân Cảnh nâng cao trách nhiệm quản lý địa bàn, thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc vận hành bãi xử lý rác. Bên cạnh đó kịp thời phản ánh đến cơ quan quản lý Nhà nước về các ý kiến, kiến nghị của người dân liên quan đến nước thải, mùi hôi, rác thải phát sinh trong quá trình vận hành bãi xử lý rác…

Trước đó, như đã phản ánh, bãi rác cũ huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) là nơi tập trung tiếp nhận rác thải của địa phương từ năm 2001. Ở vị trí chôn lấp chỉ là nơi tập kết chất thải rắn lộ thiên, không bảo đảm kỹ thuật nên gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường.

Để xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm tại bãi rác UBND huyện đã cho chủ trương xây dựng Bãi xử lý rác thải huyện Đắk Tô với tổng mức đầu tư hơn 21 tỷ đồng. Bãi rác với quy mô 58.713 m3 rác, xây dựng khu xử lý nước rỉ rác với công suất 30 m3/ngày đêm, đạt chuẩn xử lý loại A.

Bên cạnh đó, diện tích sử dụng đất 5,3 ha với thời hạn sử dụng công trình là 11 năm. Đồng thời, mục tiêu của dự án là nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện Đắk Tô, cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, xử lý triệt để các nguồn ô nhiễm thứ cấp và các vấn đề môi trường do bãi rác cũ gây ra.

Những tưởng khi bãi rác được xây dựng sẽ không còn tình trạng ô nhiễm và người dân ổn định cuộc sống. Thế nhưng, bà con nơi đây vẫn phải sống chung với mùi hôi thối và nguồn nước sạch có khả năng bị ô nhiễm. Thời gian dài, người dân lo lắng nước thải sẽ ngấm vào mạch nước ngầm gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của bà con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...